Đang ăn tiệc vô tình nói xấu để sếp bỏ ra ngoài, nhiều năm sau ông nói một câu khiến người nhân viên thấy xấu hổ

Min,
Chia sẻ

"Thiện ý lớn nhất của một người, là không để bản thân mình làm phiền tới người khác".

Vượt lên trên cả những kiến thức đời thường trên ghế nhà trường và xã hội như toán học hay văn chương, đối nhân xử thế mới chính là bài học lớn nhất cuộc đời mỗi con người. Và cũng chỉ có nó mới giúp chúng ta có được cuộc sống bình an, được nhiều phúc báu và tình yêu thương của mọi người xung quanh. Nó là đạo, là chiếc áo thiện lành làm nên phẩm hạnh của mỗi con người.

Tuy nhiên, đã là bài học lớn thì không thể tinh thông được hết trong một sớm một chiều, mà phải trải qua cả một quá trình. Có lúc, dù bằng lòng thành hay sự tinh tấn thông tuệ được mài giũa từ gốc rễ gia đình, người ta phải sống đến một giai đoạn nào đó của đời người mới có thể tìm được đáp án của bài học đối nhân xử thế đã gặp phải nhiều năm về trước.

Đang ăn tiệc vô tình nói xấu để sếp bỏ ra ngoài, nhiều năm sau ông nói một câu khiến người nhân viên thấy xấu hổ - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Chẳng hạn như câu chuyện dưới đây, kể về một nhóm nhân viên trẻ chia sẻ về những vấn đề yêu ghét trong cách ăn uống của người khác. Đáng tiếc, một trong những thói quen ăn uống mà nhóm đồng nghiệp này chỉ trích lại chính là thói quen của vị giám đốc. Ông đang ngồi gần đó, nghe hết tất cả nhưng không nói lời nào.

Và rồi mọi thứ vẫn tiếp diễn trong sự ái ngại của những người nhân viên, còn vị giám đốc, ông giữ khoảng cách với mọi người đến mức gần như thần bí. Nhiều năm sau đó, khi người kể chuyện - cũng chính là một trong những người nhân viên vô tình "nói xấu" giám đốc, trong một lần gọi điện thăm hỏi, đã vén được bức màn sự thật. Sự thật này khiến anh xấu hổ và nhận được một bài học lớn trong việc đối nhân xử thế.

Đang ăn tiệc vô tình nói xấu để sếp bỏ ra ngoài, nhiều năm sau ông nói một câu khiến người nhân viên thấy xấu hổ - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Bối cảnh của câu chuyện xảy ra ở nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc. Toàn bộ nội dung của nó mới đây đã được một cô nàng có nickname T.Y chia sẻ trong nhóm Weibo Việt Nam như sau:

"Giám đốc phòng bọn tôi là một người trung niên hơn 40 tuổi, không kiêu ngạo, khá thân thiết, đối xử bình đẳng với mọi người. Có một hôm công ty tổ chức đi ăn mừng hoàn thành hợp đồng lớn, boss tổng cũng đi. Lúc này đám người trẻ ngồi nói chuyện 1 lúc thì bàn tới vấn đề phẩm cách của một người, giám đốc chỉ cười không nói gì cả.

Lúc đó một cô bé nói mình không chịu được việc nhai nhóp nhép lúc ăn cơm, có người khác bảo, người không đến đủ, đồ ăn không dọn đủ thì không ăn nổi. Tôi cũng trả lời vài câu. Boss tổng bèn chen vào nói, sau này đi ăn ai nhai nhóp nhép thì người đó trả tiền. Mọi người cười đồng ý.

Lúc đồ ăn dọn lên, hỏi phục vụ thì biết đồ ăn đã dọn lên hết, bọn tôi đang định ăn thì giám đốc xưa giờ luôn hòa ái của bọn tôi cầm một cái đĩa, gắp mỗi món một ít, rồi cười nói: "Mọi người ăn đi, tôi ăn có thói quen nhép miệng, sợ mọi người ăn không ngon". Giám đốc nói xong thì đi ra ngoài, lúc đó mọi người ai cũng xấu hổ cả, sau đó boss tổng ra ngoài nói vài câu giám đốc cũng không vào bàn ăn lại.

