Khổng Tử là vĩ nhân thiên hạ, nhưng ít ai biết tài đức của ông có được đều nhờ vào cách giáo dục đặc biệt của người mẹ

Mây,
Chia sẻ

Mặc dù chỉ là một người phụ nữ bình thường nhưng phương pháp mà bà dùng để giáo dục con trai mình thành đấng nam nhi tài đức hơn người lại vô cùng khác biệt.

Khổng Phu Tử hay còn được gọi là Khổng Tử được suy tôn như một trong những nhà khai sáng Nho giáo, đồng thời là giảng sư và triết gia lỗi lạc bậc nhất cõi Á Đông. Ông là người thông kim bác cổ nhưng chưa bao giờ tự nhận mình là người hiểu biết nhiều, ông biết rằng hiểu biết của một người chỉ là hạt cát so với kho tàng kiến thức của nhân loại. 

Khổng Tử là vĩ nhân thiên hạ, nhưng ít ai biết tài đức của ông có được đều nhờ vào phương pháp giáo dục đặc biệt của người mẹ bình dân - Ảnh 1.

Tranh vẽ Khổng Tử năm 1770 tại Trung Quốc.

Khổng Tử là người rất thông minh, luôn luôn ham học. Bất cứ việc gì, ông cũng để ý xem xét rất kỹ lưỡng để biết cho cùng tận mới thôi. Tính ông ôn hòa, nghiêm trang, khiêm tốn, làm việc gì cũng hết sức cẩn thận, đề cao lễ nhạc, luôn luôn tin vào Thiên mệnh. 

Cả một cuộc đời lỗi lạc của vị thánh hiền này đều bắt nguồn từ triết lý giáo dục đặc biệt của mẹ ông là Nhan Chinh Tại - một người phụ nữ bình dân thời trung cổ. Tương truyền, ông sinh ra khi cha đã cận kề tuổi 60 và mong mỏi có một đứa con trai nối dõi tông đường. Khổng Tử được ở bên cha đến năm 3 tuổi thì cha mất vì bệnh tật, người mẹ khi ấy chỉ là một cô gái trên dưới đôi mươi nhưng vẫn nhẫn nại chịu khổ quyết chí đưa ông đến nơi tốt đẹp hơn để nuôi dưỡng thành tài. Suốt hành trình giáo dục cho Khổng Tử, mẹ ông chỉ tuân theo 4 nguyên tắc đặc biệt dưới đây: 

1. Lựa chọn môi trường học tập tốt nhất cho con

Sau khi chồng mất, gia đình không còn chỗ nương tựa, ở nhà chồng lại gặp phải nhiều biến cố nên bà Nhan Chinh Tại đã quyết định cùng con trai quay lại nhà mẹ đẻ ở Khúc Phụ - kinh thành nước Lỗ. Bởi bà hiểu nơi đó là đất kinh thành, trung tâm văn hóa chính trị của cả một quốc gia sẽ là nơi thuận lợi nhất cho con trai mình học hỏi và được giáo dục thành tài.

Khi đến được Khúc Phụ, bà càng tin tưởng vào quyết định của mình. Nơi đây người xe tấp nập, trung tâm giao thương sầm uất, lại chứa đựng nhiều sách thánh hiền và thầy giáo giỏi. Nuôi dưỡng và giáo dục con ở nơi này mới có thể giúp con sớm ngày thành tài. 

Khổng Tử là vĩ nhân thiên hạ, nhưng ít ai biết tài đức của ông có được đều nhờ vào cách giáo dục đặc biệt của người mẹ  - Ảnh 2.

2. Tạo ra hứng thú học tập cho con trong suốt quá trình giáo dục

Vì cũng sinh ra từ một gia đình có giáo dục nên bà Nhan Chinh Tại rất am hiểu rằng muốn học tập tốt nhất định phải có có khát khao hứng thú học tập. Bởi vậy, trong suốt quá trình giáo dục con, bà luôn chăm chú khơi gợi động lực học tập cho con trai mình thông qua nhiều hoạt động khác nhau. Khi thì chứng kiến những lễ nghi của bậc hiền nhân, lúc thì cùng con đọc sách thánh hiền, có lúc lại nhìn sự vật tự suy đoán ra cách giải quyết hợp tình hợp lý.

Bà thường xuyên cho con trai được chứng kiến những nghi thức lễ nghi của các bậc hiền nhân, từ đó tạo ra cho con những tấm gương tốt để noi theo. Những nghi thức này đề cao sự trượng nghĩa, tinh thần học hỏi và lòng chính nhân quân tử của mỗi người. Nhờ được tiếp xúc với những lễ nghi này từ nhỏ, Khổng Tử đã giữ được đạo hạnh cao thâm trong suốt cả cuộc đời mình. 

3. Đích thân dạy dỗ con học tập

Là con gái của gia đình gia giáo, bà Nhan Chinh Tại đã tích lũy được lượng kiến thức học vấn và tu dưỡng phong phú ngay từ khi còn rất nhỏ cho đến lúc về nhà chồng. 

Thời gian đưa Khổng Tử về lại Khúc Phụ, bà đã dành một trong ba nhà của hai mẹ con làm thành thư phòng. Đến khi con trai tròn 5 tuổi, bà quyết định biến thư phòng lúc trước thành học đường và đích thân dạy dỗ con. Bà cũng thu nhận thêm vài học trò nhỏ tuổi để vừa cho con có bạn học vừa lấy chút học phí là gạo và củi khô sống qua ngày. 

Trong lớp học của bà, trẻ nhỏ không chỉ dạy học chữ, học hát đơn thuần mà còn được dạy về nghi thức lễ tiết và đạo đức làm người. Nhờ vào công lao dạy dỗ của người mẹ mà lúc vừa tròn 10 tuổi, ông đã hoàn thành xong một lượng lớn kiến thức vỡ lòng. 

4. Tìm thầy giỏi cho con theo học

Theo phép tắc thời cổ đại, bé trai tròn 10 tuổi sẽ được theo học ở một ngôi trường của nhà nước. Mẹ của Khổng Tử biết một mình mình sẽ không thể dạy con trai thành tài nên quyết định đóng cửa học đường đưa con đến học tại một ngôi trường tốt nhất trong kinh thành. 

Khổng Tử là vĩ nhân thiên hạ, nhưng ít ai biết tài đức của ông có được đều nhờ vào phương pháp giáo dục đặc biệt của người mẹ bình dân - Ảnh 3.

Tượng Khổng Tử trong Khổng Miếu ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Ngôi trường mà Khổng Tử theo học được gọi là "Tưởng", đây là học phủ của nhà nước, tập trung những người thầy giỏi nhất của nước Lỗ và dạy dỗ học sinh theo phương pháp cực kỳ nghiêm khắc. Tại đây, Khổng Tử được học thơ ca, sách cổ, lịch sử... những môn mà người thời nay gọi là "thi, thư, lễ, nhạc".

Năm Khổng Tử 17 tuổi thì mẹ ông qua đời, hưởng thọ khoảng 35 tuổi. Mẹ của Khổng Tử là một trong những bà mẹ vĩ đại nhất Trung Hoa cổ đại bởi khả năng và tinh thần dưỡng dục phi thường của bà. Nhưng người đời nay lại ít biết đến công lao của bà vì quá ít thông tin được ghi lại.

Khổng Tử là vĩ nhân thiên hạ, nhưng ít ai biết tài đức của ông có được đều nhờ vào phương pháp giáo dục đặc biệt của người mẹ bình dân - Ảnh 4.

Chia sẻ