Khốn khổ vì cô em vợ “khó đỡ”
Chiều bố mẹ vợ, chiều vợ thì đã đành, nay lại còn chiều cả em vợ nữa thì đúng thật là không còn nỗi khổ nào bằng.
Em vợ - nhân vật tưởng chừng như mờ nhạt trong gia đình nhưng kỳ thực lại có sức ảnh hưởng không hề nhỏ. Trên thực tế, đã có không ít những câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra khi trong gia đình có sự hiện diện của những cô em vợ thuộc dạng “khó chiều”.
Nhắc tới chủ đề: em vợ, Dũng gần như không bao giờ dám tham gia bàn luận vì sợ phải lục lại chuyện cũ. Số là Ngân – cô em duy nhất của vợ Dũng đúng thật là một cô nàng quái chiêu, khi nào cũng nghĩ ra đủ trò để “hành hạ” ông anh rể quý hóa. Từ những ngày đầu tiên khi hai người mới quen nhau, Ngân đã vài lần khiến người yêu của chị gái “sợ khiếp vía” vì những chiêu trò độc nhất vô nhị của mình.
“Ngay từ khi tôi bắt đầu mon men tới tán tỉnh vợ, đã gặp ngay đá tảng ngáng đường là cô em vợ. Không phải bố mẹ tôi đâu, nhưng còn khiến tôi thất kinh hơn nhiều. Ai đời vừa bước chân vào nhà, đã thấy cô em chạy loăng quăng lườm nguýt, dò xét từ đầu tới chân, miệng còn lẩm bẩm cố tình để tôi nghe thấy, nào là chê tôi già, xấu, ăn mặc thảm họa... Hôm ăn bữa cơm đầu tiên tại nhà vợ, tôi thì cố vui vẻ lấy lòng bố mẹ vợ mà cô em thì mặt khó đăm đăm, nói câu nào cũng khiến tôi “chết đứng” câu ấy, đến mức ăn vội được miếng cơm mà cứ nghèn nghẹn ở cổ họng, không tài nào trôi xuống được. Trước khi về, cô em vợ tôi còn tuyên bố một câu xanh rờn, đại ý là chê tôi không xứng với chị gái và muốn tôi phải cố gắng hơn nhiều: Anh á, muốn cưa chị thì em phải đổ trước đã nhé!”, Dũng nhăn mặt khi nhắc lại kỷ niệm xưa.
Suốt quãng thời gian 3 năm trời theo đuổi vợ, Dũng đã không ít lần nếm trái đắng với những chiêu trò tai quái không tài nào đoán trước của cô em “mama tổng quản”. Từ việc thay bố quản lý giờ giấc chị gái đến việc năm lần bảy lượt nằng nặc đòi chị phải chia tay anh người yêu đáng ghét. Nhớ nhất trong đời có lẽ là khi tình yêu của Dũng và vợ đang ở giai đoạn nước rút, chỉ còn một chút nữa thôi là đám cưới của hai người sẽ diễn ra. Đó cũng là khi mà cô em vợ khó chiều lại lấy cớ sinh sự.
“Vì ghét tôi nên cô bé ấy còn ngấm ngầm móc ngoặc với người yêu cũ của vợ để chia rẽ anh chị. Ngày tôi đến xin phép bố mẹ vợ để cho gia đình tôi sang nói chuyện người lớn, vào nhà đã thấy có chút không khí là lạ rồi hơi hẫng hụt khi nhìn thấy anh chàng người cũ của vợ đang ngồi nói chuyện với cả nhà rất vui vẻ. Tôi đoán ra ngay là trò ly gián của em vợ, đánh trúng tim đen tôi vì biết thừa bố mẹ vợ tôi vẫn thích anh chàng kia hơn mình. Vài lần như thế, tôi cũng nản. May sao mà vợ tôi tinh ý “bật đèn xanh”, giúp tôi gỡ rối vụ đó nên đám cưới mới tổ chức sớm được chứ không thì có lẽ đến giờ tôi vẫn mới chỉ dừng ở vòng gửi xe mất”, Dũng mếu máo giãi bày nỗi khổ.
