Không có nghìn tỷ như vợ chồng đại gia Trung Nguyên, CLB bỉm sữa vẫn nhiệt tình tranh luận: Chồng hay vợ nên là người cầm tiền?
Sau khi kết hôn thì vợ hoặc chồng có nên quản lý hết tài chính trong nhà, "tay hòm chìa khóa" dồn về 1 mối hay là nên theo chủ nghĩa độc lập tự do?
Mấy ngày vừa qua, dư luận lại nổi sóng ồn ào vì cuộc ly hôn 8 tỷ án phí của vợ chồng đại gia cafe Trung Nguyên. Những con số liên quan đến tranh chấp tài sản của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Diệp Thảo luôn là nghìn tỷ nọ nghìn tỷ kia, nói qua lại liên tục khiến ai cũng hoa cả mắt. Cuối cùng, tòa đã xử chia toàn bộ tài sản theo tỷ lệ 60% thuộc về ông Vũ, 40% thuộc về bà Thảo, còn cổ phần của tập đoàn Trung Nguyên được giao toàn bộ cho ông Vũ quản lý.
Như vậy, bà Thảo đã thua trong vụ ly hôn ồn ào của mình, dù trước đó bà đã nói 1 câu với chồng khiến ai cũng phải suy ngẫm: "Từ lúc mình cưới nhau đến bây giờ anh có đưa em đồng nào không?". Đứng ở vị trí cùng là phụ nữ, các chị em đều hiểu bà Thảo ngầm tỏ ý trách chồng suốt bao năm không hề đưa tiền cho vợ.
Không bàn luận sâu thêm về chuyện tranh chấp của cặp vợ chồng quyền lực ấy, team bỉm sữa chỉ quan tâm và rút ra được bài học kinh nghiệm thấm thía rằng: chuyện ai là người cầm tiền trong gia đình cũng quyết định rất lớn đến hạnh phúc và sự bền vững của gia đình. Vậy đáp án cho câu hỏi "Ai nên là người cầm tiền trong nhà?" trong cuộc sống thực tiễn là gì? Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ bổ ích của các mẹ bỉm sữa ở khắp nơi xem sao nhé.
Hoàng Khánh Linh (37 tuổi, Hà Nội)
Cưới nhau đã gần 10 năm, cãi nhau đòi chia tay không biết bao nhiêu lần, thế nhưng vợ chồng chị Linh vẫn giữ được lửa hôn nhân bền vững cho đến tận bây giờ. Cứ mỗi lần có biến cố lớn nhỏ gì xảy ra, vợ chồng chị lại thêm thấu hiểu, cảm thông và yêu thương nhau hơn.
Nhường nhịn là bí quyết giúp vợ chồng chị Linh duy trì cuộc sống hạnh phúc, nhưng một điều khác quan trọng hơn được chị tiết lộ đó chính là việc ông xã để chị quản lý 100% kinh tế trong nhà.
"Vợ chồng mình làm kinh doanh nên thu nhập tính theo ngày. Ngày nào anh cũng để vợ thu hết tiền, sau đó mình đưa lại cho anh một ít để tiêu vặt, thường là loanh quanh khoảng 1 triệu thôi, có khi ít hơn vì anh cũng không đi chơi đâu cả, làm việc ở nhà luôn. Có việc lớn quan trọng cần chi thì mình bàn bạc kỹ với chồng trước, thống nhất xong xuôi thì mình bỏ ra, còn lại thì để dành cất đi hết. Các khoản chi tiêu mua sắm hàng ngày anh cũng chẳng ý kiến gì, vợ con muốn tiêu sao cũng được, bản thân mình biết kiểm soát không vung tay quá trán là ổn".
Chị Linh ủng hộ quan điểm vợ nên giữ hết lương của chồng, vì theo chị nếu để chồng quá dư dả thì sẽ dễ nảy sinh thói hư tật xấu. Phòng còn hơn chữa, chồng tự nguyện đưa tiền cho quản lý thì cứ vậy mà hưởng thụ thôi, chị em nhỉ?
Đan Quỳnh (Hà Nội)
Khác với gia đình chị Khánh Linh, vợ chồng Đan Quỳnh lại độc lập về kinh tế. Từ trước lúc cưới, Quỳnh đã rất thoải mái và bình đẳng trong vấn đề tài chính, không câu nệ áp đặt việc đàn ông là phải rút ví chi tất cả mọi thứ.
