Làm sáng tỏ 6 lời đồn thổi xung quanh đại dịch coronavirus chết người của Trung Quốc

Tiểu Nguyễn,
Chia sẻ

Liệu đã có cách chữa trị chưa? Áp dụng y học dân gian trong chữa trị có hiệu quả không?... Đó là hàng loạt những câu hỏi liên quan đến đại dịch coronavirus đang được lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội.

Hiện nay các cơ quan y tế của Trung Quốc đang chạy đua với thời gian để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus đã lan rộng trên toàn thế giới kể từ khi bùng phát ở thành phố Vũ Hán cách đây hơn 1 tháng. Đồng thời, giới chức của nước này cũng đang chiến đấu với một loạt tin đồn chưa được kiểm chứng về sự bùng phát của virus corona. Dưới đây là một số giải đáp các thắc mắc phổ biến mà ai cũng cần biết về đại dịch viêm phổi Vũ Hán:

1. Virus corona có thể lây truyền giữa người không?

Chuyên gia hàng đầu về Sars của Trung Quốc, Zhong Nanshan, đã xác nhận tuần trước rằng việc lây truyền virus corona từ người sang người có thể xảy ra.

Làm sáng tỏ những đồn thổi xung quanh đại dịch coronavirus chết người của Trung Quốc - Ảnh 1.

Xác nhận lây truyền virus từ người sang người đã được xác thực bằng các nghiên cứu y học, bao gồm một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet vào thứ Sáu bởi các nhà khoa học từ Đại học Hồng Kông và Phòng thí nghiệm về bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đang cố gắng xác định virus có thể lây lan dễ dàng như thế nào giữa người và liệu việc lây truyền trong không khí có khả thi hay không.

Chủ tịch Ủy ban Y tế Quốc gia Ma Xiaowei cho biết hôm Chủ nhật rằng, không giống như Sars, coronavirus có khả năng lây nhiễm ngay cả trong giai đoạn ủ bệnh và thời gian ủ bệnh có thể kéo dài tới 14 ngày. Ông Ma Xiaowei nói thêm rằng một số người nhiễm virus có thể không có bất kỳ 1 biểu hiện triệu chứng nào. Đây cũng là nguy cơ khiến cho sự lây lan virus khó kiểm soát.

Theo các chuyên gia y tế Trung Quốc thì những người nhiễm bệnh hầu hết ở độ tuổi từ 40 đến 60. Tuy nhiên, thực tế các trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận cũng bao gồm một bé gái 2 tuổi ở tỉnh Quảng Tây và một trẻ sơ sinh 9 tháng tuổi ở Bắc Kinh. Điều này cho thấy trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh không miễn dịch với virus.

Trả lời: Có, virus có thể lây truyền giữa người.

2. Có vaccine phòng ngừa hay phương pháp chữa trị loại virus này?

Hiện các nhà khoa học chưa tìm ra vaccine hay cách chữa trị hiệu quả cho chủng đã được xác định gần đây. 

Theo giới chức y tế Trung Quốc, hầu hết các trường hợp tử vong cho đến nay được xác định là người già và người trung niên có tình trạng sức khỏe không tốt, tiềm ẩn bệnh tật như bệnh tiểu đường… nhưng nạn nhân trẻ nhất được biết đến là một người đàn ông 36 tuổi ở tỉnh Hồ Bắc.

Làm sáng tỏ những đồn thổi xung quanh đại dịch coronavirus chết người của Trung Quốc - Ảnh 3.

Ủy ban y tế Bắc Kinh trước đây cho biết họ sẽ sử dụng thuốc kháng retrovirus (thuốc trong điều trị HIV) như một phần trong kế hoạch điều trị nhiễm coronavirus.

Một quan chức của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ tuần trước cũng cho biết tổ chức này đang phát triển một loại vaccine coronavirus và có thể bắt đầu thử nghiệm trên người trong 3 tháng. Trong khi đó, các nhà khoa học Trung Quốc và Hoa Kỳ tại Đại học Y Baylor ở Houston, Texas, Đại học Texas và Đại học Fudan ở Thượng Hải cũng đang trong giai đoạn đầu phát triển một loại vắc-xin riêng.

Trả lời: Hiện chưa có thuốc chữa khỏi virus viêm phổi Vũ Hán.

3. Các loại thuốc dân gian có tiêu diệt được coronavirus không?

Hiện nay trên MXH Trung Quốc và một số quốc gia châu Á lan truyền các bài đăng khuyến khích người dân dùng các phương pháp điều trị theo kinh nghiệm dân gian như súc miệng nước muối và ăn tép tỏi… như là "phương thuốc" tiềm năng chữa bệnh và ngăn ngừa coronavirus. Tuy nhiên, vào tuần trước Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc đã xua tan tin đồn rằng uống hỗn hợp giấm hun khói và thuốc thảo dược banlangen truyền thống của Trung Quốc có thể chữa khỏi bệnh viêm phổi virus Vũ Hán.