Cùng cảnh ngộ như Dũng, Khang cũng là nạn nhân của “tập thể các cô em vợ” quý hóa. Vợ Khang là con gái cả, dưới còn 4 cô em gái sàn sàn tuổi nhau, cô thứ hai năm nay gần 30 còn cô út chỉ vừa mới tốt nghiệp cấp 3. Hai vợ chồng Khang chắt bóp mua được một căn hộ chung cư nhỏ ở khá xa thành phố. Trong 4 cô em vợ, hai cô đầu đã lên nhà anh chị sống cùng từ lâu để tiện cho việc đi làm.
Biết là bất tiện nhưng vì muốn tiết kiệm chi phí và nhà bố mẹ vợ ở quê cũng không dư dả gì nên Khang cũng miễn cưỡng chấp thuận để vợ vui lòng. Chỉ có điều, cuộc sống chung với “2 nàng tiên” cũng nhiều khi khiến Khang phải điên đầu. Hai cô em vợ tính tình cũng khá ôn hòa, dễ chịu nhưng cùng có điểm chung là sự hồn nhiên đến khó tả. Nhiều khi, vì sự hồn nhiên này mà Khang có cảm tưởng như các cô em đã quên béng đi mất rằng ngôi nhà mình đang sống còn có một người đàn ông tên là anh rể.
Nhà có hai phòng thì hai vợ chồng Khang nằm một phòng, 2 cô em ở chung một phòng nhưng vì tính hai cô không hợp nhau nên thường xuyên gây gổ rồi đòi ở riêng. “Có những hôm đi làm về mệt mỏi, vừa bước vào nhà đã thấy chăn gối bay vèo vèo, vợ tôi thì đang cố gắng khuyên giải hai cô em vợ mặt đỏ như gà chọi. Rồi một lúc sau, hai cô mỗi người vào một phòng, vợ tôi méo xệch ra kể lể với chồng về tình hình chiến sự rồi xin phép hôm nay để hai đứa ở riêng, chồng ngủ tạm phòng khách. Không nỡ làm vợ mất vui, tôi đành lủi thủi vào phòng lấy chăn gối ra ngủ trên chiếc sofa cũ mèm, cả đêm không tài nào ngủ nổi vì ê ẩm hết người ngợm. Chuyện xảy ra thường xuyên đến mức có khi đi làm về tôi lại tự động vào phòng chuẩn bị sẵn đồ, để lát nữa có chiến sự thì đỡ phải di chuyển chỗ ngủ”, Khang ngán ngẩm kể.
Không chỉ thế, ngôi nhà có thêm hai cô em vợ cũng mang đến khá nhiều phiền toái khiến Khang lắm phen hốt hoảng. Một trong hai cô đang ôn thi năm thứ 2 Đại học, chẳng còn bé bỏng gì nhưng cách sinh hoạt thì vô ý đến không tưởng, cô đặc biệt thích thời trang “thả rông ngực”, ăn mặc hớ hênh chạy lăng xăng trong nhà.
“Ban ngày đi làm thì còn đỡ, đến tối về, nhất là đúng bữa cơm, tôi thật tình không dám ngẩng lên nhìn vì… ngại đụng trúng thứ không được phép nhìn. Thôi thì đành và vội bát cơm rồi đứng dậy, lâu ngày như thế, chắc không sớm thì muộn, kiểu gì cũng đau dạ dày. Hôm khác thì suýt đau tim khi mở cửa nhà vệ sinh thấy trên giá treo tòng teng một cặp “kính chuồn chuồn” màu đỏ rực rỡ của cô em vợ nào đó, quần bé thì vứt chỏng chơ trên sàn nhà. Hết hồn hết vía, lại phải ý tứ khép cửa lại rồi coi như chưa nhìn thấy gì”, Khang than thở. Chưa có nỗi khổ nào bằng nỗi khổ này, chàng anh rể lại vừa nhận được tin sét đánh là chỉ vài tuần nữa, nhà lại đón thêm cô em thứ 3 chuẩn bị lên thi Đại học, “có lẽ hai vợ chồng ra thuê nhà ở riêng quá!”, Khang kêu trời.