Giá gạo tăng, tiểu thương tại TP.HCM thận trọng nhập hàng
Giá gạo tăng khiến nhiều tiểu thương ở TP.HCM thận trọng, chỉ nhập hàng đủ bán trong vài ngày, không trữ số lượng lớn.
Những ngày qua, giá gạo tại các chợ ở TP.HCM tăng khiến người bán lo lỗ khi nhập thêm nếu giá quay đầu giảm.
“ Giá gạo giờ mỗi ngày mỗi giá, hôm qua chỉ 16.000 - 17.000 đồng/kg nay đã lên 18.000 - 19.000 đồng/kg”, chị Nguyễn Thị Thu Thuỷ, tiểu thương kinh doanh gạo ở quận 5, TP.HCM nói với PV VTC News.
Cụ thể, vào đầu tháng 7, giá gạo Thơm Mỹ, Thơm Đài Loan dao động 15.000 - 16.000 đồng/kg thì vào ngày 8/8, gạo Thơm Mỹ 18.000 đồng/kg, Thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg.
Các loại gạo phổ biến thông thường như Thơm Thái, Thơm Mỹ, Lài Sữa, Đài Loan… đều đã tăng 2.000 - 5.000 đồng/kg. Gạo Thơm Thái tăng từ 13.500 đồng/kg lên hơn 17.500 - 18.000 đồng/kg, gạo Đài Loan tăng từ 17.000 lên hơn 20.000 đồng/kg… Các loại gạo đặc sản như ST24, ST25… cũng duy trì đà tăng 1.000 - 3.000 đồng/kg.
"Sáng tôi giao gạo cho khách giá 16.000 đồng, sau đó phải nhập vào giá 17.000 đồng/kg, mỗi ngày thay đổi một giá", chị Thuỷ nói.
Giá gạo biến động nhanh khiến những người buôn bán như chị Thu Thuỷ khó buôn bán hơn so với bình thường. Với những mối sỉ, chị không thể tăng giá bán đột ngột vì sợ mất mối lâu dài. Trong khi nguồn hàng nhập vào gặp khó, đại lý đòi trả tiền liền, thậm chí bị đốc thúc khoản nợ cũ.
" Chịu thiệt chút để khách hàng không bị sốc, nhưng giá lên nhanh quá khiến trở tay không kịp. Hiện tôi chỉ nhập đủ bán trong vài ngày, không dám trữ số lượng lớn vì sợ giá giảm bán không kịp sẽ lỗ" , chị Thuỷ cho biết.
Đại diện vựa gạo Thanh Phong (đường Tô Hiến Thành, quận 10), cũng xác nhận giá các mặt hàng gạo đã tăng từ 1.500 - 2.000 đồng/kg so với trước thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo.
" Nhưng khác với đợt dịch COVID-19, thị trường chỉ có giá gạo tăng còn sức mua bình thường, người dân TP.HCM không mua nhiều hơn để tích trữ" , đại diện vựa gạo Thanh Phong nhận xét.
Tương tự, chủ cửa hàng gạo Hoàng Thiện ở đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, cho biết, các loại gạo ở đại lý gạo tăng giá theo nguồn cung nên các cửa hàng bán lẻ cũng phải tăng. Hiện tại, cửa hàng không có loại gạo nào ở mức giá dưới 14.000 đồng/kg.
“ Khách mua số lượng nhiều thì cửa hàng mới giảm giá được, chứ mua ít vẫn phải bán theo mức giá bình thường. Giá gạo biến đổi theo ngày nên chúng tôi cũng không nhận đặt hàng trước”, đại diện cửa hàng gạo Hoàng Thiện cho hay.
Trong khi đó, tại các siêu thị như Saigon Co.op, Big C, Go!, MM Mega Market, Lotte Mart… giá gạo vẫn ở mức ổn định. Phía Saigon Co.op cho hay, nguồn cung và giá cả các mặt hàng gạo tại hệ thống siêu thị vẫn bình ổn. Đơn vị có nguồn dự trữ tốt và đặc biệt đã ký kết dài hạn với các nhà cung cấp gạo.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart cho biết, nguồn cung và giá cả các mặt hàng gạo tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op vẫn ổn định. Trong thời gian tới, dù thị trường có biến động, Saigon Co.op và các nhà cung cấp vẫn phối hợp giữ và giảm giá để chia sẻ cùng người tiêu dùng.
Việc ổn định giá này hoàn toàn khả thi vì Saigon Co.op có kinh nghiệm nhiều năm bình ổn giá cả, có nguồn dự trữ tốt và đặc biệt đã ký kết dài hạn với các nhà cung cấp gạo.
Ông Ngô Hồng Y, Trưởng Phòng Quản lý thương mại của Sở Công Thương TP.HCM cho biết, từ nay đến cuối năm, thành phố luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải đảm bảo nguồn cung lưu thông hàng hóa, tiết giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống phân phối… các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, trong đó có mặt hàng gạo.
Vì vậy, TP.HCM tiếp tục tập trung thực hiện đôn đốc doanh nghiệp bình ổn thị trường xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ… đúng tiến độ, kế hoạch. Trong đó, lượng hàng bình ổn thị trường mặt hàng gạo cung ứng ra thị trường khoảng 3.311 tấn/tháng, riêng tháng Tết Giáp Thìn 2024 là 4.525 tấn/tháng; đồng thời tổ chức bán hàng lưu động để ứng phó mọi tình huống biến động sốt giá cục bộ.
Sở Công Thương đề nghị các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Công Thương; tuân thủ quy định về thu mua thóc, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, duy trì mức dự trữ, lưu thông theo quy định...
Đối với các doanh nghiệp bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn hàng, cung ứng đủ, vượt số lượng đã đăng ký trong mọi tình huống, bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính công bố.
Đối với các hệ thống phân phối hiện đại, Sở đề nghị dự báo nhu cầu thị trường, có kế hoạch thu mua dự trữ và kịp thời cung ứng gạo phục vụ thị trường trong mọi tình huống, chủ động đàm phán hợp đồng phân phối các mặt hàng gạo và có kế hoạch giao nhận hàng dài hạn, ổn định.
Sở Công Thương cũng đề nghị các quận, huyện, TP Thủ Đức báo cáo khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hoá trên thị trường; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định nhà về giá cả hàng hoá tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích trên địa bàn.