Kim Hoàng - tranh Tết vang bóng một thời và hành trình đưa dòng tranh “hóa thạch” hơn 7 thập kỷ của đất Hà Thành về thời… hoàng kim
Cùng với tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng vốn là dòng tranh Tết nổi tiếng của Kinh Kỳ. Một thời thịnh trị, có dấu ấn riêng, nhưng dòng tranh Tết này đã từng biến mất hơn 7 thập kỷ trước khi được làm “sống dậy".
Nhắc đến tranh Tết, người ta thường nghĩ ngay đến tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống. Ít ai biết, Kim Hoàng cũng là một dòng tranh nổi tiếng xứ Kinh Kỳ xưa mỗi dịp Tết đến xuân về. Song, khác với 2 dòng Đông Hồ và Hàng Trống, dù mai một ít nhiều thì vẫn có nghệ nhân theo nghề, biết nghề, tranh Kim Hoàng đã có đến hơn 7 thập kỷ biến mất hoàn toàn.
Giống tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng là dòng tranh dành cho giới bình dân, thể hiện những chủ đề quen thuộc với người dân nông thôn như tranh gà, tranh lợn, tranh ông Công ông Táo, tranh cuộc sống đồng quê… Trên góc tranh Kim Hoàng còn có thơ đề và bùa trấn tà ma, điều mà tranh Hàng Trống và tranh Đồng Hồ không có, nhờ vậy mà phục vụ đa dạng hơn nhu cầu của người dân, từ trang hoàng nhà cửa đầu năm mới, cầu phúc lộc may mắn đến trấn trạch, xua đuổi tà ma.
Tương truyền, dòng họ làm tranh Kim Hoàng đầu tiên là dòng họ Nguyễn Sĩ người Thanh Hóa ra Thăng Long rồi lập nghiệp ở làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Nếu đặc trưng của tranh Đông Hồ là giấy điệp, tranh Hàng Trống là giấy dó thì tranh Kim Hoàng sử dụng các sắc hồng điều, đỏ cam, đỏ son, vàng yến… hết sức rực rỡ để làm nền, tạo nên một vẻ tươi thắm rất riêng. Cũng vì màu giấy đỏ ấy mà tranh Kim Hoàng còn được dân gian gọi là tranh đỏ.
Tranh Kim Hoàng không dùng màu phẩm như đa số các dòng tranh dân gian cuối thế kỷ XIX - đầu XX. Chất liệu phổ biến là mực tàu và các loại màu sắc có nguồn gốc tự nhiên, được trộn với chất kết dính là keo da trâu (khác với tranh Đông Hồ là dùng hồ nếp). Màu trắng tạo ra từ thạch cao, màu xanh chàm từ mực tàu hòa với nước chàm, màu đỏ lấy từ đất son, màu đen từ tro rơm rạ, màu xanh từ gỉ đồng, màu vàng từ nước ép của hạt cây dành dành…
Ra đời muộn hơn và cũng lụi tàn nhanh chóng, nhưng tranh Kim Hoàng vẫn tạo ra một dấu ấn không thể trộn lẫn. Từ những nét tinh tế thanh nhã còn lưu lại nguyên vẹn trong tấm ván in duy nhất sót lại ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, từ cách dùng màu đậm đặc, mạnh mẽ với nét bút vừa phóng khoáng khỏe khoắn vừa đơn giản khúc chiết, đến cách thể hiện mang tính hình tượng hóa, cách điệu nhiều hơn hẳn so với dòng tranh dân gian khác mặc dù sử dụng cùng một chủ đề.
Ví như chú gà trống trong tranh Kim Hoàng (bức “Thần Kê”) không xanh đỏ dung dị mà khoác tấm áo rực rỡ với đuôi dài như đuôi chim phượng hoàng. Hay bức tranh lợn với chú lợn ỉ đen no đủ tròn đầy nhưng chiếc mũi được biến tấu như một đám mây trong tranh cổ.