"Vợ chồng mình rất thoải mái cởi mở trong chuyện kinh tế gia đình. Ai tiêu tiền người ấy, nhưng vẫn cho nhau biết rõ tình hình tài chính để còn tính toán chi tiêu hàng ngày. Có công to việc lớn gì thì 2 vợ chồng cùng góp, đi du lịch cũng góp chứ mình không bắt chồng bỏ ra hết.
Bọn mình cũng phân chia trách nhiệm các khoản quan trọng đấy, như là mình đóng học phí cho con, anh ấy thì lo tiền chợ búa siêu thị, và thống nhất trích một phần thu nhập của cả 2 để cho vào quỹ chung mua nhà. Mục tiêu của vợ chồng mình là như vậy. Và mình thấy cuộc sống rất ổn, gia đình vui vẻ không có vấn đề gì".
Chồng Đan Quỳnh là người rất có trách nhiệm và chăm chỉ, nên bà mẹ trẻ cũng yên tâm rằng để chồng tự làm tự tiêu cũng không sao hết.
Quỳnh Nguyễn (28 tuổi, Sài Gòn)
Cũng thuộc team "thủ quỹ" giống Khánh Linh, nhưng chị Quỳnh lại được chồng tự nguyện đưa hết tiền vì lý do khá ngọt ngào - đó là tấm lòng của anh muốn dành trọn cho vợ cả đời vì những gì Quỳnh đã hi sinh cho chồng.
"Đang là một cô gái trẻ trung năng động, có công việc ngon lành, tương lai ngời ngời, bỗng nhiên bị ông xã "hốt" về làm vợ, ẩn danh 2 năm ở nhà chỉ sinh đẻ trông con, dọn dẹp nấu nướng, cũng thiệt thòi lắm chứ. Được cái nọ thì phải mất cái kia, mình chấp nhận lui về sau cánh cửa nhà để lo toan cho chồng nên anh cũng thương lắm, thể hiện tấm lòng bù đắp cho vợ bằng cách mỗi ngày đi làm về đều nộp hết tiền cho vợ.
Số tiền chồng đưa hàng ngày mình đều cất cẩn thận, chỉ rút ra một ít để chợ búa, đưa con đi chơi, cafe linh tinh thôi, và đưa ông xã 500 nghìn để anh tiêu hôm sau. Ông xã rất tin tưởng vợ, mình cũng luôn cân đối các khoản sinh hoạt phí, đi ăn đi chơi cả nhà nên chẳng tốn kém hoang phí gì hết. Việc lớn trong nhà thì mình chủ động bàn bạc với ông xã, và người quyết định cuối cùng luôn là anh ấy, vì tiền do anh ấy kiếm mà.
Mình cũng chẳng sợ anh có tiền sẽ nảy sinh tật gì, vì vợ chồng mình rất hiểu và tin nhau".
Quỳnh cho biết, hiện tại bé Nếp con gái chị đã cứng cáp hơn nên chị cũng đã độc lập tài chính, không phải xài tiền của chồng, nhưng ông xã vẫn duy trì thói quen cũ để vợ quản lý thu nhập. Mấy ngày qua Quỳnh cũng rất quan tâm đến vụ ly hôn nghìn tỷ, và bà mẹ trẻ đã có quan điểm khá hay ho rằng:
"Chuyện tiền bạc nhạy cảm, dù vợ kiếm ra tiền hay không thì cũng không nên quá rạch ròi với chồng, phân chia ra tiền anh tiền tôi. Mất tình cảm, vô duyên, mà làm thế xong lại thấy mình "xôi thịt" quá, thực dụng. Càng thanh cao 1 chút, phóng khoáng 1 chút thì chồng sẽ nể mình hơn. Thật sự là vậy, có thể các ông chồng không nói ra nhưng trong lòng tự thấy nể vợ hơn khi biết vợ khéo léo, tinh tế chuyện tiền bạc".
Thu Hà (Long Biên, Hà Nội)
Kết hôn 5 năm và có 2 mặt con đủ nếp đủ tẻ, vợ chồng chị Thu Hà có khá nhiều thứ phải lo phải chi mỗi ngày. Năm ngoái vợ chồng chị đã tích cóp mua được căn chung cư nhỏ xinh, nên bà mẹ trẻ cũng bớt đi một phần gánh nặng kinh tế. Hiện tại, vợ chồng chị chăm chỉ đi làm để nuôi các con, đi du lịch và nâng cao đời sống tinh thần.
