Lang thang tìm gánh bánh đúc nộm ở Hà Nội

Địa chỉ Hà Nội,
Chia sẻ

Bánh đúc nộm là một biến tấu rất ngon của món bánh đúc truyền thống và rất hợp với mùa hè. Ở Hà Nội, bạn có thể lang thang vài khu phố dưới đây để thưởng thức món ăn này.

Bánh đúc vốn được biết đến như một thứ quà ăn chơi giản dị nhưng đầy sức mê hoặc. Bánh đúc có rất nhiều biến thể từ nóng đến nguội, từ mặn đến ngọt. Bánh đúc nộm cũng là một trong những biến thể ấy.

Bánh đúc nộm là một món ăn chân chất, mộc mạc như đồng quê Bắc Bộ. Người ta ăn bánh đúc nộm không cốt lấy no, mà chỉ ăn chơi trong những ngày hè nóng bức. Món ăn giản đơn, bình dị từ nguyên liệu tạo nên món ăn đến hương vị nhẹ nhàng, tinh tế của nó. Thời gian trôi qua, vạn vật đổi thay nhưng bánh đúc nộm thì vẫn giữ nguyên được cái hồn cốt vốn có từ thuở khai sinh.


Để có bánh đúc nộm ngon, đầu tiên phải kể đến là công đoạn làm bánh. Thường thì bánh đúc sẽ được nấu từ tối hôm trước cho nguội nhưng vẫn giữ được độ mềm và trắng trong. Gạo làm bánh đúc phải là gạo cũ, nấu lên lúc nóng thì dẻo, lúc nguội rắn lại mới được.

Để làm được bánh đúc mịn thì khi nấu phải quấy đều, nhẹ tay và liên tục. Nếu không quấy nhanh, bánh sẽ bị cháy. Một trong những bí kíp nấu bánh đúc nằm ở việc cho một lượng vôi vừa đủ để bánh không bị nát và nồng. Quấy bánh đến lúc sắp bắc ra thì cho thêm chút nước muối để vừa giữ ẩm cho bánh, lại vừa làm bánh thêm dẻo.


Để làm được món bánh đúc nộm ngon, ngoài khéo léo trong khâu làm bánh đúc còn phải cẩn trọng trong việc chọn nguyên liệu gia giảm như lạc, vừng đảm bảo cho nước canh ngon. Nước canh mà hỏng thì bát bánh đúc cũng giảm đi phân nửa độ hấp dẫn. Có thể nói, thứ canh màu trắng sữa, nấu từ vừng lạc thơm ngậy, ngọt ngọt, bùi bùi, beo béo này chính là hồn cốt của món bánh đúc nộm.

Người bán hàng phải lành nghề từ khâu chọn nguyên liệu để đảm bảo vừng, lạc phải hoàn toàn tươi mới. Khâu xay vừng, lạc cũng phải cẩn thận, đảm bảo đủ độ sánh, nước canh dậy mùi thơm, béo ngậy, rất hấp dẫn.

Giá để ăn kèm với bánh đúc nộm dù đã được chần qua nhưng khi ăn vẫn phải đảm bảo được vị giòn giòn, không bị mềm nhũn.


Chiếc bát đựng bánh đúc nộm cũng phải là bát loại bát tô to. Khi khách gọi, cô chủ hàng dùng con dao sắc để cắt nhỏ khối bánh đúc to kia thành những miếng mỏng, dài như sợi phở và cho vào chiếc bát. Thêm ít giá đỗ chần sơ trắng phau đã chuẩn bị trước xếp vào một góc rồi chan nước canh vừng lạc béo ngậy lên trên.


Trước khi chan, cô bán hàng nhẹ nhàng dùng chiếc muôi đảo quanh nồi nước dùng một đợt để nước, vừng, lạc hòa lẫn vào nhau - một hành động nhỏ, thể hiện sự tinh tế của người bán hàng.



Bát bánh đúc nộm ngon không thể thiếu vắng sự có mặt của các loại rau sống, đặc biệt là rau húng, rau ngổ, lá tía tô, kèm thêm ít thân chuối non thái mỏng. Khi ăn, thực khách sẽ tự bỏ thêm rau vào bát của mình, thêm một chút ớt tươi thái mỏng hay ớt bột khô là bạn đã có thể thưởng thức món bánh đúc nộm đầy đủ hương, vị và sắc.


Bánh đúc nộm có thể được xem là một món bánh chay bởi những nguyên liệu làm ra nó chỉ đơn thuần là gạo, rau, vừng, lạc... hoàn toàn không có sự xuất hiện của thịt, mỡ. Một món ăn bình dị, thanh đạm, dân dã hiếm có ở đất Hà thành. Cũng thật khó để tìm được cửa tiệm cố định bán món ăn này. Bánh đúc nộm là món ăn của những gánh hàng rong.


Một số địa điểm cố định tại Hà Nội để bạn thưởng thức món ăn này là:

- Quán bánh đúc hay ngồi ở phố Châu Long, bán từ 14h.

- Trước cửa nhà số 66 Hàng Bạc, từ 6h30 - 11h30.

- Gần số 14 Đào Duy Từ, từ 15h - 19h.
 
- Một quán hàng rong vẫn ngồi ở trước số 107 Bạch Mai, từ 7h - 10h.
 
- Góc ngã tư Hàng Than - Nguyễn Trường Tộ, từ 15h - 18h.
 
- Ngõ Xã Đàn 2, từ 14h - 15h.
Chia sẻ