Ký ức đau lòng về những vụ đuối nước thương tâm và lời khẩn cầu từ Đội cứu hộ 116
'Mọi người đừng cho con nhỏ một mình đi tắm, các bạn trẻ hãy nghĩ mình vì mọi người, mọi người vì mình mà đừng nghĩ quẩn nữa', đó là lời khẩn của Đội trưởng đội cứu hộ 116 chuyên vớt xác trên sông ở Thái Bình.
Mới đây, các thành viên tình nguyện tham gia vào Đội cứu hộ 116 Thái Bỉnh (đội chuyên cứu và vớt xác các vụ đuối nước miễn phí) đã quy tụ lại để tổng kết, rút kinh nghiệm và cùng nhau nhìn nhận lại những vụ việc đau lòng sau 2 năm thành lập.
Đội cứu hộ 116 chuyên tìm kiếm những nạn nhân đuối nước
Cũng từng được cứu khỏi dòng nước dữ
Sau giây phút trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân xấu số đã được tập thể đội cứu vớt, đội trưởng Nhâm Quang Văn đã không thể cầm nước mắt khi thông báo và lược lại một số vụ việc đuối nước thương tâm.
Theo thống kê sơ bộ, bình quân mỗi tháng có từ 4-6 vụ đuối nước, nạn nhân được đội trục vớt miễn phí trên các con sông thuộc nhiều địa bàn Thái Bình và các khu vực cả nước.
Ông Nhâm Quang Văn chia sẻ, lý do thành lập đội cứu hộ 116 và quy tụ các thành lập viên, xuất phát từ một biến cố xảy ra năm 2015, anh Văn cùng một số anh em đang trên đường ra biển bằng xà lan để thi công một đường ống dẫn khí thuộc địa bàn khu vực Cồn Vành huyện Tiền Hải (Thái Bình) thì xà lan gặp sự cố và bị sóng đánh chìm.
May mắn là lúc xà lan bị chìm vào đúng một khu vực cồn cát, nên phần cần cẩu trên xà lan vẫn nhô lên mặt nước được khoảng 20cm, có chỗ để cho anh em bám vào chờ được cứu nạn.
Dù vậy, đúng lúc này trời trở gió, sóng quá to nên tàu nhỏ gần đó không tiếp cận được, tâm lý người dân ngại không dám cứu vì có thể họ cho rằng nếu cứu người trên biển sẽ gặp các tai họa khác.
Cuối cùng rất may mắn cho anh và toàn bộ thủy thủ đã được một tàu cá của ngư dân cứu nạn kịp thời, nên tất cả mọi người đã thoát nạn.
Năm 2020, trong trận lũ quét lịch sử tại miền Trung, nhận thấy đã đến lúc phải thực hiện động lực của mình, anh Văn quyết định thành lập Đội phản ứng nhanh cứu hộ cứu nạn 116, kêu gọi anh em đồng đội, mọi người ủng hộ vận chuyển cano cùng hàng chục tấn hàng vào miền Trung để cứu giúp bà con.
"Chúng tôi vận chuyển bằng 60 chuyến xe cứu hộ 0 đồng, của tất cả anh em cứu hộ các tỉnh, bản thân tôi năm đó cũng bỏ hết công việc của mình để dành 28 ngày trọn vẹn cho người miền Trung", anh Văn chia sẻ.
Không vui vẻ khi phải lược lại hàng trăm vụ đuối nước, nhưng đội trưởng cùng các thành viên vẫn phải nhắc đến những vụ đuối nước vô cùng thương tâm, mong đây là lời cảnh tỉnh đến các bậc phụ huynh có con nhỏ chưa biết bơi, những nam nữ thanh niên có ý định tự tử.
Điển hình vụ đuối nước xảy ra vào đợt dịch Covid-19 mới bắt đầu, bé trai ra sông tắm không may trượt chân chìm dưới chân cầu Bo (Thái Bình), cháu có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, bố mất do tai nạn trước đó 5 năm, mẹ đang phải đi cách ly. Sau 2 ngày đêm tìm kiếm không ngừng nghỉ, đội cứu hộ 116 đã tìm được và bàn giao cháu về cho gia đình.
