Làm dâu: Cùng là đàn bà, ai nỡ "chơi" nhau?
Nhà chồng có chị cả và ba anh em trai. Chồng tôi là út. Giàu út ăn, khó út chịu. Cái câu đó vận vào chồng tôi vô cùng nặng nề. Anh coi việc mình phải phụng dưỡng cha mẹ, lo toan trong ngoài là hiển nhiên.
Ngày tôi mới về, gia đình chị cả vẫn đang sống chung với ba mẹ chồng tôi. Nghe mẹ chồng kể, hồi xưa anh rể muốn cưới chị cả, mẹ bảo: “Chỉ có mỗi một đứa con gái, anh ưng ở rể thì mới gả. Con gái của mẹ bấy lâu được cưng như trứng mỏng, chẳng phải làm việc nhà, nên đừng đòi hỏi nó thế này thế nọ. Chấp nhận được thì tiến tới”.
Người ta bảo, thế gian được vợ mất chồng, quả chẳng sai. Anh rể hiền lành, chịu khó, lại tháo vát nhanh nhẹn. Mọi gánh nặng đều được chồng nhận lãnh hết. Chị cả lúc bé ở với mẹ, lấy chồng thì được mẹ ruột lo dùm việc nội trợ, bếp núc, sinh ba đứa con đều do một tay mẹ chồng tôi chăm nom, nuôi nấng cả con lẫn cháu.
Sau khi tôi về làm dâu, chị cả tỏ ý rõ rằng, sau này vợ chồng tôi “hưởng hết gia tài” của ba mẹ, nên chúng tôi phải có bổn phận lo hết mọi thứ trong nhà. Vợ chồng chị cả làm may gia công tại nhà, nuôi thêm ba thợ, nhưng tiền điện, tiền nước ga gạo… đều do vợ chồng tôi trang trải. Mẹ chồng tôi luôn to nhỏ dặn dò rằng, con đi làm về nếu rảnh thì xuống nhà phụ chị may vá, đỡ đần một tay, đừng trốn ở trong phòng, coi sao được!
Rồi gia đình chị cả mua nhà, ra riêng. Ngày đọn đi, đến cái giẻ lau bếp cũ chị cũng vơ cho trót. Hàng xóm xầm xì, có con dâu mới về nên anh chị phải dọn đi, nhà của chị cả giờ nhường cho ba mẹ và vợ chồng em trai ở. Tôi nghe về kể lại với mẹ chồng, bị mẹ mắng rằng, tôi ghét chị cả nên mới đặt điều nói ra nói vào…
Mẹ chồng tôi xót con gái, cháu ngoại nên thường xuyên qua nhà phụ đỡ việc vặt. Lần nào ra khỏi nhà mẹ cũng mang theo cái gì đó, nhưng khi về, tôi chưa từng thấy mẹ cầm về thứ gì. Chị cả qua thăm ba mẹ ruột cũng vậy, toàn đi tay không, vừa vào đến cửa đã nghe hỏi “Mẹ có cái gì ăn không?”.
Tôi lần lượt sinh hai đứa con, chị đến thăm, chưa bao giờ mua cho cháu hay em dâu cân đường hộp sữa. Thậm chí, chị còn mở tủ lạnh lấy khi thì ít trái chanh ớt, lúc cặp bưởi chưng trên bàn thờ, tranh thủ hái mớ rau sạch mới nhú ngoài ban công… Những chuyện đàn bà kiểu ấy tuy lặt vặt, nhưng ai ở trong hoàn cảnh đó mới hiểu hết nỗi bực mình.
Mẹ chồng tôi bệnh một đợt dài trước khi mất. Ngày bà nằm viện, tôi phải xin nghỉ không ăn lương để chăm sóc. Chị cả không đi làm, chẳng bó buộc thời gian, nhưng chỉ đảo qua để ngó thử, đồng thời góp ý xem mẹ nằm như vầy thì gối hơi cao, cháo nấu sao mà thấy ít thịt quá, có lau mình thường không mà lưng mẹ bị ẩm thế này… Một bữa canh chừng mẹ chị cũng không nỡ, nói chi đến phụ đỡ được đồng nào tiền viện phí. Tôi có thắc mắc với chồng thì anh cũng gạt đi, cho rằng bổn phận với mẹ là của hai vợ chồng tôi, chứ chị là con gái, liên quan gì…
Căn nhà gia đình tôi và ba chồng đang ở cuối cùng cũng phải bán đi để chia, với lý do là mẹ chồng tôi mất không di chúc, nên con cái ai cũng có phần, thì mới là công bằng. Vợ chồng tôi phải vay thêm tiền ngân hàng để mua một chỗ ở khác. Ba chồng tôi cũng có góp một phần nhỏ trong căn nhà mới ấy, phần còn lại, chị cả hỏi mượn để làm ăn…Thế nhưng, mỗi lần có khách khứa tới nhà, là ba luôn miệng than rằng, khổ lắm, có bao nhiêu tiền đưa hết cho chúng nó mua nhà, giờ thì ăn nhờ ở đậu, chẳng còn quyền hành gì.
