"Khóc cạn lời" vì da mặt đỏ rát, đầy mụn sau khi sử dụng mỹ phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc

Mộc Cát,
Chia sẻ

Muốn làm đẹp nhưng lại mua mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường, các chị em đã phải rước họa vào thân.

Nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng cao của phụ nữ Việt Nam khiến thị trường mỹ phẩm vì thế cũng trở nên đa dạng và khó lường. Hàng ngàn loại kem dưỡng da, kem trị mụn, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo liên tục xuất hiện, trôi nổi trên thị trường.

Đáng chú ý do tìm hiểu không kỹ càng, ham rẻ và tin vào những lời quảng cáo đường mật mà nhiều chị em sẵn sàng sử dụng những sản phẩm này. 

Chỉ sau một thời gian ngắn, thay vì đẹp lên như mong muốn, nhiều người tá hỏa phát hiện khuôn mặt bị biến dạng, mất rất nhiều tiền bạc, thời gian để vào bệnh viện điều trị.

Mua kem dỏm về xài, từ vài mẩn đỏ thành “sa mạc” mụn

Cách đây khoảng 1 tháng, chị Trần Thị S. (22 tuổi, quê Tiền Giang) đến khám tại phòng khám Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD). Theo lời kể của chị, buổi sáng sau khi thức dậy, chị S. thấy da mặt đột nhiên xuất hiện vài mẩn đỏ kèm ngứa. 

Sau đó, chị S. đã tự ra cửa hàng tìm mua mỹ phẩm. Đến một tiệm mỹ phẩm, được người bán rôm rả giới thiệu loại kem dùng rất tốt cho da, trị hết ngứa, hết nổi mẩn đỏ nhanh chóng, đồng thời còn dưỡng da và làm trắng da, chị S. thấy hấp dẫn quá nên mua về ngay lập tức.

5
Từ vài mẩn đỏ, mụn đã lan toàn khuôn mặt vì sử dụng kem "dỏm".

Nhưng sau 2 tuần sử dụng liên tiếp, thay vì hết mẩn đỏ, da mặt chị S. bắt đầu xuất hiện các mụn nước, bóng nước li ti khắp mặt, tình trạng đỏ da kèm bỏng rát ngày càng tăng. 

Mãi đến khi đến bệnh viện khám lâm sàng, làm các xét nghiệm và được chỉ định các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, các thuốc dưỡng da…, chị S. mới hoàn hồn khi da trở lại bình thường sau nửa tháng điều trị nghiêm ngặt.

Tương tự, chị Đ.A.T (25 tuổi), ở TP HCM vì tin tưởng vào các quảng cáo trên mạng mà mua mỹ phẩm trôi nổi với giá không hề rẻ về sử dụng. 

Trắng đẹp da chưa thấy đâu, tiền mất, tật mang, da chị nổi mẩn đỏ, bong vảy, và chi chít mụn. “Trước giờ da mặt em không bị nổi mụn. Một hôm đột nhiên thấy trên mặt nổi vài mẩn đỏ, em lo sợ không biết bị gì nhưng ngại đến khám bác sĩ nên đã lên internet tìm hiểu. Thấy một trang mạng giới thiệu một loại kem với quảng cáo là bôi vào sẽ hết nổi mẩn đỏ, hết ngứa và có tác dụng dưỡng da, trắng mịn da nên em đặt mua ngay, dù không rõ xuất xứ và giá đến 900 ngàn/ hộp. Sau khi bôi liên tục trong 1 tuần, da em không mịn mà tình trạng càng nặng nề hơn. Da xuất hiện đỏ, ngứa, cảm giác châm chích khắp mặt và đặc biệt là mụn nổi nhiều trên mặt, chị T. vừa xoa mặt vừa kể lại.

6
Da mặt bỏng rát, biến dạng vì dị ứng mỹ phẩm.

Cũng như trường hợp trước, chị T. được bác sĩ chỉ định sử dụng một số loại thuốc nhằm ổn định lại tình trạng da. Đồng thời, chị cũng được tư vấn để hiểu rõ hậu quả của việc tự ý điều trị với các sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Sợ già nhưng ham rẻ, “rước họa”

Với chị N.M.P. (45 tuổi, quê Cà Mau), nhận thấy mình đã ở độ tuổi trung niên, có “cảm giác” da mặt bị lão hóa nên muốn dùng một số loại mỹ phẩm để “hồi xuân”. Nhưng thay vì đến khám bác sĩ chuyên khoa, chị lại tự ý ra nhà thuốc Tây tìm mua những loại mỹ phẩm làm đẹp. 