Làm sáng tỏ những đồn thổi xung quanh đại dịch coronavirus chết người của Trung Quốc - Ảnh 4.

Trả lời trên NHC, Zhang Hua - một bác sĩ hô hấp tại Bệnh viện Hepingli Bắc Kinh, nói rằng thuốc banlangen chỉ có hiệu quả chống lại cảm lạnh thông thường, chứ không chống lại được coronavirus.

Trả lời: Không, các loại thuốc dân gian truyền thống như banlangen chỉ dành cho cảm lạnh thông thường và không có tác dụng trong điều trị coronavirus.

4. Đeo khẩu trang phẫu thuật có bảo vệ con người khỏi virus?

Hiện nay khi dịch bệnh coronavirus bùng phát và tăng đột biến thì khẩu trang trở thành một vật dụng được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc và nhiều nước châu Á có các ca nhiễm bệnh. Một câu hỏi đặt ra là khi sử dụng khẩu trang y tế có thực sự bảo vệ được con người khỏi corona virus?

Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu và Bộ y tế Singapore cho biết khẩu trang y tế dùng trong phẫu thuật có thể làm giảm sự lây lan của virus do có thể ngăn các hạt nước nhỏ li ti bắn từ mũi và miệng của người đeo, giảm tiếp xúc với nước bọt và dịch tiết của người đeo cho người khác vô cùng hiệu quả. Nhưng việc không có miếng dán kín khít giữa khẩu trang và khuôn mặt của người đeo có nghĩa là vẫn còn nguy cơ nhiễm virus.

Làm sáng tỏ những đồn thổi xung quanh đại dịch coronavirus chết người của Trung Quốc - Ảnh 6.

Các chuyên gia y tế bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến nghị các biện pháp phòng ngừa khác như rửa tay thường xuyên, che miệng khi ho và hắt hơi và tránh tiêu thụ các loại thực phẩm có nguồn gốc là động vật sống hoặc chưa nấu chín.

Trả lời: Khẩu trang phẫu thuật chỉ là phương pháp bảo vệ cơ bản khỏi virus.

5. Việc kiểm tra nhiệt độ của khách du lịch tại các địa điểm như sân bay và nhà ga có ngăn chặn virus lây lan qua biên giới không?

Các chuyên gia y tế đã xác nhận rằng những bệnh nhân bị nhiễm bệnh có thể không hề xuất hiện các biểu hiện - các triệu chứng của bệnh giống như viêm phổi và vẫn có thể lây truyền trong thời gian ủ bệnh (có thể kéo dài đến 14 ngày).

Làm sáng tỏ những đồn thổi xung quanh đại dịch coronavirus chết người của Trung Quốc - Ảnh 7.

Theo David Heymann, một nhà dịch tễ học tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Lon Don, việc giám sát xác định người nhiễm bệnh bằng máy đo thân nhiệt không hiệu quả 100% khi người bệnh không xuất hiện các triệu chứng bệnh.

Tuần trước, một phụ nữ từ Vũ Hán khi có triệu chứng sốt nhẹ đã vượt qua hệ thống máy đo thân nhiệt ở sân bay Pháp bằng cách uống thuốc hạ sốt.

Việc dập dịch hiệu quả và tránh lây lan rộng là “cô lập người nhiễm bệnh”.

Trả lời: Máy đo thân nhiệt tại các trạm kiểm soát không thể ngăn chặn virus lây lan qua biên giới.

6. Đã xác định được virus có nguồn gốc từ động vật hoang dã trong một chợ bán buôn hải sản ở Vũ Hán?

Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc cho biết hôm thứ Bảy rằng 33 mẫu môi trường được thu thập từ chợ hải sản Huânan ở Vũ Hán đã cho kết quả dương tính với chủng coronavirus mới. Chúng chủ yếu đến từ các quầy hàng ở khu vực phía tây của chợ, nơi bán động vật hoang dã.

Làm sáng tỏ những đồn thổi xung quanh đại dịch coronavirus chết người của Trung Quốc - Ảnh 8.

Tuy nhiên vào ngày 24/1 một nhóm nghiên cứu gồm 7 nhà khoa học thuộc bệnh viện Jinyintan của Vũ Hán đã chia sẻ phát hiện của họ trên tạp chí Y khoa The Lancet rằng có nhiều ca nhiễm bệnh không hề liên quan đến chợ hải sản.

Hiện các chuyên gia vẫn chưa xác định được loài động vật nào truyền bệnh cho người, nhưng ít nhất hai nghiên cứu chỉ ra rằng nó có khả năng bắt nguồn từ loài dơi.

Hiện chính phủ Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm vô thời hạn đối với buôn bán động vật hoang dã.

Trả lời: Cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận mối liên hệ giữa dịch bệnh với chợ buôn bán hải sản, nhưng việc buôn bán động vật hoang dã đã bị cấm ở Trung Quốc.


Theo CNN, SCMP

Chia sẻ