Kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ kinh doanh thực phẩm rừng
Các loại thực phẩm rừng như rau ngót, hoa chuối rừng đến ngồng cải, mật ong... đều được các bà nội trợ háo hức tìm mua. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều tiểu thương đã kiếm bộn tiền.
Bà nội trợ mua thực phẩm rừng không tiếc tiền
Chuộng thực phẩm sạch, chị Tú Nga (Định Công, Hà Nội) thường xuyên tìm tới những trang mạng xã hội bán thực phẩm rừng ngon sạch, đảm bảo vệ sinh. Chị cho biết: “Ăn rau, thịt thà, hoa quả rừng còn thấy vị ngọt, chất lừ chứ không như thực phẩm mua trong siêu thị, ngoài chợ, ăn nhạt nhẽo, vô vị lắm”.
Chị nói thêm: “Rau rừng mọc tự nhiên, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hay thuốc kích thích tăng trưởng nên rất sạch. Vì thế, tôi an tâm khi dùng những thực phẩm này”.
Với lý do này, chị thường xuyên đặt hàng từ người bán thực phẩm rừng trên mạng. Chị Nga chia sẻ, chị thường đặt mua hoa rau ngót rừng vì loại thực phẩm này rất bổ dưỡng. Dù rau đắt hơn cả thịt lợn nhưng chị thường phải đặt mua trước cả hai tuần mới có. "Già trẻ lớn bé trong gia đình chị đều đặc biệt mê tít món canh ngót rừng. Do đó, cứ 2 tuần chị lại nhờ bạn bè ở Cao Bằng mua giúp. Mỗi lần mua chị mua cả 1 triệu đồng để cất đi ăn dần".
Hoa chuối rừng được coi là rau sạch lại có nhiều chất bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe phụ nữ nên bác Ngọc Quỳnh (Long Biên, Hà Nội) thường đặt mua hoa chuối về làm súp canh cho cả nhà ăn. Theo bác Quỳnh, hoa chuối rừng rất quý, ăn vào ngon ngọt mà nếu mua ngoài chợ hay thậm chí trong siêu thị, chất lượng hoa chuối không thể bằng. Hoa chuối rừng đúng thì ăn bổ và mùi vị rất đặc trưng, chế biến súp hoặc nấu với tôm rất ngon.
Muốn mua được rau ngót rừng, các bà nội trợ phải đặt từ trước nhiều ngày.
Là một bà nội trợ đảm đang, chị Huyền (Nguyễn Văn Tố, Hà Nội) thường xuyên tìm hiểu những món ăn bổ dưỡng tốt cho gia đình. Gần đây, ai ai cũng nhắc tới thực phẩm rừng, chị cũng không ngoại lệ. Không chỉ là thực phẩm sạch, chị tìm đến với lý do thực phẩm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho gia đình. Chị nói: “Tôi thường mua rau càng cua hay còn gọi là cây càng cua chín mé. Loại rau này nấu lên hoặc trộn thịt bò và giấm ăn ngon vô cùng và có tác dụng chữa bệnh”.
Rau càng cua có tác dụng chữa đái tháo đường, chữa thiếu máu, khó tiểu, chữa đau lưng, bổ âm huyết, thanh nhiệt, giải độc, thông ứ, chỉ thống, lợi tiểu. Là món ăn bài thuốc rất thích hợp chữa trị chứng phế nhiệt miệng khô khát, chứng huyết nhiệt sinh mụn nhọt lở ngứa, chứng vị nhiệt sinh táo bón, tiểu buốt, và chữa chứng đau mỏi cơ khớp do phong nhiệt… Tốt đặc biệt cho trẻ em trong việc chữa viêm họng.
Loại rau này có giá từ 120.000 đồng/kg. Chị Huyền cho biết thêm, để mua được rau rừng loại “xịn” không hề dễ dàng, phải phải đặt trước cả tuần mới mua được 2-3 kg.