Tôi nghe cảm thấy vô cùng bất mãn, nhưng chồng tôi cho rằng, người già ai cũng lẩm cẩm như vậy, tôi muốn nhà cửa êm ấm thì sống đừng có hay chấp nhặt thế… Anh chắc không hiểu, người ngoài nghe những lời kể lể ấy đều hướng cái nhìn nghi ngại sang phía tôi, đứa con dâu “khác máu tanh lòng”, chứ ai nỡ không tin lời một ông già đã có phần không thể suy xét thiệt hơn…
Bây giờ, ba chồng tôi đã già lẫn, ăn phải đút, tiêu tiểu phải có người lau dọn. Tiền thuê người chăm ông chiếm hết khoản lương căn bản của tôi. Để có thể nuôi dạy hai đứa con và năm miệng ăn trong nhà, vợ chồng tôi buộc phải làm thêm cật lực. Cuộc sống đã cực nhọc còn thêm cái sự chị cả hay tạt ngang xét nét. Chị thích ghé thăm ba lúc chúng tôi đi vắng, tiện thể gội đầu, ăn bữa cơm.
Nhà có chuối luộc hay bắp nấu, chị “xin vài trái” về cho con bé Út. Tôi chẳng hẹp hòi gì tới độ tính toán những điều ấy, nhưng lòng không khỏi cám cảnh. Một mình ba chồng tôi chi phí bằng cả gia đình tôi lúc này, nhưng chị thản nhiên như không, dù luôn miệng khoe, tao mới mua thêm miếng đất này, đổi sang cái xe khác…
Tết vừa rồi, lãnh được chút tiền thưởng, chồng tôi nhắc nhớ mua quà biếu anh chị cả, bỏ bao lì xì cho các cháu kha khá một chút. Tôi chẳng dám phản đối, bởi mẹ đã mất, chồng tôi chỉ còn có chị là chỗ dựa tinh thần, mang lại chút cảm giác êm ấm. Nhưng chị cả vẫn giữ thói quen cũ, chẳng hề cho em cho cháu cái gì, thậm chí lì xì cho con tôi cũng là tờ tiền lẻ. Không ai tính toán thiệt hơn tiền mừng tuổi, nhưng giá mà nhà chị cả khó khăn, hoặc chị là vai em út, chắc tôi đã không chạnh lòng…
Điều làm tôi thấy mỉa mai nhất, là sau bao nhiêu vất vả chịu đựng, tôi nhận lại được một câu nói xấu sau lưng từ chị cả rằng, trong mấy đứa em dâu, tôi là… tệ nhất, mặt mũi lúc nào cũng đăm đăm, chẳng bao giờ biết lấy lòng chị em bên chồng! Tôi thật không biết vì đâu mà chị có thể nêu lên nhận xét phiến diện và ngây thơ đến vậy, lẽ nào người ta đánh giá nhau chỉ qua những lời đãi bôi ngọt nhạt bên ngoài, còn bao nhiêu đóng góp khổ cực thì cứ việc lơ đi là xong?
Có chị bạn khuyên tôi rằng, chị cả… suy nghĩ không tới, để bụng làm gì thêm buồn. Cuộc sống đều có nhân có quả, còn đời con cái và tuổi già phía trước, không biết đâu mà mừng hay tủi vội. Tôi nhớ ra mẹ ruột của mình cũng đang sống cùng em trai em dâu, tự dặn lòng, mình có thương và đối đãi tử tế với em dâu, thì mới mong nó có lòng với nhà chồng. Chứ đâu…
Người ta bảo, giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng, chuyện cứ ngỡ từ cái thuở cổ lai hy nào đó, chứ thời bây giờ đàn bà với nhau, ai nỡ đàn áp, chơi trên đầu trên cổ nhau cho thiệt thòi. Thế mà, tôi “may mắn” có người chị chồng vô tư hồn nhiên nhất quả đất đến vậy, trao mọi gánh nặng cho em dâu mà chẳng chút bận tâm như thế, quả cũng là hiếm gặp.