Khốn khổ vì chồng sĩ diện

Lý Thu,
Chia sẻ

“Em buồn cười! Cả năm cô ấy mới lên có một lần, lại ở quê ra, em đừng có chi li quá, mình phải chứng tỏ cho cô ấy biết để cô ấy về còn có cái mà khoe chứ!”.

Bạn bè lâu ngày không gặp cứ nghĩ anh Quang (đường Bưởi, Hà Nội) khá giả lắm vì trong mỗi cuộc vui thì lúc nào anh cũng là người chủ trì kiêm cả chủ chi. Anh luôn sẵn sàng “chơi tới bến” đáp ứng mọi yêu cầu “tăng hai”, “tăng ba” của bạn bè dù ngày hôm sau không còn đồng nào trong túi.

Không những thế, để tỏ ra hào phóng, anh không ngại chi mạnh tay cho cả con cái của bạn bè. Có lần, cả nhà anh đến nhà anh Tiến – bạn thân của anh chơi, thấy con anh Tiến cứ nằng nặc đòi mua khẩu súng đồ chơi mà chưa được đồng ý, thế là như “cá gặp nước” anh Quang không ngần ngại cho cháu tiền bởi theo anh “để con trẻ vui, tiếc gì mấy đồng”. Điều đáng nói là, trước đó con gái anh đã mỏi miệng khóc lên khóc xuống, mà bố cũng không mua cho con búp bê nó thích. Chị Tuyết - vợ anh Quang nhiều lần phải chứng kiến những tình huống như thế thì vừa tức, vừa tủi thân vì “con mình thì không có mà chơi, trong khi con người dưng thì thừa mứa vì thói vung tay quá trán của chồng”.

Cũng rơi vào tình trạng dở khóc dở cười như chị Tuyết, chị Linh (Ba Đình, Hà Nội) luôn phải căng như dây đàn, vì tính sĩ diện của chồng. Chồng chị đi đến đâu cũng tỏ ra mình là người hiểu rộng, biết nhiều, đã đi chỗ này, đã rõ điều nọ, đã thường thức món kia... Trong khi thực tế là với đồng lương “còm” của anh chị, thì chỉ có thể biết những thứ đó qua… màn ảnh nhỏ. Phương châm của anh Kiên, chồng chị Linh là “không để bạn bè coi thường”, thế nên nhân dịp sinh nhật vợ, anh Kiên mời mọi người đi ăn ở một nhà hàng hải sản có tiếng ở phố Tràng Thi. Vì bạn bè đông trong khi số món lại có hạn, nên suốt tối hôm đó, chị Linh luôn trong tình trạng “nhịn miệng đãi khách” đến cuối buổi chị gần như chết lặng khi thấy hóa đơn thanh toán gấp mấy lần cả tiền lương tháng của hai vợ chồng. Vừa đói, vừa tức, có lẽ đó là sinh nhật kém vui nhất trong cuộc đời chị.
 

Suốt ngày phải nghe chị ca thán về tính “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” của anh rể nên Hoa (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) đã rất vui khi yêu được một anh chàng tính tình cởi mở, phóng khoáng. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, đó là khi Hoa phát hiện ra chồng mình luôn phóng khoáng một cách quá đà để thể hiện “đẳng cấp”.

Mùa hè trước, người em họ ở dười quê lên, ở nhờ để chuẩn bị ôn thi đại học, Hoa chỉ nghĩ lo cho em chỗ ở và ăn uống tốt để em yên tâm học hành là được rồi. Nhưng không, chồng Hoa lý sự: “Em buồn cười nhỉ! Cả năm cô ấy mới lên có một lần, lại ở quê ra, em đừng có khẹt nẹt quá, mình phải chứng tỏ cho cô ấy biết ở thủ đô sướng ra sao, để cô ấy về còn có cái mà khoe chứ!”. Thế là “cái sướng” ấy được hiện thực hóa bằng những lần dẫn cô ấy đi mua quần áo, giày dép, rồi đi ăn những món ngon, đi thăm những danh thắng ở Hà Nội, làm cho cô em chẳng thể chuyên tâm vào việc học. Hơn thể để thể hiện đẳng cấp thành phố của mình, chồng Hoa đã bắt taxi cho cô em họ đi đi về về từ lớp học ôn về nhà.

Khi lấy chồng, người phụ nữ nào cũng mong muốn chồng mình tính tình cởi mở, phóng khoáng nhưng khi mọi thứ trở nên quá đà, vượt qua khả năng cho phép thì lúc đó mọi chuyện trở nên rắc rối. Trong tình huống này, người vợ cần nhẹ nhàng phân tích, tranh thủ những lúc chồng đang vui vẻ để  khuyên chồng biết tiết chế, tránh thể hiện sự bực dọc, cáu bẳn trong lúc chồng đang “hứng chí” vì những người thích sĩ diện thường có lòng tự trọng rất cao cho nên, cách khôn ngoan là những người vợ hãy học cách chung sống hòa bình với “lũ”.

Chia sẻ