Nghe người bán quảng cáo loại kem bôi có tác dụng dưỡng, làm trắng mịn da, chống lão hóa như mơ ước, đặc biệt giá chỉ... 55.000 đồng nhưng xài được cả tháng, chị P. mua về, thoa mỗi ngày một lần vào buổi tối trước khi ngủ.

4
Việc khuôn mặt trở nên xấu xí khiến nhiều phụ nữ mất tự tin khi đối diện với mọi người.

Những ngày đầu, chị P. thấy thật sự rất có hiệu quả đúng như lời giới thiệu của người bán. Tuy nhiên khoảng 3 tuần sau, da mặt chị lúc nào cũng ửng đỏ, cảm giác ngứa, châm chích khắp mặt, đồng thời bề mặt da bị mỏng dần đi. 

Đến khám tại phòng khám Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng tại BVĐHYD, chị P. tá hỏa khi nghe bác sĩ bảo loại kem mình đang xài có chứa chất corticoide (một chất tiềm ẩn nguy cơ gây tai biến cho da). 

Giờ đây ngoài sử dụng các thuốc chống dị ứng, kem dưỡng da theo chỉ định, chị P. không thể trang điểm, đồng thời không cho da tiếp xúc với nắng nếu không muốn bị nặng hơn.

Trao đổi với phóng viên, BS. Trần Thiên Tài (phòng khám Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, BV ĐHYD) cho biết, gần đây bệnh viện tiếp nhận rất nhiều người bệnh đến khám và điều trị da do sử dụng các loại mỹ phẩm không đúng cách, không rõ nguồn gốc và không theo chỉ định của bác sĩ.

3

BS. Trần Thiên Tài đang khám cho một bệnh nhân sử dụng kem không rõ nguồn gốc khiến khuôn mặt bỏng rát, biến dạng.

Thực tế cho thấy đại bộ phận người dân, đặc biệt là nữ giới rất ưa chuộng sử dụng mỹ phẩm, vì họ quan tâm đến vấn đề làm đẹp. Nếu như không tìm hiểu kỹ càng, người dùng sẽ mua phải các loại hàng giả, hàng kém chất lượng từ đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe” – BS. Tài nói.

BS. Tài chia sẻ, một số thành phần có thể gây kích ứng da, dị ứng da thường hiện diện trong các loại mỹ phẩm có thể kể đến như chất bảo quản (paraben, formaldehyde…), chất tạo màu, chất tạo mùi, retinol…

Riêng những loại mỹ phẩm “dỏm” không xuất xứ, không nhãn mác thì có thể có trộn thêm những thành phần rất độc hại cho da nếu sử dụng không đúng cách và trong thời gian dài (corticoide). 

Ngoài ra, tình trạng dị ứng còn phụ thuộc vào từng người, từng cá thể, thường gọi là “yếu tố cơ địa”. Các dấu hiệu thường thấy khi da bị kích ứng, dị ứng với mỹ phẩm là ngứa, nổi mẩn đỏ, cảm giác châm chích, bỏng rát, sưng phù, nổi mụn, bóng nước, bong vảy da…

2
Nên tránh xa những loại mỹ phẩm mà nguồn gốc không rõ ràng và nên tìm tới bác sĩ nếu gặp vấn đề về da, mụn. (Ảnh minh họa)

Để tránh tiền mất tật mang, trước khi sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm nào, chị em cần tìm hiểu kỹ xuất xứ, nguồn gốc. Tuyệt đối không nên dùng theo kiểu truyền miệng các loại sản phẩm tự bào chế mà chưa qua kiểm định. 

Các bác sĩ cũng khuyên chị em cần thử trước các phản ứng kích ứng, dị ứng bằng cách thoa 1 lượng nhỏ trên vùng da mặt trong cẳng tay, chờ đợi vài giờ đồng hồ xem có biểu hiện gì không rồi mới quyết định sử dụng mỹ phẩm.

Chia sẻ