Không đẻ được con trai, người phụ nữ nhắm mắt sống cảnh chồng chung, bị bạo hành tàn nhẫn
Suốt bao nhiêu năm, bà Th. sống trong sự tủi nhục khi nhắm mắt chấp nhận sống cảnh chồng chung, lại còn bị đánh đập tàn nhẫn chỉ vì không đẻ được con trai.
LTS: Cả xã hội đang kêu gọi bình đẳng giới, nhưng cụm từ đó dường như quá xa lạ với một số người phụ nữ gặp bất hạnh trong hôn nhân gia đình. Họ phải chịu cảnh đày đọa về thân xác và tinh thần vì bị chồng ngược đãi một cách tàn bạo. Và họ - những người phụ nữ là nạn nhân của bi kịch hôn nhân và bạo lực gia đình không phải lúc nào cũng dám lên tiếng, dám đối mặt để thoát khỏi. Có những người phụ nữ sau đó đứng lên làm lại được cuộc đời nhưng có người thì lại chọn cách cam chịu, ôm cay đắng, tủi nhục riêng mình...
Khốn khổ vì không đẻ được con trai
Với mỗi người phụ nữ, có được một mái ấm gia đình là điều ai cũng mong muốn và khát khao. Việc chia sẻ hạnh phúc gia đình là điều không thể của bất người phụ nữ nào. Nhưng với bà Nguyễn Thị Th. (SN 1965), trú tại phường Trang Hạ, Từ Sơn, Bắc Ninh thì ngược lại. Bi kịch hôn nhân này đã diễn ra hàng chục năm nay với người đàn bà bất hạnh đến tột cùng này.
Để tìm hiểu về hoàn cảnh bất hạnh của bà Th. chúng tôi đã tìm về địa phương để có cuộc tiếp xúc với người trong cuộc. Có lẽ rất may mắn khi chúng tôi đến gặp vào đúng ngày mà bà Th. được nghỉ làm và đang ở nhà một mình. Khi được hỏi về hoàn cảnh, số phận của mình, mới đầu bà Th. chỉ cúi mặt, lắc đầu không nói. Từ những lời hỏi han, động viên của chúng tôi bà Th. mới mở lòng chia sẻ về những cay đắng mà mình gặp phải. Câu đầu tiên bà Th. nói đến để bắt đầu cho câu chuyện là: “Chỉ tại tôi không sinh được con trai”.
Theo lời bà Th., mười mấy năm nay, bà phải sống trong cảnh hắt hủi với những trận đòn “thừa sống thiếu chết”, triền miên như cơm bữa của người chồng. Tất cả chỉ vì lý do là bà đã không đẻ được con trai cho chồng. Ngồi nói chuyện, bà luôn cười gượng gạo và cúi mặt xuống với những giọt nước mắt nghĩ tủi phận cho đời mình: “Nói ra xấu hổ lắm cháu ạ, đời cô khổ cô chấp nhận tất cả chỉ mong cho con cái có được đầy đủ cha mẹ, có chỗ bấu víu thôi, nếu chỉ mình cô thì chắc cô đã quyên sinh rồi”.
Cũng từng là một người phụ nữ đẹp nhưng cuộc sống hôn nhân của bà đúng như người ta nói “hồng nhan lắm nỗi truân chuyên”. Vốn đã “qua một lần đò” vì cuộc hôn nhân thứ nhất gặp nhiều trắc trở. Một thời gian dài sống thân một mình, thì bà mới dám nghĩ đến hạnh phúc khi gặp người chồng thứ hai cũng có cùng hoàn cảnh là cũng ly hôn. Cả hai thông thông cảm chia sẻ với nhau nên đã về sống chung dưới một mái nhà.
Hai vợ chồng bà Th. chăm chỉ làm ăn, kinh tế cũng khấm khá. Rồi lần lượt ba đứa con chào đời, nhưng hiềm một nỗi là cả ba đều là con gái. Chồng bà lại là một người gia trưởng nên muốn có một đứa con trai để nối dõi tông đường. Tất cả tấn bi kịch với cuộc hôn nhân thứ hai của bà Th. bắt đầu từ đây. Vì không sinh được con trai cho gia đình nhà chồng chồng nên chồng bà đã quay ra hắt hủi vợ. Nghĩ mình sinh con một bề là... có tội, bà đành cắn răng chịu đựng người chồng gia trưởng đó. Nhưng càng ngày càng ông chồng càng quá đáng, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay mỗi khi cay cú vợ.