Kiếm bộn tiền nhờ bán thực phẩm rừng
Nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng, nhiều tiểu thương lấy thực phẩm rừng về bán và không ít người kiếm bộn tiền từ dịch vụ này. Cách đây 1 tháng, anh Trương Dũng (Nguyễn Cao, Hà Nội) bán thực phẩm rừng trên mạng xã hội, ban đầu anh chỉ bán rau ngót và mật ong rừng nhưng chỉ sau đó một thời gian ngắn, khi lượng khách đến chỗ anh đặt hàng ngày càng nhiều, số lượng ngày một lớn, nhu cầu về thực phẩm rừng đa dạng hơn, anh mở thêm 2 cửa hàng trên phố.
Anh chia sẻ: "Tôi cũng bất ngờ khi nhu cầu người mua thực phẩm rừng nhiều đến vậy. Mỗi lần, tôi lấy hàng trăm cân rau vậy mà cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người mua".
Hiện tại, đa số những loại nông sản rừng này được bán chủ yếu qua những gian hàng online đặt theo yêu cầu người mua hàng.
Trên một shop online chuyên bán thực phẩm rừng tại Hàng Bông, các loại rau rừng với tên khá lạ đều có giá cao so với rau quả bán tại các chợ. Như rau bò khai 110.000 đồng/kg, rau sắng (ngót rừng) 150.000 đồng/kg, rau ngó xuân hay còn là cải thơm 90.000 đồng/kg, rau ngót rừng có giá 150.000 đồng/kg, hoa rau ngót là 200.000 đồng/kg, hoa chuối rừng 55.000 đồng/kg, cải mèo 150.000 đồng/kg, cải ngồng 200.000 đồng/kg, mật ong rừng nuôi loại 1 280.000 đồng/lít, mật ong rừng đặc biệt (ong khoái) 560.000 đồng/lít, sữa ong chúa tươi 220.000 đồng/100g, phấn hoa 260.000 đồng/kg...
Thực tế, nếu mua tại nơi trồng như Lạng Sơn, Sơn La, Thái Nguyên thì giá các loại rau rừng này cũng không khác gì các loại rau muống, rau ngót thông thường, giá cũng chỉ từ 5000 đồng/mớ.
Chị Nhung – tiểu thương bán thực phẩm rừng trên mạng xã hội cho biết, mỗi ngày chị bán được từ 50kg rau các loại và khoảng 40 lít mật ong. Các sản vật của rừng có giá cao như vậy là vì phải thu gom, chọn lọc kỹ lưỡng, lại phải phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Trong khi đó, nhu cầu của người thành phố với những loại đặc sản rừng này hiện khá lớn, nên để có đủ hàng bán, cửa hàng phải chấp nhận mức giá đầu vào cao hơn hẳn, trong đó phần nhiều là chi phí vận chuyển, đến tay người tiêu dùng giá đội lên nhiều lần là điều bình thường. Tuy nhiên, điều đó không khiến khách hàng ái ngại mà thậm chí cứ đơn hàng nào về là khách ồ ạt tới mua. Chị Nhung bật mí, với lượng khách dồi dào như hiện tại, mỗi ngày chị bán lãi được cả triệu đồng.
Chị Bình, chủ shop rau quả rừng ở hồ Đắc Di cho biết, chị nung nấu ý định buôn bán rau củ quê từ lâu nhưng không dám làm vì sợ hàng bán chậm thì hỏng nhanh, người mua sẽ không hưởng ứng. Thế nhưng khi chị thử bán thực phẩm rừng thì hàng hết veo không lâu sau khi rao trên mạng.
Theo chị, rau rừng đắt mấy nhưng chị em nội trợ thích vì lạ miệng, đảm bảo là hàng sạch. Có ngày đỉnh điểm, shop chị bán được cả hơn 100kg rau rừng, nhiều nhất là rau ngót, bò khai.
Không chỉ rau, chị còn bán cả thịt lợn rừng, chim rừng. Giá gốc mua ở vùng cao chỉ 50.000 - 70.000 đồng/kg thịt lợn rừng nhưng khi chuyển tới Hà Nội thì 1 kg sẽ được tăng lên gấp 3 vì cộng thêm cả chi phí vận chuyển, bảo quản. Dù giá không hề rẻ nhưng mặt hàng này vô cùng hút khách. Chưa tính tới khách vãng lai, khách quen cũng tiêu thụ mỗi ngày khoảng 40kg thịt rừn