Khóc dở mếu dở khi phải mua hàng hiệu "second-hand" rởm trên mạng

Hà Hương,
Chia sẻ

Có không ít người sẵn sàng bỏ ra cả vài triệu để sắm cho mình một chiếc túi hiệu cũ đã qua sử dụng được giao bán trên mạng mà chưa hề cầm thử món đồ đó trên tay.

Từ nở rộ giao bán đồ cũ online

Thay vì bỏ đi hoặc đem ký gửi đồ cũ ở một số chợ, cửa hàng thì nhiều người chụp ảnh rồi đăng bán trên chính facebook của mình hoặc lên một diễn đàn nào đó, với họ điều này vừa đáp ứng nhu cầu cho người cần lại vừa mang về một khoản tiền nhỏ cho chính bản thân mình. 

Anh Dương Anh (Láng Hạ, Hà Nội) vừa chuyển nhà từ Láng Hạ sang chỗ ở mới tại Long Biên. Vì đồ đạc gia đình anh dùng đã lâu, “đã đến lúc phải mua đồ mới nên tôi có nhu cầu bán lại 1 số đồ vật trong phòng. Do nhiều đồ còn dùng được tốt, đem sang nhà mới thì cồng kềnh”, nên anh đã đăng ảnh lên trang cá nhân và rao bán với giá rẻ. Chỉ sau vài ngày, toàn bộ đồ sofa, bàn máy tính, bát đĩa… nhà anh đã được thanh lý một cách dễ dàng.

Không chỉ Dương Anh mà có rất nhiều người tận dụng những diễn đàn, Facebook cá nhân để thanh lý đồ mà mình không dùng đến nữa. Đồ vật bán thanh lý hết sức đa dạng từ cây lau nhà, cốc, chén, chậu, xô, ghế nhựa cho đến những thứ đắt tiền như tivi, tủ lạnh, bếp ga, lò nướng… Giá mỗi món khi thanh lý lại khá rẻ, chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng 1/4 giá mua ban đầu. Anh Dương Anh cho biết, mặc dù tiền bán thu lại chẳng được bao nhiêu nhưng thanh lý được cho người cần vừa không lãng phí nên anh cảm thấy thoải mái. 

Khóc dở mếu dở khi phải mua hàng hiệu
Nhiều chị em sẵn sàng bỏ tiền triệu để sắm đồ trên mạng (Ảnh minh họa)

Chị Xuân Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) là một tín đồ yêu thích và săn lùng những món đồ cũ tốt giá rẻ. Chị nhiệt tình chia sẻ về cái máy trộn bột mỳ chị mới mua trên mạng: “Tôi thích cái máy này từ rất lâu rồi bởi tính năng tuyệt vời của nó trong việc làm bánh hoặc tạo bọt cho Capuccino. Nhưng vì giá thành nó quá đắt khoảng gần 7 triệu đồng nên tôi chần chừ chưa mua. Một ngày tôi may mắn mua được một cái như mơ ước với giá chỉ hơn 1 triệu mà gần như mới tinh. Tôi dùng được hơn 1 năm rồi mà máy vẫn tốt vô cùng”.

Thời gian gần đây, ngoài đăng bán trên trang cá nhân, nhiều người còn lập hẳn nhóm (group) chuyên trao đổi, mua bán những đồ cũ trên mạng. Trên thế giới ảo này, không chỉ những đồ vật giá rẻ mà những đồ vật "sang chảnh" cũng được nhiều người săn lùng, ưa chuộng. 

Nhiều chị em còn có thói quen ngày nào cũng lướt mạng tìm kiếm quần áo hàng hiệu thanh lý cho mình. Chị Thùy Chi – Hoàng Quốc Việt, Hà Nội chia sẻ: “Trên facebook của tôi biết nhiều shop hàng hiệu. Thi thoảng họ lại bán ra một vài bộ đồ hiệu, túi xách hiệu dùng rồi, mới 95-98%, tôi toàn rình để mua. Giá tuy không quá rẻ nhưng so với giá trị thực của chúng thì tôi lời hơn hẳn".

