Kỳ lạ Tết "năm ngọn núi" của người Campuchia
Tết ở Campuchia gọi là Chol Chnăm Thmây, được người Khmer tổ chức vào trung tuần tháng Chett (tháng 5 theo lịch Khmer), tức vào khoảng ngày 12 - 15 tháng 4 Dương lịch.
Nghi thức quan trọng nhất của Tết Chol Chnăm Thmây là mỗi nhà đắp 5 núi cát: Núi Mêru ở giữa, tượng trưng cho trung tâm vũ trụ và 4 núi xung quanh ở các hướng Đông-Tây-Nam-Bắc. Nhiều vùng, người dân thay thế bằng gạo hoặc bánh, trái cây xếp chồng lên nhau. Đêm giao thừa, nhà nào cũng làm cỗ, thắp hương, đốt đèn, cúng tiễn đưa vị Têvôđa cũ, đón rước Têvôđa mới - người Khmer tin rằng mỗi năm có một vị thần trên trời (Têvôđa) được sai xuống để chăm lo cho cuộc sống và con người trong năm đó, hết năm lại về trời để vị thần khác xuống hạ giới. Trên bàn thờ bày 5 nhánh hoa, 5 cây đèn cầy, 5 cây nhang, 5 hạt cốm và nhiều loại trái cây. Cả gia đình ngồi xếp chân trước bàn thờ tổ tiên, khấn vái, mong và tin rằng sẽ được ban phước lành.
Ngày Tết, gia đình nào cũng đoàn tụ và ăn mặc đẹp, trẻ em được may sắm những bộ quần áo mới. Nhà nhà đều sửa sang, quét dọn, trang trí lại, chuẩn bị đồ ăn thức uống đầy đủ cho những ngày Tết. Người ta giã gạo, làm bánh, cùng trái cây, cá, thịt, rau tươi... tất cả đều sẵn sàng.
Công việc thường ngày đều dừng lại, mọi người nghỉ ngơi, trâu bò thả rong. Người người hào hứng chăm lo cho ngày tết. Sửa sang nhà cửa, chuồng trâu chuồng bò chất đầy rơm rạ.
Cũng giống như Việt Nam, Tết cổ truyền ở các nước châu Á luôn là dịp để các thành viên xa gia đình trở về đoàn tụ, sum họp trong sự hoà thuận, yêu thương. Đây cũng là dịp để mọi người ăn ngon mặc đẹp, vui chơi lễ hội đón xuân và chúc phúc cho nhau. Tuỳ theo mỗi quốc gia, dân tộc mà có những đặc trưng riêng trong văn hoá Tết, song có điểm tương đồng cũng là nét đẹp chung bao trùm tất cả vẫn là tính chân, thiện, mỹ - một nét đẹp đậm tính nhân văn Á Đông.