Làm cật lực chỉ dư 5 triệu/tháng, chị em đặt dấu hỏi nên dành số tiền này để đầu tư hay tiết kiệm
Đầu tư hoặc tiết kiệm đều là việc phải làm để duy trì và phát triển tài chính cá nhân. Tuy nhiên, khi nào nên đầu tư khi nào cần tiết kiệm lại khác nhau qua cách xử lý của mỗi người.
Hỏi: Một tháng tôi chỉ để dành được 5 triệu. Số tiền không ít nhưng cũng không quá nhiều. Vậy tôi nên đầu tư hay tiết kiệm để đảm bảo nhất?
Theo các chuyên gia của trang Money Under 30 thì cho dù là người có kinh nghiệm lên kế hoạch tài chính cá nhân trong nhiều năm hay mới chỉ bắt đầu thì quyết định đầu tư hay tiết kiệm luôn cần phải cân nhắc thiệt hơn.
Tiết kiệm có thể là con đường an toàn hơn nhưng lãi suất và phát triển không cao. Trong khi đó, đầu tư lại giúp mang tới lợi nhuận tốt hơn nhưng kéo theo rủi ro phát sinh cũng không nhỏ. Vậy thì khi nào nên đầu tư, khi nào nên tiết kiệm là bài toán khó trong vấn đề xử lý tài chính của mỗi người.
1. Tiết kiệm
Ưu điểm:
Tiết kiệm mang lại rất nhiều ưu điểm mà không ai có thể phủ nhận. Đầu tiên, số tiền của bạn luôn an toàn ở đó, không đi đâu, không mất mát. Thậm chí, tiết kiệm giúp bạn đạt được những mục tiêu tài chính vừa tầm một cách đúng hạn miễn bạn thực hiện đúng.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, tiết kiệm gần như không có nhược điểm dù cho lạm phát có thể khiến nó bị giảm giá trị thực tế. Vì đơn giản, lãi suất tiết kiệm có thể bù đắp phần ảnh hưởng tiêu cực của lạm phát.
Nhược điểm:
Với những ai thích kinh doanh và làm giàu, tiết kiệm không phải con đường họ muốn đi. Vì đồng tiền đứng một chỗ chính là đồng tiền chết. Bạn có thể sinh lời nhiều hơn nếu bỏ qua cách tiết kiệm số tiền đó.
2. Đầu tư
Ưu điểm
Cũng giống như tiết kiệm, đầu tư cũng có những ưu điểm của nó. Thứ nhất, số tiền bạn sử dụng sẽ gia tăng lợi nhuận lên gấp đôi, gấp ba, hoặc gấp n lần số vốn bỏ ra ban đầu. Đây cũng là cách tiết kiệm kiểu mới với mức lãi suất cao hơn.
Nhược điểm
Sinh lời nhanh đương nhiên sẽ theo cùng yếu tố rủi ro nhiều. Bạn sẽ luôn "ngồi trên đống lửa, nằm trên đống than" vì nghĩ tới những nguy cơ và rủi ro với số tiền đầu tư của mình. Nếu chẳng may có sai sót trong quá trình phân tích thị trường hay ra quyết định thì số tiền có thể hóa mây trôi.
3. Nên tiết kiệm hay nên đầu tư?
Biết khi nào nên tiết kiệm hoặc đầu tư sẽ giúp tài chính cá nhân của bạn ổn định. Việc ra quyết định này có thể phụ thuộc vào tình huống cụ thể mỗi người. Nếu không chắc chắn mình phải làm gì thì có thể tham khảo ý kiến của cố vấn tài chính.
Trong trường hợp chị em tiết kiệm được 5 triệu mỗi tháng với mục tiêu ngắn hạn thì nên để tiền tiết kiệm. Việc tiết kiệm không mang tới rủi ro có thể đảm bảo số dư trong tài khoản và tránh được các rủi ro thua lỗ hoặc mất trắng.
Ngược lại, nếu bạn có mục tiêu dài hạn thì hãy đầu tư vì chúng có thể giúp bạn rút bớt quá trình và thời gian. Nếu trong quá trình đầu tư, lợi nhuận bị giảm vào một số thời điểm, hãy chờ đợi vì chúng có thể trở lại với giá trị cao hơn.
Dĩ nhiên, bạn vẫn có thể làm song song cả hai việc: vừa tiết kiệm vừa đầu tư. Bạn có thể tiết kiệm số tiền bạn thực sự cần để thực hiện mục tiêu ngắn hạn và đề phòng những trường hợp khẩn cấp trong khi đầu tư kiếm lời cho các mục tiêu dài hạn. Khi kiếm được tiền từ đầu tư, bạn nên tiếp tục gia tăng số tiền tiết kiệm của mình. Điều này giúp hạn chế nguy cơ giá trị đầu tư bị giảm đột ngột.
Theo Money Under 30