Lần đầu làm mẹ, sao nhiều khó khăn đến thế!

,
Chia sẻ

(aFamily)-Khi có em bé đồng nghĩa với chiếc giường ngủ của hai vợ chồng trở nên chật hẹp. Chồng phải vác chăn gối sang phòng bên cạnh mỗi đêm.

Chúng tôi khởi nguồn từ một tình yêu chân thành, đến với nhau trong sự ủng hộ của bố mẹ hai bên. Sau đám cưới, hai vợ chồng gần gũi, yêu thương như những cặp vợ chồng son khác. Mong muốn được làm bố, làm mẹ trẻ con của chúng tôi cứ lớn dần từng ngày. Tuy nhiên, càng chờ chúng tôi càng sốt ruột. Mãi đến năm thứ hai sống chung với nhau, trời mới cho chúng tôi một sinh linh bé nhỏ. Ngày biết mình có thai, tôi hạnh phúc khôn tả.

Sau giai đoạn mang bầu nặng nề, được cả gia đình hai bên chăm chút, cũng đến lúc tôi “vượt cạn”. Khi thằng cu con cất tiếng khóc chào đời, mẹ tròn con vuông. Mắt tôi ánh lên niềm vui rạng ngời khi nhìn thấy đứa con mình mang nặng đẻ đau, niềm mong mỏi bao lâu nay giờ mới thành hiện thực.

Có con và nuôi con mới biết được những vất vả, khó khăn. Dù chuẩn bị tinh thần từ trước, đã tham khảo bạn bè, người quen cũng như có người thân giúp đỡ, vậy mà tôi vẫn không tránh khỏi khủng hoảng cả về tinh thần lẫn sức khỏe.

Khi có em bé đồng nghĩa với chiếc giường ngủ của hai vợ chồng trở nên chật hẹp. Căn phòng vợ chồng tôi ở cũng nhỏ nên chồng phải vác chăn gối sang phòng bên cạnh mỗi đêm. Em bé mới sinh lại quấy, cứ đêm đến giật mình khóc ngằn ngặt. Trước đây, hai vợ chồng quen ngủ một mạch từ tối tới sáng, giờ có em bé, đảo lộn hết mọi thứ.

 
Những đêm đầu còn đỡ, càng về sau càng mệt mỏi. Tôi vừa ru con, có khi còn ngủ gật. Đợt đó thiếu sữa, phải cho bé uống sữa ngoài, vừa phải bế con, vừa đi gọi chồng pha sữa. Khổ nỗi, chồng đi làm cả ngày về mệt, gọi mấy lần vẫn không dạy nổi. Đến khi pha sữa cho con thì đánh đổ đầy ra nhà. Cuối cùng chồng ôm con, còn mình lại đi lau sàn không sợ kiến bò vào đốt bé. Cả một thời gian dài, đêm nào cũng điệp khúc gọi chồng rồi thay nhau ru con đến khi nào bé chịu ngủ mới thôi. Mắt chồng thâm quầng, ngáp dài ngáp ngắn, lúc nào cũng buồn ngủ. Hai vợ chồng tụt cân.

Rồi con tè, con ị kéo theo việc thay tã, thay bỉm. Chồng không quen nên đùn hết việc cho vợ. Từ trước đến giờ, mình đã bao giờ phải làm, thế mà cũng phải nhắm mắt nhắm mũi làm, miễn sao con được sạch sẽ, ngủ ngon là tốt rồi.

Hết thiếu sữa lại bị tắc tuyến sữa, phải đến mấy ngày như vậy, thử các cách mà vẫn không được, con quấy, mẹ thì đau hết hai bầu ngực. Gọi chồng giúp cũng không xong, lúc đó mới thật khốn khổ. Mãi sau mới có người mách lấy lá bồ công anh đun nước uống mới khỏi.

Con được hơn tháng thì chồng phải đi công tác mấy tuần. Bà ngoại ở xa, bà nội ở gần lại bận, không giúp được mấy, đã thế còn hay “soi”, khiến tôi khổ sở đủ thứ. Do chưa có kinh nghiệm nên khi bé hơi ho, tôi đã không lường trước. Đến khi bé có triệu trứng sốt, đưa đi bệnh viện thì mới tá hỏa bé bị viêm họng. Đợt đó, lo sốt vó, chồng lại không có ở cạnh, một mình xoay sở. Đã thế lúc về nhà, mẹ chồng còn mắng vô tâm, ở với con suốt ngày mà cũng không chăm được con tốt. Vừa chán, vừa tủi thân mà không dám kêu ai. Tinh thần bị đè nén, mệt mỏi rã rời.

Mong muốn thuê ô sin để giảm bớt gánh nặng thì mẹ chồng không cho. Bà bảo nhà bé thuê ô sin về để ở đâu, vả lại có người ở khác nào nói bà vô dụng, ở gần con, cháu mà không chăm sóc được chúng lại phải đi thuê người ngoài. Nhưng kỳ thực bà có giúp gì được đâu, mình lại phải gồng mình gánh vác tất cả mọi việc.

Từ khi có em bé đến nay đã gần ba tháng, hạnh phúc khi nhìn thấy con yêu đã giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn tuy nhiên khủng hoảng thì vẫn còn. Chồng tôi hay phải đi công tác, còn tôi sắp đến tháng đi làm trong khi em bé vẫn quấy hàng đêm và rất hay ốm. Hai vợ chồng tôi vẫn chưa biết thích nghi thế nào. Lúc nào cũng lo làm sao để có thể chăm sóc em bé được tốt, khỏe mạnh để hai vợ chồng còn yên tâm làm việc.

Lẽ nào nuôi con nhỏ lại khiến những người trẻ lần đầu được làm bố, mẹ rơi vào khủng hoảng như vậy sao? Rất mong nhận được những kinh nghiệm và phương pháp nuôi dạy con từ tất cả bạn đọc trên diễn đàn. Xin cảm ơn!

VY

Chia sẻ