Ngày Tết, tranh đỏ Kim Hoàng đi khắp chốn Mỗ La Canh Cót (khu vực trải rộng từ Cầu Giấy tới hai quận Nam - Bắc Từ Liêm ngày nay), được người Kẻ chợ lẫn dân xứ Đoài hết sức mê chuộng. Thời thịnh trị đó ước chừng kéo dài 100 năm.
Vào năm 1915, một trận lũ lớn làm vỡ đê Liên Mạc khiến các làng mạc từ Phùng tới Cầu Giấy ngập lụt nặng. Nhiều bản khắc gỗ của tranh bị lũ cuốn trôi. Nghề làm tranh Kim Hoàng vì thế mai một dần đi, và tới năm 1945 thì biến mất hoàn toàn. Tranh Kim Hoàng bị thất truyền liên tiếp 7 thập kỷ và gần như bị xóa sổ dưới lớp bụi thời gian. Không còn một nghệ nhân nào theo nghề, cũng không còn chứng tích nào về làng nghề còn sót lại.
Có lẽ tranh Kim Hoàng sẽ vĩnh viễn biến mất theo thời gian nếu không được Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng gốm sứ Hà Nội… tìm thấy.
Trong một dịp nghiên cứu về các dòng tranh dân gian Việt Nam, chị Thu Hòa vô tình được biết về tranh đỏ Kim Hoàng. Thay vì dừng ở các giai thoại truyền miệng cùng vài bức gà lợn được lưu ở Bảo tàng Mỹ thuật, chị thực hiện một chuyến điền dã về đất Kim Hoàng để tìm hiểu.
Vùng đất ven đô này vốn là dân Kẻ chợ, từng rất sầm uất nên không dễ dàng cởi mở với người lạ. Chị Hòa phải nhờ rất nhiều mối quan hệ mới được vào tham quan đình Kim Hoàng, được gặp các bậc lão niên để lục tìm ký ức chắp vá mờ nhạt về những bức tranh đỏ treo trong nhà ngày Tết. Sau nhiều lần đi đi về về, thân thiết hơn, chị mới gặp được cụ Liên hơn 80 tuổi là rể làng Kim Hoàng - người nắm giữ và am hiểu khá cặn kẽ lịch sử của ngôi làng cổ. Hơn thế, vợ cụ Liên chính là người bán tranh Kim Hoàng cuối cùng ở Kinh đô. Dù vậy thông tin cũng chẳng còn nhiều.
Lại một dịp vô tình và may mắn, chị Thu Hòa mua được hai mộc bản là bùa chú đạo giáo từ một gia đình trong làng. Tấm mộc bản này không phải tranh Kim Hoàng, nhưng dựa trên nét vẽ mảnh đặc trưng có thể phỏng đoán nó ra đời vào thời điểm tranh Kim Hoàng đang thịnh trị.
Kế đó, vào năm 2016, chị đặt mua được bộ sách “Tranh dân gian Việt Nam” của nhà nghiên cứu người Pháp Maurice Durand. Bản sách này đã từng có mặt ở Việt Nam dưới dạng photo đen trắng từ những năm 60, do vậy các nghệ nhân không phân biệt được đặc trưng của mỗi dòng tranh. Với bản màu mà chị Thu Hòa mang về, tranh Kim Hoàng dần hiện hình tỏ rạng, phô bày một ký ức hoàng kim lộng lẫy.
Nhưng ngay cả khi đã có tài liệu trong tay, tất cả vẫn còn là quá ít ỏi để phục hồi một dòng tranh, làm sống dậy một làng nghề độc đáo và trên tất cả là gìn giữ vốn liếng văn hóa dân tộc. Cuộc tìm kiếm khởi phát ở làng Kim Hoàng với bao nỗ lực không đem lại kết quả như ý, đôi khi không có sự đồng điệu dù tốn nhiều tiền của. Chưa kể mọi khâu tìm giấy, xác định bề mặt của tranh đã hoàn toàn mất tích suốt 7 thập kỷ ngay cả khi có sự hỗ trợ của chuyên gia vẫn là một thử thách cam go.
