Không cho con làm việc nhà, cha mẹ đã tước đi cơ hội xây dựng nền móng để con trở thành người sống có trách nhiệm trong tương lai
"Thôi, ra kia chơi để mẹ làm cho nhanh" - Câu từ chối nghe thì nhẹ nhàng, hợp tình hợp lý nhưng cha mẹ có biết như thế đã vô tình tước đi cơ hội dạy con một đức tính tốt đẹp được nhiều người yêu quý.
Có rất nhiều cha mẹ than phiền rằng nhà có trẻ nhỏ là không bao giờ được yên, bởi con hiếu động, tò mò, thích chui rúc và sẵn sàng phá mọi thứ trong tầm tay. Nhất là những lúc cha mẹ làm mãi không hết việc mà con thì cứ lăn vào đòi làm cái này, giành làm cái kia. Thật tâm mà nói, cha mẹ nào cũng muốn cho con làm, nhưng cứ nghĩ đến cảnh phải dọn "bãi chiến trường", lại tặc lưỡi "thôi, ra kia chơi để mẹ làm cho mau".
Câu từ chối nghe thì nhẹ nhàng, hợp tình hợp lý, nhưng cha mẹ có biết rằng bạn đã vô tình tước đi cơ hội dạy con trở thành một người sống có trách nhiệm trong tương lai. Vì các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ nhỏ hoàn toàn có thể làm việc nhà phù hợp với lứa tuổi. Và đây được xem là tiền đề để con tiếp tục làm trong những năm thiếu niên và trưởng thành của mình.
Con là một đứa trẻ lộn xộn hay là "tay sai vặt" tuyệt vời đều tùy thuộc vào "cách sử dụng" của cha mẹ
Hầu hết mọi người đều cho rằng trẻ nhỏ thì biết gì mà phụ với giúp công việc nhà, nên họ thẳng thừng từ chối lời đề nghị giúp đỡ. Bởi để con làm chỉ tổ mất công phải dọn dẹp và làm lại từ đầu, nên thôi, mình làm loáng cái là xong. Còn có một bộ phận cha mẹ yêu cầu con làm việc nhà bằng cách hối lộ, hoặc nài ép bằng đe dọa, bằng hình phạt.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Tiến sĩ Rheingold thuộc Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, bản năng tự nhiên của trẻ nhỏ là mong muốn được giúp đỡ người khác. Và nếu ngay từ khi còn bé, cha mẹ đồng ý cho con tham gia vào công việc nhà thì khi lớn lên sẽ trở thành người sống có trách nhiệm và biết giúp đỡ người khác.
Để chứng minh điều này, Tiến sĩ Rheingold đã quan sát các em bé ở độ 18, 24 và 30 tháng tuổi tương tác với cha mẹ. Cô nhận ra rằng hầu hết các cha mẹ đều làm các công việc nhà thường xuyên như lau bụi, quét nhà hoặc nhặt đồ vật trên sàn và sắp xếp một mình mà không hề yêu cầu con giúp đỡ bằng mọi cách. Sau đó, họ được hướng dẫn cụ thể để thực hiện từng việc với tốc độ chậm và cho phép con của mình tham gia giúp đỡ nếu muốn.
Cuối cùng, tất cả 80 đứa trẻ đều tự nguyện và vui vẻ giúp đỡ cha mẹ một nửa các công việc trong sự háo hức và hào hứng. Điều này chứng tỏ, trẻ tuy nhỏ những vẫn có thể làm được rất nhiều công việc để phụ giúp cha mẹ.
Trên thực tế, có rất nhiều đất nước có nền văn hóa giáo dục trẻ em với phương châm "tuổi nhỏ làm việc nhỏ", chẳng hạn như cha mẹ Do Thái, cha mẹ Mỹ hay cha mẹ Mexico… Cha mẹ trong các cộng đồng này luôn dạy con phải tự nguyện làm việc nhà như tất cả mọi thành viên khác trong gia đình, chứ không phải trên cương vị người giúp đỡ ngay cả khi con còn bé tí và dù sau đó họ mất thời gian dọn dẹp lại.
Các cha mẹ thông thái biết rằng khi được tham gia vào công việc nhà, con không chỉ cảm thấy hài lòng sau khi hoàn thành tốt công việc, mà còn tiếp tục đề nghị được giúp đỡ người khác. Đức tính này sẽ theo trẻ đi đến hết cuộc đời.
Con giúp cha mẹ vì con muốn làm điều đó chứ không phải vì phần thưởng
Cha mẹ xin đừng nghĩ rằng con giúp mình chỉ vì muốn được ăn kẹo. Trong suy nghĩ của con, đây là cách hữu ích để tăng cường sự liên kết với cha mẹ. Trong thực tế, nếu sự giúp đỡ của trẻ được khen thưởng, chúng thường sẽ ít tình nguyện hơn so với nhận được một nụ cười và một lời cảm ơn từ cha mẹ. Đơn giản vì con hiểu bạn đã ghi nhận những nỗ lực mà mình đã bỏ ra.
Vì vậy, cha mẹ hãy luôn tâm niệm rằng: đối với con, được cha mẹ ghi nhận sự cố gắng với lòng biết ơn có giá trị hơn phần thưởng rất nhiều. Và đây cũng là cách cha mẹ dạy trẻ về lòng vị tha và biết ơn người khác.
Nguồn: B.S