Sợ bị tận thu, đóng cửa hàng trên Facebook?
Nhiều người cho hay chỉ bán hàng chơi kiếm tiền tiêu vặt qua Facebook, nếu bị tận thu hoặc phức tạp quá thì sẽ đóng cửa. Ngành thuế cũng thừa nhận việc thu thuế kinh doanh trên Facebook là cần thiết nhưng thực hiện không hề dễ dàng.
Thông tin kinh doanh qua Facebook phải nộp thuế khiến cộng đồng mạng ngỡ ngàng.
Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin xác nhận, theo Thông tư 47 và Nghị định 52, chỉ những đơn vị nào kinh doanh trên mạng xã hội theo hình thức sàn giao dịch điện tử mới phải đăng ký và thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Sàn giao dịch điện tử có những hoạt động đặc trưng như cho phép người tham gia được mở gian hàng, lập website nhánh để đăng tin quảng cáo và bán hàng.
Mục đích của Bộ Công Thương là nhằm kiểm soát chất lượng hàng hoá, phòng ngừa các gian lận thương mại, lừa đảo có thể xảy ra như vụ công ty Mua bán 24...
Theo Bộ Công Thương, đối tượng nào kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế thì dù kinh doanh trên mạng xã hội cũng vẫn phải nộp.
Hiện này có hàng trăm ngàn Facebook có bản chất như sàn giao dịch điện tử. Các gian hàng ảo chính các thành viên tham gia được phép tự do post (đăng) bài quảng cáo bán hàng của mình.
Tuy nhiên, khác với một website dưới dạng sàn giao dịch thương mại điện tử, quan hệ giữa admin với các thành viên của trang lập ra rất lỏng lẻo, nếu không nói là gần như không có ràng buộc trách nhiệm về quyền lợi kinh tế.
Nhưng theo đúng nguyên tắc thì các chủ Facebook này sẽ phải đăng ký như một sàn giao dịch thương mại điện tử với Cục.
Thành Nguyên, admin của Facebook Mua bán uy tín toàn quốc chia sẻ: "Chúng tôi có hàng trăm ngàn thành viên tham gia nhưng đều là đăng ký tự do, Ban quản trị không thu phí gì cả. Trên mạng cũng có hàng trăm ngàn người mở Facebook bán hàng như vậy nên tôi nghĩ là quản lý như vậy sẽ không khả thi".
Trên thực tế, rất khó kiểm soát những chủ nhân Facebook này vì tính chất "ảo" và tính cá nhân cao. Chủ trang có thể là một hoặc nhiều người làm admin. Bộ Công Thương cũng khó có cơ sở khoa học kỹ thuật để "đóng cửa" hay truy trách nhiệm Facebook dạng này như việc rút giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử.
Nguyên cho biết, ban quản trị sẽ không chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá mà các thành viên đăng tin.
Hiện có gần 380.974 thành viên tham gia Facebook này, chào hàng rất sôi động. Nhiều thành viên là những chủ shop hàng hoá có trụ sở, cửa hàng trên thực tế như Cửa hàng điện lạnh Lê Hoàng ở TP.HCM và Long An, shop Minh Phương bán đai quấn giảm báo ở Thanh Trì, Hà Nội, hoặc các Facebook chuyên bán hàng online như Thời trang trẻ, Váy xinh...
Nguyên chia sẻ: "Tính chất tự do như vậy mà phải đăng ký như một sàn giao dịch thương mại điện tử thì có thể chúng tôi sẽ bỏ luôn hình thức Facebook này".
Một chủ Facebook khác mang tên Minh Minh cũng quả quyết: "Chỉ là làm chơi chơi thôi, nếu Nhà nước thu thuế, đăng ký phức tạp thì có thể, nhiều trang sẽ đóng cửa luôn".
Từ hai tháng nay, Minh Minh rao bán đồng hồ thời trang trên Facebook của mình. Cô nói: "Mỗi tuần, mình bán được khoảng 5-6 cái, mỗi cái chỉ lãi 50.000-100.000 đồng. Một tháng thu nhập thêm nếm này được khoảng 1-2 triệu đồng, chỉ đủ tiêu vặt, nói chi đến nộp thuế".
Công việc chính của Minh Minh là quản lý một cửa hàng cafe tại đường Cách mạng Tháng Tám, Bình Dương.
Đúng nhưng thực hiện khó
Một lãnh đạo Tổng cục Thuế chia sẻ, việc đánh thuế khi kinh doanh trên mạng xã hội không phải là một loại thuế mới. Bản chất chính là liên quan đến thuế thu nhập cá nhân.
"Thay vì anh mang hàng đến chợ để trao đổi giao dịch thì anh mang đến ‘chợ ảo’ để bán hàng. Dù là admin hay thành viên tham gia, nếu các cá nhân này có lãi thì sẽ phải nộp thuế", bà nói.
Hiện nay, có hai cách thu thuế, một là thu thuế bằng phương pháp khấu trừ tại nguồn, tức là cơ quan, tổ chức chi trả thu nhập cho các cá nhân thì đồng thời, khấu trừ thuế như một loại thu nhập vãng lai.
Cách thứ hai là các cá nhân này phải kê khai thuế để nộp.
Các mức đóng thuế cũng đã được quy định rất rõ. Theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều các Luật về thuế có hiệu lực, từ 1/1/2015, thuế thu nhập cá nhân của cá nhân kinh doanh sẽ được tính theo tỷ lệ phần trăm dựa trên doanh thu tuỳ ngành hàng.
Trong đó, thấp nhất là lĩnh vực phân phối, cung cấp hàng hóa chỉ chịu thuế 0,5%; dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu chịu thuế 2%; hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp là 5%; sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 1,5% và các hoạt động kinh doanh khác: 1%.
Các cá nhân kinh doanh cũng có thể được nộp theo biểu thuế luỹ tiến từng phần dựa trên thu nhập thực sau khi giảm trừ gia cảnh. Những người có thu nhập bình quân dưới 9 triệu/tháng sẽ được miễn.
Ngoài ra, với thuế giá trị gia tăng, các cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu cũng không phải kê khai, nộp thuế này.
Do đó, hoạt động kinh doanh trên Facebook phải có quy mô lớn mới đến các ngưỡng phải nộp thuế. Nếu các chủ trang Facebook đã đồng thời là là chủ các doanh nghiệp, coi Facebook chỉ là một kênh maketing thì những đơn vị này đương nhiên đã phải bị quản lý theo Luật doanh nghiệp.
Lãnh đạo ngành thuế thừa nhận, quy định là đúng, cần thiết nhưng thực hiện rất khó khăn. Không phải chỉ riêng câu chuyện thu thuế từ hoạt động kinh doanh trên Facebook. Nhiều người dân có thu nhập 2-3 nơi, nhưng nếu không chủ động kê khai thuế đầy đủ, cơ quan thuế không có dữ liệu chứng minh được thì sẽ không thể thu được.
Rõ ràng, chủ trương quản lý, kiểm soát kinh doanh qua mạng xã hội chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.