Cứu sống bệnh nhân nhờ việc áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai lần đầu tiên cứu sống một bệnh nhân trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt.

Tạo cơ hội sống cho người bệnh

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa cứu sống một cụ bà 82 tuổi ở Yên Bái bị ngừng tim. Bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim. Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân. Sau cấp cứu, bệnh nhân phục hồi nhịp tim, huyết áp nhưng vẫn hôn mê sâu do thương tổn não sau ngừng tuần hoàn. Vì thế, bệnh viện áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt để bảo vệ não. Sau một ngày, huyết áp cụ đã ổn định hơn, có nhịp tự thở, ý thức cải thiện tốt hơn. Đến nay, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, phục hồi vận động. Bà có tiền sử bị đái tháo đường, suy tim.

Chị Trà, người nhà bệnh nhân, chia sẻ: khi bà được chuyển đến khoa Cấp cứu, mọi người nghĩ bà không thể qua khỏi, tim đã ngừng đập, ai chuẩn bị tinh thần. Tuy nhiên, mọi việc chuyển biến tốt bất ngờ sau khi được các bác sĩ bệnh viện cấp cứu, hiện bà đã tỉnh táo.

kỹ thuật hạ thân nhiệt cứu sống bệnh nhân 1

Ngừng thở, ngừng tim (còn gọi là ngừng tuần hoàn) là hậu quả của nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau, như (ngạt và thiếu oxy ở trẻ sơ sinh, chấn thương sọ não đụng giập lan toả, đột quỵ thiếu máu não, xuất huyết não, nhồi máu cơ tim, suy hô hấp…). Tình huống nguy hiểm này có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, như đang làm việc trên cánh đồng, đang tập thể dục buổi sáng hoặc đang làm việc ở công sở, ở sân vận động, trong bệnh viện… Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong. 

Theo BS Nguyễn Hữu Quân - Khoa cấp cứu, BV Bạch Mai cho biết, về mặt lý thuyết, việc ngừng tim trên 3 phút mà không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Với những bệnh nhân bị ngừng tim, dù cấp cứu ngừng tim thành công, tim đập trở lại, phục hồi được mạch huyết áp thì tỉ lệ sống sót cũng chỉ dưới 10% (ngay cả những nước có hệ thống y tế hiện đại). Còn ở Việt Nam, tỉ lệ cứu sống bệnh nhân ngừng tim ngoài cộng đồng thấp hơn rất nhiều (cơ hội cứu sống có thể chỉ từ 1-2%). 

Lý giải điều này bác sĩ Quân cho biết, nguyên nhân bởi vì trong khi ngừng tim, não không có máu nuôi dưỡng bị tổn thương nặng nề. Các phản ứng có hại do thiếu máu não gây ra tiếp tục gây huỷ hoại tế bào não mặc dù đã phục hồi được máu lên não. Hậu quả là não sẽ bị phù nề, viêm, và hoại tử dẫn tới chết não và tử vong.

Đối với các bệnh nhân được cứu sống sau ngừng tuần hoàn thường để lại di chứng tổn thương não rất nặng nề. Mức độ nhẹ là mất trí nhớ, liệt nửa người, co giật, động kinh. Mức độ nặng là liệt toàn thân, nằm tại chỗ, hôn mê (sống thực vật). Hậu quả sẽ làm tăng gánh nặng chăm sóc, chi phí lên gia đình và xã hội. Điều này vẫn xảy ra, mặc dù các bệnh nhân này đã được cấp cứu kịp thời đúng cách bằng các biện pháp tích cực như cấp cứu ngừng tim, thở máy, cung cấp oxy, dinh dưỡng.

kỹ thuật hạ thân nhiệt cứu sống bệnh nhân 2

Kỹ thuật tiên tiến trên thế giới

TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết kỹ thuật hạ thân nhiệt là một trong những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Từ đầu tháng 5, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đã áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt cho trên 10 bệnh nhân. Tại Việt Nam đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được áp dụng.

Những bệnh nhân sau khi bị ngừng tim, bệnh nhân đã được cấp cứu thành công, tim đã đập trở lại, có mạch và huyết áp nhưng bệnh nhân vẫn không tỉnh. Người ta sẽ tiến hành biện pháp làm hạ nhiệt độ cơ thể bệnh nhân. Các biện pháp thông thường như chườm đá, truyền nước lạnh... có thể áp dụng tuy nhiên biện pháp này sẽ không kiểm soát được nhiệt độ một cách chính xác nên hiệu quả rất hạn chế. Tốc độ làm lạnh và tốc độ làm ấm bệnh nhân là cực kỳ quan trọng mà chúng ta không thể làm bằng phương pháp thông thường phải làm bằng một thiết bị đặc biệt để kiểm soát thân nhiệt. 

Tại khoa Cấp cứu các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt nội mạch tiên tiến, với một thiết bị hạ thân nhiệt đặc biệt, người ta sẽ đưa một ống thông chuyên biệt vào mạch máu của bệnh nhân và từ đó tiến hành hạ thân nhiệt điều trị. Thông thường quá trình điều trị sẽ đưa nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân xuống 33 độ (ở người bình thường 36,5 - 37 độ). 

Sau đó máu sẽ duy trì ở nhiệt độ này trong vòng 24 giờ để giúp cho các tế bào não hồi phục. Sau 24 giờ, máy sẽ làm ấm bệnh nhân theo chương trình rất chặt chẽ nâng dần nhiệt độ bệnh nhân 0,25 độ/giờ cho tới khi đạt nhiệt độ bình thường. Khi nhiệt độ bệnh nhân hạ xuống, não sẽ bớt phù hơn, bớt viêm và tưới máu não, cung cấp oxy tốt hơn, cải thiện tình trạng độc tế bào não từ đó các tế bào não sẽ hồi phục rất ngoạn mục.

kỹ thuật hạ thân nhiệt cứu sống bệnh nhân 3

Thông thường điều trị phục hồi não sau cấp cứu ngừng tim thành công là dùng thuốc an thần, thở máy để giảm phù não và kiểm soát tốt huyết áp. Hạ thân nhiệt là phương pháp điều trị bổ trợ cho các phương pháp cấp cứu khác được tốt hơn, giúp cải thiện tỉ lệ tử vong và biến chứng. 

Theo bác sĩ Quân, thời gian “vàng” cho người bệnh để tiến hành kỹ thuật hạ thân nhiệt là trước 6 giờ. Nếu bệnh nhân đưa vào cấp cứu sau 6 tiếng thì hiệu quả sẽ không như mong muốn.

“Đây là một hướng điều trị nhiều triển vọng có thể áp dụng cho nhiều bệnh nhân rơi vào tình huống nguy hiểm liên quan đến thương tổn não cấp như thương tổn não sau ngừng tuần hoàn, sau thương tổn não nặng do bị chấn thương hoặc tai biến mạch não…” -TS Chi cho biết.

Trên thực tế, cấp cứu ngừng tim bằng phương pháp hạ thân nhiệt đã được thực hiện thường quy trên thế giới, còn được khuyến cáo trong Hội tim mạch Hoa Kỳ sử dụng. Theo chứng minh trên thế giới, dùng phương pháp này giảm tỉ lệ tử vong xuống 14% và giảm độ di chứng tàn phế xuống là 11%.
Chia sẻ