Không có những đợt rét kéo dài trong tháng Tết Nguyên đán
Trong tháng Tết Nguyên đán sắp tới (tháng 2/2016) có khả năng sẽ xảy ra khoảng 3-4 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc. Các đợt không khí lạnh này có thể gây rét nhưng không kéo dài ở Bắc Bộ; một số nơi có thể xảy ra rét đậm cục bộ.
Tại hội thảo “ Đặc điểm khí tượng thủy văn nổi bật năm 2015 và nhận định xu thế năm 2016 ” tổ chức hôm 18/12 tại Hải Phòng, ông Nguyễn Đăng Quang - Phó trưởng Phòng dự báo khí tượng hạn vừa hạn dài (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương) cho rằng, trong tháng Tết Nguyên đán sắp tới (tháng 2/2016) có khả năng sẽ xảy ra khoảng 3-4 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc. Các đợt không khí lạnh này có thể gây rét nhưng không kéo dài ở Bắc Bộ, một số nơi có thể xảy ra rét đậm cục bộ. Trong khi đó tại các tỉnh miền Nam, thời tiết về cơ bản là tốt, miền Trung (Bắc và Trung Trung Bộ) có thể có mưa nếu không khí lạnh xuất hiện trong những ngày Tết.
Theo ông Quang, tính đến ngày 16/12 đã có 22 đợt không khí lạnh (bao gồm 15 đợt gió mùa Đông Bắc và 7 đợt không khí lạnh tăng cường) ảnh hưởng đến nước ta, ít hơn so với cùng kỳ.
Trong các đợt rét đậm, rét hại vừa qua chưa ghi nhận được kỷ lục mới về nhiệt độ tối thấp, tuy nhiên nhiệt độ thấp nhất ở Sa Pa (Lào Cai) đã ở mức 1,6 độ C, Sìn Hồ (Lai Châu) -0,3 độ C và Đồng Văn 1,8 độ C.
Năm 2015 trên phạm vi toàn quốc đã xảy 17 đợt nắng nóng và các đợt nắng nóng đã xuất hiện nhiều kỷ lục: đợt nắng nóng kéo dài lâu nhất, nhiều cực trị trong quá khứ bị phá vỡ. Đặc biệt liên tiếp trong 3 tháng (6, 7, 8/2015), các đợt nắng nóng đã xuất hiện giá trị nhiệt độ vượt lịch sử tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.
Cả nước cũng đã xảy ra 23 đợt mưa lớn trên diện rộng, ít hơn so với năm 2014. Tuy nhiên, đã có 3 đợt mưa lớn diện rộng trái mùa ở các tỉnh Bắc Bộ, đợt mưa từ 24-28/3 tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Lũ trái mùa cũng xuất hiện trên các sông Bắc Bộ như sông Đà, sông Gâm, sông Thao, sông Kỳ Cùng; các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi; các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.
Tuy vậy, lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 20-60% so với trung bình nhiều năm; ở Khánh Hòa và Nghệ An tới 80%. Trên nhiều sông, mực nước đã giảm xuống mức thấp nhất lịch sử hoặc thấp nhất cùng kỳ.
“Từ tháng 1-4, tình hình khô hạn, thiếu nước đã xảy ra trên diện rộng từ Phú Yên- Ninh Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Từ tháng 5, tình trạng hạn hán dần được cải thiện, riêng các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận vẫn tiếp tục thiếu nước cục bộ. Đến hết tháng 11, lượng dòng chảy trung bình tháng trên phần lớn các sông chính ở Trung Bộ và Tây Nguyên thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 32-80%”- ông Quang nói.
Theo ông Quang, El Nino khởi phát từ cuối năm 2014, đã gây tác động trong năm 2015 và có khả năng tiếp tục duy trì cường độ mạnh trong những tháng mùa đông - xuân năm 2016. Sau đó có xu hướng giảm dần về cường độ vào những tháng đầu mùa hè năm 2016.
Ảnh hưởng từ hiện tượng thời tiết El Nino sẽ gây ra khô hạn mạnh, lượng mưa giảm nhiều, nhất là ở khu vực các tỉnh miền Trung. Lượng nước, dòng chảy ở các con sông trên phạm vi toàn quốc sẽ thiếu hụt so với mức trung bình nhiều năm từ 25-50%. Dòng chảy nằm ở các con sông thuộc Trung bộ và Tây Nguyên sẽ nhỏ hơn mức trung bình nhiều năm từ 10% trở lên, nếu El Nino diễn ra mạnh sẽ hụt tới 50 - 60%. Ít có khả năng xuất hiện đỉnh lũ lớn trên sông Cửu Long.
Trong khi đó, ở miền Bắc, dòng chảy, thượng nguồn sông Đà và sông Thao giảm đến 40%, thiếu nước. Mực nước thấp nhất tại trạm Hà Nội có thể xuống đến mức 0,4-0,6m vào tháng 2-3/2016.
“Khu vực Bắc Bộ sẽ xảy ra thiếu nước cục bộ, vùng núi cao phía Bắc và trung du Bắc Bộ sẽ nghiêm trọng hơn ở vùng đồng bằng. Tình trạng khó khăn trong cấp nước, giao thông thủy và phát điện trong các tháng đầu năm 2016 vẫn căng thẳng nhưng không gay gắt như các năm 2010-2011”- ông Quang nhận định.
Ở lưu vực sông Cửu Long, hiện tượng xâm nhập mặn sẽ diễn ra mạnh do lượng nước thiếu hụt nhiều. Tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-40%.