Đến dở khóc dở mếu khi mua hàng hiệu "second-hand" rởm

Khánh Linh (Linh Đàm, Hà Nội) là một phụ nữ ăn mặc có gu. Với Linh, trở thành một fashionista không khó, "kể cả mua đồ cũ đã qua sử dụng hay hàng thùng mà biết cách ăn mặc thì bạn vẫn đẹp", Linh nói vậy. Thế nhưng sau cú "phốt" vừa rồi, Linh quyết định dừng việc mua đồ cũ trên mạng nữa bởi vì "nó thực sự rắc rối".

Chị chia sẻ: "Tôi từng nhiều lần mua quần áo đã qua sử dụng trên mạng nhất là hàng hiệu đã qua sử dụng nhưng sau vài tai nạn gặp phải, tôi không dám mua thêm nữa, nhất là mua những nơi không uy tín".

Khóc dở mếu dở khi phải mua hàng hiệu
Không ít người mếu dở khi bỏ tiền thật nhưng mua phải đồ rởm

Chị kể, mới đây đã đặt niềm tin vào một shop đồ online mà bạn chị giới thiệu. Shop này chuyên bán đồ xịn xách tay từ Mỹ về, bên cạnh những chiếc túi hàng chục triệu đồng như LV, Hermes, Chanel, Prada, Burberry... thì shop có bán 1 chiếc túi hiệu Louis Vuiton đã qua sử dụng mới 98%, giá mới là 16 triệu, giá giảm còn 6 triệu. 

6 triệu không phải là số tiền nhỏ nhưng vì thấy shop có lượng khách like lớn, lại nhìn có vẻ chuyên nghiệp, Linh quyết định móc ví mua. Thế nhưng khi hàng về tới tay, chị khẳng định đây là hàng rởm, vết may rõ là hàng nhái, không tinh tế, màu thì nhờ nhờ, mấy chỗ ố vàng loang lổ. Chị gọi đến chỗ người bán hàng thì họ nói tỉnh bơ: "Tôi gửi hàng cho chị rồi, biết đâu chị tráo hàng nhà tôi" rồi cúp máy. 

Các chợ đồ cũ trên mạng ra đời nhằm giúp nhiều người bán đi những món đồ đã qua sử dụng, người mua thì hào hứng vì tốn ít tiền mà đã sở hữu được món đồ hàng hiệu giá tốt, có món còn mới 80 – 90%. Tuy nhiên, đúng như chị Linh lo ngại, hình thức buôn bán đồ cũ này cũng tiềm ẩn nhiều cạm bẫy mà thiệt thòi thường thuộc về người mua khi món đồ “ring” về không đạt chất lượng như mong muốn.

Chị Thu Ngọc (Minh Khai, Hà Nội) ngán ngẩm khi nhớ lại "thương vụ" mua đôi giày da lộn của mình cách đây không lâu. “Nhìn trên facebook ảnh đôi giày đẹp long lanh, của hãng xịn, gia công bằng tay, dù hơn 4 triệu nhưng mình cứ cố mua. Ấy vậy mà ngay hôm đầu tiên xỏ vào, giày đã bong luôn cả đế, da thì sởn lên sởn xuống, nhìn biết ngay không phải da xịn như lời người bán quảng cáo. Nhưng khi phản ánh lại về chất lượng đôi giày mình vừa mua, mình chán luôn vì nhận được câu nói tỉnh bơ của người bán: 'tiền trao cháo múc, có thế mà không hiểu à?' Biết là lời qua tiếng lại cũng chẳng giải quyết được việc gì nên mình cũng đành nín nhịn", chị ấm ức kể lại.

Mua hàng trên mạng, nhiều người nhìn ảnh thấy ưng mắt, giá cả nằm trong phạm vi cho phép là họ có thể xúc tiến luôn việc mua bán, thương thảo giữa hai bên. Cũng vì mua bán trên mạng dựa trên niềm tin, không có sự ràng buộc nào nên khách hàng rất dễ bị rơi vào tròng, mua nhầm hàng chất lượng kém.
Chia sẻ