Chị Hà cũng khiến nhiều bạn bè bất ngờ khi chia sẻ chuyện chị không bao giờ "trấn lột" lương của chồng. "Nhà mình thì ai quản lý tiền cũng không quan trọng, mà quan trọng là cả 2 vợ chồng phải tự biết sắp xếp để chi tiêu hợp lý. Ngoài những khoản chi tiêu chung cho cả gia đình ra thì cả 2 đều có quyền chi tiêu cá nhân, miễn là không được quá giới hạn cho phép. Chồng muốn cho vợ bao nhiêu thì cho, còn không thì vợ cũng chẳng đòi hỏi, vì hiện tại cuộc sống của nhà mình khá ổn định rồi.
Quan điểm của mình với tư cách làm mẹ, làm vợ là ai cầm tiền trong gia đình cũng được, miễn là người đó có khả năng quản lý chi tiêu tốt và phù hợp. Nếu người vợ hay bị cám dỗ và không biết cách kiểm soát khi đi mua sắm thì rõ ràng là nên nhường quyền ôm két cho chồng và ngược lại, nếu chồng hay đi nhậu, hay gặp gỡ bạn bè... thì tất nhiên là nên tự nguyện cho vợ làm tay hòm chìa khóa để hàng tháng cả 2 không phải nai lưng ra trả nợ. Đơn giản mà".
Thùy Trang (22 tuổi, Quảng Ninh)
Mới kết hôn và đang mang bầu con đầu lòng, cả Trang và chồng đều khá bỡ ngỡ trong việc xây dựng cuộc sống hôn nhân, đặc biệt là vấn đề tài chính. Lúc còn yêu thì vợ chồng Trang khá thoải mái, ai tiêu tiền người ấy, chủ yếu vẫn là chồng của cô nàng chi nhiều hơn, nhưng cưới xong thì thu nhập đều quy cả về một mối do Trang quản lý.
"Mặc dù không đến mức phải chắt bóp chi tiêu nhưng vợ chồng em vẫn phải tiết kiệm để trả nợ mua xe, rồi để dành đi sinh con, nuôi con nữa. Chồng em mỗi ngày đi làm về đều đưa hết tiền cho vợ, em cất đi và đưa lại cho anh khoảng 200 nghìn để tiêu vặt hôm sau. Việc để vợ cầm kinh tế là do anh ấy tự nguyện, em không bao giờ đòi hỏi bắt ép chồng, cả 2 cũng không ai tiêu xài hoang phí nên cuộc sống cũng dễ chịu thoải mái, vợ chồng hòa thuận".
Trang quan niệm rằng không nên lấy hết lương của chồng, vì cô nàng hiểu rõ chồng còn phải gặp gỡ đi chơi với anh em bạn bè, và cần tiền phòng thân nữa. Dù hàng ngày về nhà gặp nhau, ông xã Trang luôn chủ động đưa ví cho vợ, muốn rút bao nhiêu tiền thì rút, nhưng Trang cũng rất khéo léo nên 2 vợ chồng chưa từng cãi cọ chuyện tiền nong.
Như vậy, có thể thấy là rất nhiều chị em bây giờ đã cởi mở hơn trong suy nghĩ, thích độc lập tự chủ tài chính và cũng không có nhu cầu phụ thuộc kinh tế vào chồng. Điểm chung ở những mẹ bỉm được chồng tin tưởng giao phó toàn bộ thu nhập là đời sống hôn nhân rất hạnh phúc, tinh thần vợ chồng thoải mái, chẳng bao giờ có cãi cọ mâu thuẫn. Và tất cả đều do chồng tự nguyện chứ không có chị em nào ép buộc, "trấn lột" hết các khoản của chồng.
Mặc dù chẳng ai muốn lo xa tính toán đến việc chia tài sản, trách nhiệm chu cấp tiền bạc nếu ly hôn, song rất nhiều chị em đã có ý thức rõ ràng về chuyện kết hôn xong ai nên là người cầm tiền trong nhà, để đảm bảo cân bằng các gạch đầu dòng trong cuộc sống hôn nhân và đảm bảo hạnh phúc, không xảy ra chuyện vợ chồng sứt đầu mẻ trán vì tiền. Một điều rất đáng khen dành cho chị em phụ nữ thời hiện đại, phải không các mẹ?