Trong số những vụ đuối nước thương tâm đặc biệt còn có vụ "xóa sổ" cả một gia đình, khiến bất cứ ai chứng kiến cũng đều khó cầm lòng. Vụ việc đau lòng tột cùng gần đây nhất vào ngày 12/8/2022, con sông Đào (Nam Định) đã lấy đi một lúc 4 mạng sống của cùng một gia đình ở xã Nam Phong, người mẹ 36 tuổi cùng con gái 8 tuổi và 2 cháu họ.
Hôm đó chính là ngày giỗ con trai của nạn nhân, sau bữa trưa chị cùng 3 cháu nhỏ ra bờ sông, các cháu xuống tắm không may nước cuốn trôi, người mẹ trẻ xuống cứu nhưng không biết bơi nên cũng bị chìm sâu. Sau nhiều ngày đêm tìm kiếm trong mưa giông sấm chớp, lần lượt các nạn nhân được đưa lên bờ, các thành viên không cầm nổi nước mắt vì hoàn cảnh gia đình éo le.
Ngoài ra còn có rất nhiều vụ đuối nước đến từ các tình huống khác do thiên tai cũng khiến đội trưởng Nhâm Quang Văn đau đáu nghĩ mình phải có trách nhiệm cứu người.
Anh Văn nhớ lại, vào tháng 12 năm 2021, trong cái lạnh tê người, anh nhận được cuộc gọi từ một số máy lạ, giọng khẩn thiết muốn anh giúp đỡ cứu người thân là bố của mình bị chìm thuyền trên sông Hồng thuộc địa bàn xã Tự Tân, huyện Vũ Thư (Thái Bình)
Ngay sau đó anh Văn đã chỉ đạo anh em trong đội cứu hộ lên đường ra địa điểm mà người thân cho là có người gặp nạn.
Toàn bộ đội cứu hộ của anh đã tìm ròng rã 5 ngày đêm mới trục vớt được thi thể của nạn nhân là ông Đ.V.T (61 tuổi, trú tại xã Tự Tân, H.Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) trên sông Hồng. Thi thể ông lão xấu số đã trôi xa cách nơi ông gặp nạn 20km.
Sau này tìm hiểu mới biết, đêm ấy, ông lão bị sóng lớn đánh lật thuyền. Thời tiết khắc nghiệt cùng với tuổi cao đã khiến ông lão chìm dần vào làn nước lạnh buốt giữa đêm khuya.
Tuy đã xác định, công việc cứu nạn rất cơ cực, sớm tối hay bất cứ lúc nào có cuộc điện thoại yêu cầu hỗ trợ là anh Văn cùng đồng đội lại lên đường, nhưng với tâm thế duy nhất là mong muốn mau chóng tìm được nạn nhân nên không một ai than phiền.
Theo anh Văn và các thành viên, công việc rất vất vả và chi phí rất lớn, nhưng kể từ ngày làm đội chưa hề lấy tiền cứu hộ của ai đồng nào, kể cả tiền xăng dầu cũng do mọi người trong đội tự bỏ ra.
"Toàn bộ anh em trong đội cùng chung sức, đồng lòng với tôi để giúp đỡ những gia đình và nạn nhân xấu số. Thậm chí gia đình họ éo le, chúng tôi cũng giúp và huy động các mạnh thường quân chung tay".
Thế nhưng, nhiều lúc vẫn có những lời phán xét đầy thị phi rằng; đội điên, đội làm màu, làm gì có cái gì miễn phí… Mỗi khi nghe những lời nhận xét như vậy, anh Văn và các đồng đội đều "bỏ ngoài tai". "Ai nói sao thì nói, việc tôi làm, anh em tôi làm, anh em tôi thấy vui là được" – anh Văn tâm sự.
