Kinh doanh 18 năm mới thấy giá gạo tăng từng ngày như bây giờ
Việc giá gạo trong nước tăng giá từng ngày theo gạo xuất khẩu đang khiến đại lý, quán ăn bình dân… như "ngồi trên đống lửa”.
Theo khảo sát của Tiền Phong, nửa tháng nay, giá gạo tăng theo từng ngày khiến giới buôn gạo cũng chóng mặt. Chị Bùi Thị Hằng (quận Thanh Xuân - Hà Nội ) cho biết, đã 18 năm trong nghề buôn gạo, nhưng chưa năm nào thấy giá gạo tăng mạnh như năm nay.
“Mỗi hôm gạo tăng thêm 200-300 đồng/kg khiến chúng tôi rất đau đầu, phải nghĩ cách để điều chỉnh khéo giữ chân khách. Ví dụ, gạo Bắc Thơm, tháng trước khoảng 15.000/kg giờ lên 17.000/kg. Gạo dẻo 64 tăng từ 14.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg. Tính ra giờ đại lý bán gạo gần như không có lãi”, chị Hằng chia sẻ.
Là chủ một đại lý gạo ở Đống Đa, chị Nguyễn Thị Chuyên cho biết, từ thời điểm giá gạo tăng, hạn chế không dám nhập nhiều bởi bán gạo lúc này rất dễ mất uy tín. Chỉ trong vòng một tuần trở lại đây, giá gạo tám thơm Hải Hậu, gạo nếp nương, gạo Khang dân, gạo tám Điện Biên…đều tăng ít nhất từ 1.000-2.000 đồng/kg so với tuần trước.
“Tôi nghĩ nguyên nhân không phải do hàng khan hiếm mà các đầu mối đẩy lên qua nhiều khâu. Giờ nhập vào giá gạo đang ở khoảng 16.000-17.000 đồng/kg, nhưng phải đến tháng sau mới có hàng. Lúc đó, giá gạo giảm, đại lý lỗ nặng”, chị Chuyên nói.
Đại diện chuỗi siêu thị PT Mart cũng xác nhận giá gạo đang tăng mỗi ngày. Gạo ST25 đang được bán với giá 29.900 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với cuối tháng trước (và cao hơn so với 25.000 đồng/kg tại các đại lý gạo ở chợ dân sinh). Theo giải thích của đại diện siêu thị, bình thường giá gạo ở đây đã cao hơn so với các đại lý bên ngoài. Trong tình hình giá gạo đang tăng mạnh như hiện nay, việc siêu thị điều chỉnh giá là không tránh khỏi.
Việc giá gạo tăng liên tục không chỉ khiến những đại lý buôn gạo đau đầu mà quán ăn cũng bị ảnh hưởng.
Chị Nguyễn Thị Nhung, chủ quán cơm Gia Đình (Khâm Thiên, Hà Nội) cho biết, một ngày tiêu thụ ít nhất 60 kg gạo. Trước đây chị nhập gạo với giá 15.000 đồng/kg, nhưng bây giờ lên 17.000 đồng/kg. Tính ra một tháng chi phí tăng thêm khoảng 4 triệu đồng, gần bằng lương của một nhân viên tại quán.
Trong khi đó, khách của quán đa phần là sinh viên và người lao động. “Giá bán cơm chỉ dao động 30.000 - 35.000 đồng/suất. Mấy tháng nay, khách đến quán đã giảm mạnh. Giờ cửa hàng tăng giá nữa chắc không còn ai nên gia đình đành nhắm mắt giữ nguyên”, chị Nhung nói.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương vừa gửi văn bản đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn có phương án về nguồn hàng thóc gạo, đảm bảo cung ứng từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán 2024.
Bộ Công Thương cũng lưu ý các doanh nghiệp tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá thóc, gạo trong nước tăng bất hợp lý.