Không muốn đánh mất gia đình, vì những đứa con còn nhỏ dại, bà gắng gượng nhẫn nhịn: “Cô chẳng có lựa chọn nào khác cháu ạ, cô đã hai đời chồng bây giờ mà lại ly hôn bỏ chồng thì người ta nghĩ thế nào về cô? Với lại các em (con cô) biết đi về đâu khi tan nát gia đình, vì thế nên cô chỉ còn nước cố sống mà hứng chịu thôi”.
Bà Th. đang đau đớn kể về cuộc đời bất hạnh của mình.
Nhắm mắt sống cảnh chồng chung
Gã chồng ngày một giở thói vũ phu nhiều hơn. Người ta thường thấy bà thâm tím mặt mày, vì xấu hổ bị chồng đánh nên nhiều lúc ra đường bà Th. phải bịt khăn đội nón sùm sụp để che đi những vết thương từ đòn roi của chồng. Rồi để kiếm cho bằng được thằng con trai, chồng bà bắt đầu đi lăng nhăng bên ngoài. Mọi chuyện được giấu kín đến khi bồ ông ta sinh được một cậu con trai như ý muốn.
Nhưng dường như những gì mà bà Th. chịu đựng vẫn chưa phải là đã hết. Ngoài nỗi đau thể xác bà còn phải chịu đựng sự hành hạ về tinh thần khi sống cảnh “chồng chung” hàng chục năm nay. Tiếng là vợ nhưng ông ta không sống với bà mà ngang nhiên chung sống với cô bồ, bỏ mặc mẹ con bà.
Lúc này thì tấn bi kịch thực sự đổ lên đầu mấy mẹ con của bà. Ông ta ôm tất cả số tiền được đền bù dự án trên phần ruộng của hai vợ chồng, cùng số tài sản mà hai vợ chồng làm lụng tích cóp được chuyển đến sống với bồ. Bỏ mặc bà Th. phải làm thuê mướn nuôi con riêng của chồng cùng mấy đứa con của mình. Không những thế thỉnh thoảng ông ta quay về đánh đập dã man bà để đuổi mấy mẹ con ra đi độc chiếm căn chiếm căn nhà.
Lúc này thì tấn bi kịch thực sự đổ lên đầu mấy mẹ con của bà. Ông ta ôm tất cả số tiền được đền bù dự án trên phần ruộng của hai vợ chồng, cùng số tài sản mà hai vợ chồng làm lụng tích cóp được chuyển đến sống với bồ. Bỏ mặc bà Th. phải làm thuê mướn nuôi con riêng của chồng cùng mấy đứa con của mình. Không những thế thỉnh thoảng ông ta quay về đánh đập dã man bà để đuổi mấy mẹ con ra đi độc chiếm căn chiếm căn nhà.
Nói về những trò hành hạ mấy mẹ con của gã chồng gia trưởng với bà Th. thì vô vàn kiểu. Có những lần ông ta đánh mấy mẹ con bà Th. tối tăm mặt mũi rồi đập phá hết ti vi và đồ đạc. Tồi tệ hơn, ông ta tìm đến tận chỗ làm của bà để mà hành hạ nhằm muốn cho bà xấu hổ mà phải bỏ xứ đi. Chiếc xe đạp là phương tiện để đi lại làm thuê của bà cũng bị ông ta đập tan nhiều lần. Hàng ngày bà và con gái phải dậy từ sớm đi bộ gần chục cây số để làm thuê. Có những lần ông ta đánh bà ngất đi, sống lại, rồi băm hết quần áo của khiến bà phải chạy sang hàng xóm trốn. Hàng tháng trời bà phải xin hàng xóm quần áo thừa để mặc.