Anh Phạm Văn Chiến – có mẹ vợ là nạn nhân ở Vũ Thư, Thái Bình trong vụ đuối nước đã không kìm được xúc động: "Trong lúc hoạn nạn nhất, không có gì ngoài mong muốn được tìm thấy xác mẹ. Hai bên bờ sông kín người theo dõi và nhiều người thân đi tìm kiếm nạn nhân trong vô vọng, dưới nước cũng mênh mông. Gia đình cầu cứu được đội cứu hộ 116 vào cuộc giúp đỡ, lúc cano vừa thả xuống đã nghe thấy những lời bàn tán mỉa mai, thế nhưng các thành viên vẫn vui vẻ làm việc mà không có động thái phản ứng gì.
Họ bảo, nhà này giàu nên cứ gọi đội hoành tráng, gọi làm gì? Đội như này sẽ lấy rất nhiều tiền. Thậm chí, trên sông đội dùng đến những thiết bị để tìm kiếm cũng bị mọi người chê bai đủ kiểu. Tôi nghĩ rất đau lòng nhưng vì gia đình đang bối rối nên chẳng giải thích làm gì cả", anh Chiến kể, khi có người phát hiện ở bên sườn cano có dòng chữ 'cứu nạn miễn phí' nhưng vẫn chưa tin. Một lúc sau, nạn nhân được tìm thấy cách vị trí ban đầu khoảng 2km, nạn nhân được đội cứu hộ đưa lên bờ và được thành viên trong đội 'chăm sóc' các thủ tục cuối cùng.
"Xong xuôi công việc, tôi đến tận nhà anh Văn để cảm ơn gia đình và các thành viên, nhưng các anh không lấy bất cứ một chi phí gì cả", anh Chiến xúc động.
Đó chỉ là một số vụ việc được nhắc lại, có những vụ may mắn vì còn tìm được, đáng thương hơn là những vụ đuối nước hoặc tự vẫn không thể tìm được nạn nhân.
Một số khuyến cáo đề phòng đuối nước
1. Cần đảm bảo sức khỏe con em mình có đảm bảo để có thể tham gia hoạt động bơi lội hay không? Nhiều bậc phụ huynh không biết rằng, không phải trẻ em nào cũng có thể học bơi.
Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi đi bơi phụ huynh cần lưu ý nên cho trẻ đi khám bác sĩ để quyết định trẻ có thể tham gia bơi lội không.
2. Bên cạnh đó, để phòng đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là dạy trẻ biết bơi.
3. Cần cảnh báo trẻ về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu.
4. Đối với các bể bơi, cần lưu ý các em chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ và đặc biệt phải tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Khi trẻ đi bơi cần phải luôn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Cần đảm bảo trẻ luôn mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền.
5. Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, vì dù biết bơi cũng rất khó để bơi do sóng biển đánh liên tục. Nhiều người thường nằm trên phao khi tắm biển.
6. Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
7. Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao.
8. Tạo hành lang pháp lý phù hợp: Cần chỉ rõ đầu mối chịu tránh nhiệm mỗi khi có tai nạn xảy ra... từ đó có các chế tài hợp lý.
9. Khi phát hiện thấy người bị ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Đồng thời, cần nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây nịt… Hãy cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào.
10. Sau khi đưa người bị đuối nước vào bờ, lập tức kiểm tra đường thở, nếu trong miệng, mũi, có dị vật cần móc ra ngay, rồi nghiêng người nạn nhân để cho lưu dịch thoát khỏi đường thở.
Nếu nạn nhân ngừng thở, ngừng tim, cần hồi sức tim, phổi bằng cách: đặt nạn nhân nằm ngửa, hồi sức hô hấp bằng cách lấy tay bịt mũi nạn nhân, hít một hơi thật sâu rồi ngậm kín miệng nạn nhân thổi một hơi dài rồi buông ra.
Tiếp tục làm thêm hai lần như vậy. Sau đó tiến hành ép tim lồng ngực bằng cách đan hai tay vào nhau, đặt lên vị trí 1/3 xương ức về phía ngực trái và ép liên tục khoảng 30 lần. Luân phiên hai lần hồi sức hô hấp - 30 lần ép tim như vậy cho đến khi có nhân viên y tế hoặc người đưa đi cấp cứu ở các cơ sở y tế.