Tài liệu có nói tranh Kim Hoàng được thực hiện trên giấy tầu vang nhưng các nghệ nhân tranh dân gian không ai biết giấy tầu vang là giấy gì. Rồi màu tranh in trong sách chưa chắc đã là màu nguyên bản bởi sự phai màu tự nhiên của thời gian, cũng như kỹ thuật sao chụp, in ấn tạo ra sự sai khác với thực tế. Dựa trên thực chứng, phân tích logic, thử đi thử lại, chốt được sắc độ, chốt được giấy với các cụ trong làng, đến công đoạn nhuộm giấy thì 1.000 tờ hỏng cả 1.000.
“Chị lại phải lóc cóc sang bên ông Chế (nghệ nhân tranh Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế - PV), than với ông thế giờ cháu phải làm thế nào. Cụ mới mách sang Hàng Cân mua giấy rồi chỉ cách vừa nhuộm vừa bồi lên đó. Về làm cái ăn luôn”.
Chị Thu Hòa bảo, bình thường các nghệ nhân rất giữ nghề, ít khi mách nước chỉ bảo cho ai. Nhưng có lẽ thấy chị tâm huyết quá, họ đều tận tình chỉ dạy. Nghệ nhân cuối cùng của tranh Hàng Trống - ông Lê Đình Nghiên - còn chỉ cho chị cách làm than tre để lấy màu đen. Từ mách nước của ông, chị mày mò chế màu đen khác từ than bột, khi tô lên bức tranh lợn thì cho màu sắc mịn màng nổi bật trên nền giấy đỏ cam rực rỡ.
Quá trình nghiên cứu cách dùng màu khoáng chất tự nhiên như cách cha ông đã làm cũng là chuỗi thất bại nối tiếp thất bại trước khi có được một kết quả tạm gọi là khả quan nhất. Nào kỳ cạch giã gạch non, nào vò lọc các loại lá cây, nào nghiền hạt dành dành.
Nhưng đỏ son của gạch quét ra giấy bị đục màu, xỉn màu bởi gạch nung không đồng nhất, màu lá cây chỉ dùng được trong vài ngày Tết là phai, màu hạt dành dành quét lên óng ả nhưng cũng chẳng trụ được lâu. Chị đành tạm gác lại, chuyển qua dùng phẩm. Rồi từ phẩm chuyển qua màu nước, bởi dùng được phẩm cũng cần đến kỹ nghệ thượng thừa, mà nghệ nhân tranh Kim Hoàng đều là nghệ nhân tập sự.
Lên màu đã khó, tạo mẫu cũng tốn thời gian. Mộc bản ít ỏi, mẫu tranh đơn điệu, muốn tìm tòi sáng tạo cũng không dễ dàng được chấp thuận. Mà con đường chị chọn từ lúc bắt đầu đi không phải là phục chế nguyên trạng mà là làm sống dậy một dòng tranh. Tức là phải tìm được linh hồn cho thứ tranh chỉ còn là xác ướp.
Nhớ hồi làm tranh nghê cho năm Mậu Tuất, vì chó vốn dĩ không có mặt trong tranh dân gian Việt Nam nên chị Hoà nghĩ ra con nghê, linh vật mang tính Việt hơn cả và có điểm gần gũi có thể thay thế được. Nhưng nhờ họa sĩ vẽ 10 con nghê mà không con nào ra cái chất dân gian. Cho đến lần chị vô tình bắt gặp đôi nghê trấn hai bên cửa đền thờ vua Đinh vua Lê.
