Lần đầu tiên dùng kỹ thuật ECMO cứu sống trẻ sơ sinh nhỏ tuổi nhất

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Lần đầu tiên bệnh viện Nhi TW dùng kỹ thuật ECMO (phương pháp sử dụng màng trao đổi oxy ngoài cơ thể) cứu sống thành công một bệnh nhân sơ sinh.

Bệnh nhi là bé P.Đ.V (27 ngày tuổi, Hải Dương) bị viêm phổi nặng (ARDS), suy tuần hoàn.

Bệnh nhận bị viêm phổi nặng

Bệnh nhân P.Đ.V (27 ngày tuổi, ở Hải Dương) được chuyển từ bệnh viện tỉnh Hải Dương lên bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy hô hấp nặng, đã được đặt nội khí quản, hô hấp hỗ trợ kèm theo tình trạng nhiễm trùng nặng. 

Trước đó, bệnh nhi điều trị tại bệnh viện tỉnh 2 tuần với chẩn đoán viêm phổi. Tuy nhiên, bệnh ngày một nặng hơn, khó thở tăng dần và cần can thiệp hô hấp nhân tạo.

Tại khoa Hồi sức cấp cứu Sơ sinh, bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm phổi nặng, tràn khí màng phổi, suy tuần hoàn. Bệnh nhi được điều trị tích cực: chọc hút và dẫn lưu khí màng phổi, thở máy tần số cao, hỗ trợ tim mạch bằng thuốc vận mạch, điều trị nhiễm trùng, hỗ trợ dinh dưỡng.

Theo Ths.BS Đặng Ánh Dương, phó trưởng khoa Hồi sức Ngoại, tuy được điều trị rất tích cực bằng các biện pháp điều trị nội khoa tốt nhất, nhưng tình trạng cháu V. vẫn không cải thiện, diễn biến xấu dần, oxy máu rất thấp, nếu kéo dài chắc chắn trẻ không qua khỏi do thiếu oxy tổ chức và suy đa tạng. Ngay lập tức các bác sĩ tiến hành hội chẩn và chỉ định sử dụng phương pháp cuối cùng là kỹ thuật màng trao đổi oxy ngoài cơ thể (kỹ thuật ECMO).

Sau 1 tuần hỗ trợ ECMO tại khoa Hồi sức Ngoại, tình trạng bệnh nhi cải thiện rõ rệt, tổn thương phổi phục hồi, chức năng trao đổi oxy của phổi rất tốt (hình dưới), chức năng các cơ quan ổn định.

Bệnh nhi được rút nội khí quản, tự thở oxy qua mặt nạ, tình trạng nhiễm trùng giảm nhiều. “Với bệnh nhi này, nếu không được hỗ trợ kịp thời bằng ECMO, tiên lượng tỷ lệ tử vong là 100%”  - BS Dương cho biết.

Được biết trược đó, Bệnh viện đã áp dụng thành công phương pháp ECMO cứu sống gần 20 trẻ suy hô hấp nặng hoặc/và suy tuần hoàn nhưng ở độ tuổi lớn hơn.

kỹ thuật ECMO
Bác sĩ thăm khám, kiểm tra tình hình bệnh nhân sau khi dừng ECMO (Ảnh: BVCC)

Kỹ thuật hiện đại cứu sống nhiều bệnh nhân

Theo  PGS.TS Trần Minh Điền Phó giám đốc Bệnh viện nhi Trung ương cho biết, nguyên lý hoạt động của kỹ thuật ECMO là máu của người bệnh được rút ra khỏi cơ thể qua một tĩnh mạch lớn, rồi bơm qua màng trao đổi oxy có chức năng giống như lá phổi, sau đó trở về tuần hoàn cơ thể.

Để thực hiện kỹ thuật phức tạp với hệ thống máy móc hiện đại này, các phẫu thuật viên phải được đào tạo bài bản, có chuyên môn cao cùng sự khéo léo, cẩn thận và vô cùng chính xác.

Bình thường, nếu không có hệ thống này, tim và phổi của bệnh nhân sẽ được xử lý để tiếp tục hoạt động. Nhưng như vậy sẽ khiến tim, phổi càng bị quá sức, vì vốn nó đã đang bị yếu. Nhưng với hệ thống này, tim và phổi của bệnh nhân được “nghỉ ngơi” hoàn toàn.

Hệ thống máy sẽ làm thay nhiệm vụ trộn oxy vào máu và tách khí cacbonic ra, rồi bơm vào hệ thống mạch máu (thực chất là làm thay công việc của tim và phổi), đem máu và oxy đến khắp cơ thể.

ECMO thường được sử dụng như là một liệu pháp cứu hộ cho bệnh nhân nặng, suy hô hấp có giảm oxy máu dai dẳng mà thất bại với các biện pháp điều trị truyền thống khác.

Phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể giúp hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng, đáp ứng kém hoặc không đáp ứng với các biện pháp hồi sức thông thường. Những năm qua, bệnh viện Nhi Trung ương đã áp dụng kỹ thuật này để cứu sống các bệnh nhi nguy kịch do mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) sau mắc sởi, bệnh nhi mắc tim bẩm sinh, ho gà…

Ngoài ra, kĩ thuật ECMO có thể được áp dụng cho việc hỗ trợ chức năng tim–chức năng phổi khi có suy tim nặng, sốc tim hay các suy hô hấp cấp tiến triển nặng mà không đáp ứng với các biện pháp hồi sức thường quy cũng như hồi sức nâng cao. 

Kỹ thuật tiên tiến này được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực: hồi sức cho những trẻ sơ sinh non yếu có phổi chưa trưởng thành, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nặng như: viêm phổi do cúm H5N1, H1N1, H7N9 nặng mà các máy hỗ trợ hô hấp không hiệu quả; viêm phổi do vi khuẩn hoặc do các tình trạng sốc nguyên nhân do tim như: do viêm cơ tim cấp hoặc nhồi máu cơ tim nặng, nhồi máu phổi nặng, suy tim nặng chờ ghép tim…
Chia sẻ