Hàng xóm thấy bất bình đã nhiều lần khuyên can nhưng ông chồng bà còn chửi bới thách thức cả những ai dám can thiệp vào. Chính quyền đã nhiều lần phải vào cuộc xử lý nhưng rồi đâu lại vào đấy. Chồng bà còn khóa cửa toàn bộ căn nhà lại, ngắt hết nguồn điện chỉ cho mấy mẹ con ở căn nhà bếp. Nhưng sau nhiều người thấy ngang trái mắt sự quá đáng của ông ta can thiệp thì ông ta mới mở cửa một căn buồng cho mẹ con bà ở…
Không những thế bố chồng của bà còn vào hùa với con trai đánh chửi con dâu chỉ vì mong muốn đón cháu trai về nối dõi tông đường. Nhưng bà Th. chấp nhận tất cả, bà chịu cảnh đày đọa của chồng, chấp nhận cho chồng đến ở với cô bồ kia. “Bị chồng hành hạ đã là một điều bất hạnh, nhưng sống mà phải nhắm mắt để nhìn chồng ngang nhiên đi sống với người khác, chịu cảnh “chồng chung” còn đau đớn hơn gấp nhiều lần cháu ạ”, lời bà Th. nói trong đắng chát.
Căn buồng và đồ đạc trong nhà bà Th. đã bị chồng đập phá nhiều lần, phải vất vả bà mới sắm sửa lại được.
Bi kịch của sự nhẫn nhịn
Một mình nuôi bốn đứa con gái trong đó có cả con riêng của chồng, lần lượt gả chồng cho từng đứa một nhưng dường như sự âm thầm chịu đựng đó chẳng thể làm lay động gã chồng vũ phu kia. Ông ta vẫn tuyên bố sẽ chẳng để bà sống được yên nếu khỏi căn nhà đó. Nhưng Bà Th. lại chẳng biết làm cách nào để thoát khỏi bi kịch đó: “Cô chẳng biết làm gì hơn ngoài việc nhẫn nhịn, mặc cho ông ta hành hạ thế nào thì hành hạ. Bây giờ biết đi đâu hả cháu, cô chỉ mong có một chỗ ở đến cuối đời thôi”.
Nhiều người xui bà đi kiện ông ta vì vi phạm pháp luật quy định một vợ một chồng nhưng bà mặc kệ. Bà biết nếu kiện ông ta thì mẹ con bà chẳng có đường mà sống nữa nên chỉ đành trốn chạy, những lúc nhìn thấy chồng trở về nhà giở thói vũ phu, trốn không kịp thì giương mình chịu trận. Cũng vì bị đánh đập nhiều mà cho tới giờ bà bị ảnh hưởng tới thần kinh, rối loạn tiền đình mỗi khi trái nắng trở trời, đau ốm không lao động được.
Nhiều lần bà Th. đã nghĩ đến cái chết, nhưng nghĩ lại bốn đứa con cần có chỗ dựa bà lại gắng gượng sống. Bà sụt sùi cho biết: “Nếu không vì con, phải chấp nhận sự hành hạ và phản bội của chồng thì chắc cô đã chết vì chẳng chịu đựng nổi cháu ạ. Nhưng cô chẳng biết làm gì hơn, bao lần chính quyền xử lý nhưng cũng chẳng thể ăn thua gì. Cô chỉ biết nín nhịn để mong ông ta để yên cho mẹ con cô sống ở đây mà thôi”.
Theo chị Trần Thị Ngọc (hàng xóm của bà Th.) thở dài kể: “Thấy cảnh bà Th. phải chịu những tủi nhục như vậy mọi người cũng lấy làm bất bình lắm. Không ít lần bà con lối xóm đã khuyên can nhưng ông chồng bà Th. còn thách thức, quát mắng nên không ai dám can thiệp vào. Có lần, ông ta còn khóa cửa toàn bộ căn nhà lại, ngắt hết nguồn điện chỉ cho mấy mẹ con ở căn nhà bếp... Chuyện hành hạ vợ con như vậy chẳng khác nào cơm bữa”.
Trao đổi với PV, một đại diện chính quyền cho biết, đã nhiều lần các cơ quan đoàn thể đã phải vào cuộc để hòa giải, xử lý những hành vi bạo lực của chồng bà Th.
"Tuy nhiên được một thời gian thì chúng tôi lại nhận được những thông tin bà Th. bị chồng bạo hành. Chúng tôi cũng chỉ có thể can thiệp phần nào thôi, khi nào bà Th. tố cáo hoặc việc bạo hành gây thương tích thì cơ quan chức năng mới vào cuộc được. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã gọi chồng bà Th. để khuyên giải những hành vi sai trái của ông này. Hy vọng, ông ta sớm nhận ra sai lầm mà quay về với vợ con xây dựng lại cuộc sống gia đình", vị cán bộ này cho hay.