“Nhìn thấy đôi nghê, tôi nhận ra thôi đúng của mình rồi. Treo nghê để trấn trạch, âm dương giao hòa, có xuất xứ từ nơi thiêng liêng, không thể hợp hơn cho năm mới. Nhưng như thế mới được nét. Lúc phối màu thì ôi thôi bao nhiêu họa sĩ làm hỏng hết cả. Nghê là đồ thờ tự, không được xanh đỏ tím vàng, phải làm sao cho ra chất sơn thếp. Tới khi nghệ nhân của tôi bắt tay vào, chọn màu đỏ điều trên nền đỏ cam thì “ăn” ngay.
Tạo hình rất đẹp song không qua được ải các cụ. Các cụ phản đối, bảo đây không phải tranh Kim Hoàng. Tôi kiên quyết bảo vệ quan điểm, muốn tái sinh một dòng tranh thì không chỉ chăm chăm vào phục chế, mà còn phải sáng tạo nữa”, chị Thu Hòa hồi tưởng lại những chuỗi ngày chật vật để đưa được tranh Kim Hoàng từ hóa thạch ra thành phẩm thương mại, trình diện trước công chúng một diện mạo có sức sống, có hơi thở.
Sau bao vấp váp, thất bại, phải đổ đi bao nhiêu tiền của, tranh Kim Hoàng đã bắt đầu in dấu lên ký ức người Hà Nội hôm nay. Khách hàng không chỉ là những nhà sưu tầm, nhà nghiên cứu, người sành chơi, mà còn cả thường dân dạo phố ông đồ mỗi hội xuân ở Văn Miếu.
Cứ dịp Tết đến xuân về, chị Thu Hòa lại nhận được những cuộc gọi, dòng tin nhắn hỏi năm nay có tranh gì. Riêng tranh nghê làm cho năm Tuất nhưng năm gà năm chuột ai cũng hỏi mua để mang về trấn trạch, tạo góc riêng độc đáo nghênh xuân. Tranh lợn Kim Hoàng cũng bắt đầu xuất hiện các phiên bản ứng dụng đương đại trên thị trường.
Nhưng với nhiều trở ngại trong quá trình khôi phục làng nghề, tranh Kim Hoàng hiện tại chỉ sản xuất được một số lượng nhất định, không phục vụ đủ nhu cầu. Dù vậy, hiện tại nhà nghiên cứu Thu Hòa vẫn kiên trì vừa đầu tư hàng trăm triệu mỗi năm để nuôi nghệ nhân, khôi phục làng nghề, vừa nghiên cứu hoàn thiện một công thức màu chuẩn.
Chị cũng số hóa tất cả để lưu giữ lại cho tương lai, vừa thử nghiệm ứng dụng họa tiết tranh Kim Hoàng lên các chất liệu khác nhau từ chặn giấy, lịch để bàn, bao lì xì, hay đưa tranh Kim Hoàng lên đồ chạm bạc, gốm sứ Bát Tràng, vải vóc thời trang…
“Tranh dân gian không chỉ tồn tại trong không gian nhà tranh vách đất mà hoàn toàn có thể trở thành thứ model thời thượng. Tôi muốn là người châm lửa, để người đương thời phải nhìn thấy tranh dân gian ở mọi nơi, mọi dịp lễ Tết, trở thành tâm thức của họ, khiến họ nhận ra nó đẹp đẽ như thế nào và nhìn thấy cả một nền văn hóa dân tộc ẩn giấu phía sau”.
Cuộc trò chuyện với người đang nỗ lực hồi sinh dòng tranh đỏ Kim Hoàng diễn ra vào buổi tối một ngày áp Tết, vội vã và ngắn ngủi. Bởi sáng sớm hôm sau chị còn lên đường bắt đầu một chuyến điền dã mới tìm tư liệu cho những suy luận về nguồn gốc, phát tích và tiếp biến của các dòng tranh dân gian Việt Nam. Lao tâm khổ tứ vì một lời hứa mang Kim Hoàng trở lại thời “hoàng kim".