Phát sợ vì chồng “sạch từng centimet”

Theo Giadinhnet,
Chia sẻ

Tính ngăn nắp, chu đáo của chồng trước đây khiến Minh yêu là thế nhưng bây giờ chị lại thấy… phiền.

Chồng quá sạch nên nhiều khi chị thấy mình như đang sống với… cái “máy soi” - “Máy soi” đến đâu thấy chỗ nào cũng chưa sạch, khiến chị thật sự căng thẳng. Sự căng thẳng đó không chỉ diễn ra trong cuộc sống thường nhật mà trên cả giường ngủ. Người vợ trẻ mất dần cảm xúc vì sự kỹ tính quá của “đức lang quân”.
 
Mất hứng vì... quá sạch

Chị Hiền Minh, phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội “may mắn” sở hữu một đức lang quân sạch đến từng centimet than thở: “Giá như anh ấy bớt sạch, bớt kỹ tính một chút thì cuộc sống của em sẽ dễ thở hơn nhiều. Ngày yêu nhau, thấy anh ấy sạch sẽ em nghĩ mình sẽ được nhờ vì tính em vốn luộm thuộm. Lấy chồng sạch sẽ, bù đắp cho nhau. Không ngờ sau ngày cưới phải sống chung với bố mẹ chồng, anh ấy tuyệt nhiên không đụng tay vào bất cứ việc gì trong nhà mà “nhường” tất cho em. Anh ấy chỉ có mỗi việc là “soi” vợ hộ mẹ. Anh ấy giải thích: Vì không muốn để mẹ có ấn tượng không tốt về nàng dâu nên anh ấy soi hộ để nhắc vợ. Nhiều lúc căng thẳng quá, em nói thì anh ấy bảo: “Anh đang giúp em đấy chứ, để mẹ biết, em còn mệt hơn!?”. Em thì không thấy thế. Anh ấy “soi” kỹ quá, lúc em thấy mình như đang làm nô lệ cho cả nhà chồng. Chỉ suy nghĩ đó thôi là em thấy anh ấy mất đi sự đáng yêu, tình cảm vợ chồng dần xa cách. Thậm chí, sự căng thẳng đó theo em lên cả phòng ngủ, em mất dần cảm xúc khi gần gũi”.

Hiền Minh tiếp lời: Đôi lúc vợ chồng lên giường rồi, anh chồng còn “soi”: “Em rửa tay chưa sạch. Người toàn mùi nước rửa bát. Khiếp quá!!!”- Vài lần, ức chế em cuốn gói về ngoại. Nhưng cứ sang nhà ngoại được buổi sáng, buổi chiều chồng lại ngon ngọt dỗ về. Nhưng rồi đâu lại vào đấy, lại bắt vợ dọn dẹp như giúp việc. Nào là bát, đũa, đĩa sau khi rửa phải phơi nắng, lau sạch rồi mới úp vào chạn, loại nào theo loại đó. Nhà ba tầng nhưng ngày nào cũng phải lau sàn bằng tay, đánh sân bằng bàn chải, từ cái vòi nước đến mọi ngóc ngách, đồ đạc trong nhà đều không được dính tóc, dính bụi... Thật sự em không muốn kể xấu chồng, nhưng mệt mỏi quá. Không tuần nào chúng em không cãi nhau vài lần vì những chuyện vặt vãnh trong nhà.
 

Với em, những điểm khác biệt trong thói quen sinh hoạt của chồng thì vẫn chấp nhận. Nhưng tại sao anh ấy không biết chấp nhận thói quen của vợ. Em đã cố gắng rất nhiều, thay đổi rất nhiều theo cách của chồng. Nhưng càng ngày càng cảm thấy dường như đòi hỏi của chồng là vô tận. Giờ đây làm việc gì cũng canh cánh lo lại bị chồng nhắc nhở. Căng thẳng quá nên em cũng chả tha thiết gì đến “chuyện ấy” nữa - chị Minh ngậm ngùi.