Đang ăn tiệc vô tình nói xấu để sếp bỏ ra ngoài, nhiều năm sau ông nói một câu khiến người nhân viên thấy xấu hổ - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Hôm sau vào công ty, giám đốc vẫn cư xử như thường, sau này cũng vẫn thế không mang thù, không làm khó ai cả. Sau này trong các bữa tiệc, giám đốc cũng có đi, ăn uống rất nhã nhặn, đừng nói chép miệng tới cả rượu ông ấy cũng không uống. Lúc ấy tôi hoàn toàn không rõ, còn nghĩ rằng giám đốc thật hai mặt, ông vẫn ghi thù chuyện bọn tôi nói đùa hôm đó. Sau này tôi từ chức, lúc đi có hỏi giám đốc chuyện này, ông ấy đã nói giỡn với tôi rằng, cái nào nói ra được thì đã không còn là bí mật, giờ có nói cậu cũng không hiểu đâu.

Lúc ấy tôi nghĩ ông ấy cố ra vẻ huyền bí thôi, nhưng phải nói rằng tôi cực kì sùng bái ông. Các bạn đọc những gì tôi miêu tả chắc sẽ thấy ông ấy là một người như Phật Di Lặc đúng không, thực tế ông ấy là một người rất có khí chất giống hệt cái câu "quân tử như ngọc" vậy. Cho nên tôi cực kì ấn tượng về ông, tôi luôn lấy ông làm mục tiêu để học tập.

Rất nhiều năm sau, tôi vẫn không hiểu được lời lúc ấy ông ấy nói, có một ngày tôi nghe tin ông ấy từ chức về nông thôn xây nhà, tôi tìm số điện thoại của ông ấy gọi hỏi thăm, chúng tôi nói rất nhiều, cuối cùng tôi hỏi ông ấy về chuyện lần đó, ông ấy chỉ nói với tôi rằng: "Thiện ý lớn nhất của một người, là không để bản thân mình làm phiền tới người khác".

Đang ăn tiệc vô tình nói xấu để sếp bỏ ra ngoài, nhiều năm sau ông nói một câu khiến người nhân viên thấy xấu hổ - Ảnh 4.

(Ảnh minh họa)

Giờ ngẫm lại hành động lúc ấy của ông tôi mới hiểu được phần nào. Năm ấy những lời đùa cợt trên bàn rượu đó, đám trẻ chúng tôi dùng sự ích kỷ của mình bàn luận về nhân cách của người khác bản thân đã là một chuyện cực kì vô lễ rồi. Đương nhiên tôi cũng thế.

Tôi cảm thấy phẩm cách, giáo dục, nội hàm của một người là dành cho tự thân, chứ không phải là dành để phán xét người khác, khi bạn nghĩ mình có phẩm cách rất cao mà không thể bao dung người khác và ép người khác thay đổi bản thân vì mình, thì đó đã là một chuyện rất vô lễ. Làm việc thiện không cần ai biết thì mới thật sự là làm việc thiện và phẩm cách cũng như thế".

Câu chuyện sau khi đăng tải ít lâu đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng Việt. Các ý kiến với nhiều sắc thái cũng đã được chia sẻ bên dưới phần bình luận theo từng góc nhìn cá nhân. Đa phần mọi người đều nhận về được chút gì đó gọi là kinh nghiệm xoay quanh đề tài đối nhân xử thế trong câu chuyện trên.

Đang ăn tiệc vô tình nói xấu để sếp bỏ ra ngoài, nhiều năm sau ông nói một câu khiến người nhân viên thấy xấu hổ - Ảnh 5.

(Ảnh minh họa)

Cổ nhân có câu "nhân bất thập toàn", tức là chẳng ai trên đời này là hoàn mỹ cả, bất kể tầng lớp hay địa vị xã hội. Khi và chỉ khi hiểu được điều này, mọi người mới thật sự trút bỏ được cái "sân si" của mình mà tìm được bình an. Bản thân chúng ta vốn không hoàn mỹ thì lý gì lại cho rằng chúng ta lại cao hơn người khác một nấc chỉ vì họ làm điều mà chúng ta không thích.

Có người nhai chóp chép vì thói quen, có người mang dép lê lẹt xẹt vì thói quen, có người uống nước lại phát ra tiếng ừng ực cũng vì thói quen. Những thói quen này hãy để họ tự nhận ra hoặc nếu có góp ý thì hãy dùng chân tâm và lời nói ý nhị, thay vì tìm cách chỉ trích và đánh giá cả nhân phẩm của họ bằng lăng kính cá nhân. Biết đâu họ đang cố gắng sửa chữa mà mãi chưa được, biết đâu họ có một thói quen xấu nhưng lại có đến chín phẩm chất tốt. Và cũng biết đâu, chính bạn đang sở hữu một thói quen cực xấu mà không biết vì xung quanh mọi người đang để bạn tự nhận ra. 

Qua câu chuyện, hy vọng đừng ai vội vàng phát xét đánh giá nhân phẩm của người khác chỉ vì họ có một thói quen không hợp ý mình!

Chia sẻ