Không phải bạc vàng, đây mới là 4 THỨ "đắt giá" mà bố mẹ nên cho con: Đảm bảo cuộc đời con thành công ngoài mong đợi
Niềm hạnh phúc thời thơ ấu sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời mỗi đứa trẻ.
Những ký ức, trải nghiệm tuổi thơ luôn là thứ khiến chúng ta ghi nhớ suốt đời. Một tuổi thơ ngập tràn niềm hạnh phúc không chỉ giúp trẻ hình thành tính cách tự tin, dũng cảm mà còn nâng cao cảm giác an toàn, tạo động lực để trẻ cố gắng phát triển bản thân.
Còn nếu thời thơ ấu trải qua đắng cay, vất vả, không hạnh phúc thì trẻ có nguy cơ sống khép kín, ngại giao tiếp, luôn mặc cảm. Thậm chí một số trẻ thường bị mắng lúc nhỏ có thể xa cách với bố mẹ khi lớn lên.
Vì thế, không phải cho con của cải vật chất, điều bố mẹ cần làm là trao cho con giá trị tinh thần cùng những trải nghiệm thú vị khi còn thơ ấu.
1. Cho phép con thoả sức sáng tạo, thay đổi theo ý muốn
Trẻ em có tư duy đơn giản và vô cùng sáng tạo, chỉ cần trông thấy một bông hoa nhỏ ven đường là chúng có thể tưởng tượng, trình bày ra nhiều ý nghĩa khác nhau.
Nếu chúng bị bố mẹ áp đặt theo kiểu giáo dục khuôn mẫu sẽ làm hạn chế khả năng sáng tạo. Trẻ làm mọi thứ một cách máy móc, làm theo đúng đáp án có sẵn. Lúc này trẻ sẽ rơi vào tâm lý chán nản, hoang mang, lo lắng nếu làm sai sẽ bị bố mẹ và giáo viên khiển trách.
Ngược lại, những đứa trẻ thoả sức sáng tạo sẽ phát huy tối đa được năng lực bản thân. Mặc dù kết quả của những ý tưởng táo bạo có thể kỳ lạ, thậm chí là có phần thái quá nhưng quá trình này thú vị, ấn tượng hơn là những đáp án rập khuôn. Hơn nữa, khi trẻ suy nghĩ theo nhiều chiều hướng khác nhau cũng giúp nâng cao khả năng tư duy, ứng xử tình huống.
Vì thế, cha mẹ không nên hạn chế, áp đặt con trong suy nghĩ và hành động. Hãy cho con thoả sức làm những điều bản thân mong muốn. Hãy động viên, khích lệ sự sáng tạo, ham học hỏi của con.
2. Cho con chạy nhảy thoải mái, tự do
Ở công viên, chúng ta thường thấy những đứa trẻ dù đang chơi đùa với các bạn không được đi xa, phải luôn ở sát bên bố mẹ. Nếu đi xa một chút, trẻ có thể bị bố mẹ khiển trách, la mắng.
Các ông bố bà mẹ để con trong tầm kiểm soát là điều đáng khen ngợi. Họ lo lắng cho sự an toàn của con, sợ trong quá trình chơi đùa, con có thể bị ngã. Hơn nữa, họ sợ những kẻ xấu sẽ lợi dụng cơ hội để làm hại con. Nhưng cách hành xử này của bố mẹ đã vô tình làm tổn thương tâm hồn non nớt của trẻ.
Đối với những đứa trẻ, tự do là chất xúc tác cho sự phát triển nhân cách. Khi cảm thấy tự do, trẻ mới có thể khám phá thế giới theo mong muốn của mình. Ngược lại, trẻ không được tự do sẽ có tính cách gắt gỏng, mặc cảm, không dũng cảm.
Một nhà tâm lý học từng làm thí nghiệm về sự tự do của trẻ. Kết quả cho thấy những đứa trẻ được phép chạy nhảy tự do khi còn nhỏ có khả năng thích nghi với môi trường tốt hơn khi lớn lên. Ngược lại, trẻ không chạy nhảy tự do, không chơi đùa thoải mái với các bạn dễ trở thành đối tượng bị bạo lực học đường.
3. Cho phép con đặt nhiều câu hỏi
Khi trẻ lên 4 tuổi, trẻ bắt đầu đặt nhiều câu hỏi liên quan đến sự vật, sự việc diễn ra trong cuộc sống. Trẻ sẽ hỏi bố mẹ và đi tìm tư liệu để có câu trả lời thoả đáng. Trước những thắc mắc của con cái, hầu hết các bậc phụ huynh đều tỏ ra sốt ruột, nóng giận vì bị làm phiền. Một số phụ huynh khác lại chọn cách phớt lờ những câu hỏi của con.
Việc bố mẹ không trả lời câu hỏi sẽ khiến con bị tổn thương tâm lý. Chúng cho rằng bố mẹ không yêu thương, không quan tâm đến mình. Trẻ cũng không còn cảm thấy hứng thú để khám phá thế giới xung quanh nữa. Dần dần trẻ sẽ mất đi sự sáng tạo, năng động, tự tin.
Vì thế, trước thắc mắc của con, bố mẹ nên kiên nhẫn giải thích và cùng con khám phá mọi điều. Như vậy sẽ giúp con tiếp thu kiến thức dễ dàng, phát triển vượt bậc và hình thành sự tự tin, ham học hỏi.
4. Cho con được trao đổi một cách bình đẳng
Có nhiều ông bố bà mẹ đặt nặng vị trí của mình lên trên con cái. Họ cho rằng mình làm bố, làm mẹ thì được quyền ra lệnh, áp đặt cuộc sống của con. Dù họ phạm lỗi nhưng không chủ động nhận lỗi với con, chứ đừng nói đến việc ngồi nói chuyện cùng con.
Nếu bố mẹ có thể ngồi xuống để cùng trò chuyện, trao đổi mọi điều sẽ khiến trẻ có suy nghĩ và hành xử khác. Trẻ sẽ cảm nhận được sự quan tâm, ấm áp của bố mẹ. Từ đó trẻ yêu thương, thấu hiểu, đồng cảm với bố mẹ hơn. Chúng cũng sẵn sàng chia sẻ mọi vấn đề của mình để nhờ bố mẹ "gỡ rối".
Trong quá trình khôn lớn, những đứa trẻ cần được tôn trọng và lắng nghe từ bố mẹ. Ngay cả khi bị bố mẹ trừng phạt, chúng cũng tiếp thu được vấn đề và nghiêm túc khắc phục lỗi sai.