Đứng dưới đỉnh Olympia mà... nhìn
 
Chị Trần Thu Lan, giảng viên một trường ĐH tại Hà Nội, cùng cảnh với Hiền Minh chia sẻ: “Ông trời khéo ghép cho tôi ông chồng vừa tinh mắt, vừa kỹ tính, vừa hay xét nét. Từ chuyện sắp xếp chén trên bàn đến cách để cái nồi cơm điện nơi phòng bếp, cái gối phòng ngủ anh ấy cũng “soi”. Khi thì chê chén để lung tung, không thẳng hàng, thẳng lối. Lúc lại bảo bát rửa vẫn còn dơ, nhà đi chân còn thấy nhám, gối đặt không đúng kiểu... Cái gì cũng muốn trắng tinh, ngăn nắp, thẳng tắp... đã thế anh ấy còn muốn cái gì cũng đúng “qui lát”. Chẳng hạn như ăn cơm đúng 7h30, tắm cho con trước 7h, dạy con học và đi ngủ lúc 9h... Nếu không đúng ý, anh ấy lại càu nhàu, cằn nhằn cả buổi làm không khí gia đình căng thẳng. Tôi muốn yên nhà, yên cửa nên cố gắng làm cho bằng hết; Thành ra tự biến mình thành ôsin lúc nào chả hay!?  Rồi cả chuyện vợ chồng gần gũi nhau, “lão ấy” cũng muốn phải đúng giờ”.

Chị Lan bức xúc: “Lão ấy” đòi hỏi một cách quá mức trong sinh hoạt hằng ngày làm tôi cứ phải lăn lưng ra. Còn trong phòng ngủ, “lão ấy” cũng yêu cầu vợ phải được như ý chẳng hạn như mặc phải thật đẹp, nuột nà mỗi khi lên giường và phải biết cách “chiều” chồng nữa. Nhưng chị bảo đi làm về, làm từng ấy việc theo ý chồng, người ngợm “bã” ra, hơi sức đâu mà chiều nữa. Vừa mệt vừa ấm ức thì lúc lên giường làm sao còn thấy hứng thú nữa. Nhiều lần tôi nói: Anh nên chia sẻ việc nhà, em mà đỡ việc thì em sẽ “chiều” như ý anh nhưng anh ấy to tiếng: “Anh phải lo kiếm tiền. Chỉ trông chờ vào lương thì làm sao gia đình có cuộc sống như thế này”. Anh ấy nói thế, tôi đành chịu nhưng cứ như thế này thì cuộc sống vợ chồng căng thẳng lắm. Mà nhất là trong “chuyện đó” đã không thấy thoải mái, không hứng thú thì không thể “lên đỉnh Olympia được”.

Học cách thích ứng với “lũ”

Các chuyên gia cho rằng, sự khác nhau về nếp sinh hoạt là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng. Vì vậy, nếu không thay đổi được chồng thì hãy điều chỉnh chính mình. Nghĩa là thích nghi để chung sống lâu dài với “lũ”!

Bà Nguyễn Thị Ninh, Trung tâm tư vấn tình cảm Thanh Tâm – Hà Nội cho rằng: “Chúng ta phải thừa nhận một thực tế: Người đàn ông thành đạt là những người khá cầu toàn (không đồng nghĩa với người đàn ông giàu có). Hơn ai hết, họ luôn mong gia đình mình hoàn hảo. Tất nhiên đòi hỏi như trường hợp chồng chị Minh, chị Lan là hơi quá. Những ông chồng này đều mong vợ mình chu toàn nội trợ, chu đáo việc gia đình và cũng là người đàn bà thực thụ trong phòng ngủ... Trong trường hợp này người vợ phải hết sức nhẫn nại. Một mặt cố gắng có thể làm theo ý chồng được đến đâu thì chiều đến đó, mặt khác khi vợ chồng gần gũi hay chồng vui vẻ người vợ nên nhẹ nhàng tâm sự về nỗi lòng cũng như mong muốn của mình”.

Theo TS. Tâm lý học Jerry Gilles, Giảng viên Đại học HarvardJerry (Mỹ): Người vợ biết giữ hạnh phúc gia đình thì dù lấy phải ông chồng tự dưng trái tính trái nết, khó tính một cách vô lý đến mấy cũng sẽ nhìn ra nguyên nhân của vấn đề và có cách giải quyết thấu đáo.  

Các chuyên gia cũng chỉ ra: Những ông chồng kỹ tính thường có ưu điểm là rất chí thú, quan tâm đến gia đình. Tuy nhiên, các bà vợ cần chỉ ra cho chồng sự kỹ càng đó là một trong những lý do khiến không khí gia đình căng thẳng, cuộc sống lứa đôi bị phai nhạt nên các quí ông cũng nên “nhẹ bớt tông” để  vợ có tâm trạng  thoải mái và yêu thương sẽ nhiều hơn.
Chia sẻ