Khoa học khẳng định: Các cặp vợ chồng thường xuyên tranh luận sẽ có mối quan hệ bền vững hơn vì 3 lý do này
Tranh luận hay thậm chí là cãi vã vốn chưa bao giờ là một việc tiêu cực, theo quan điểm của các nhà tâm lý học.
Nhắc đến chuyện tranh luận, cãi vã với chồng hoặc bạn trai, phần lớn mọi người thường nghĩ rằng đó là biểu hiện của một mối quan hệ đã đến hồi tàn. Mối quan hệ lành mạnh trong tư duy của nhiều người thường sẽ là cả hai ăn ý trong tất thảy mọi việc, chẳng bao giờ có chuyện "anh nói Đông, em nói Tây".
Tuy nhiên, các nhà tâm lý học lại có góc nhìn khác. Stephanie Sarkis - Chuyên gia tâm lý, đồng thời là tác giả cuốn sách Gaslighting: Recognize Manipulative and Emotionally Abusive People (Tạm dịch: Thao túng tâm lý: Cách nhận diện những người có hành vi lạm dụng tình cảm) khẳng định: "Tôi chưa từng thấy một cặp đôi, cặp vợ chồng nào có mối quan hệ lành mạnh, bền vững mà lại chưa từng tranh luận, cãi vã. Nói cách khác, nếu biết tranh luận, cãi vã đúng cách, đó hoàn toàn là cơ hội để hai người hiểu nhau hơn".
Sau đó, Stephanie Sarkis cũng chỉ ra 3 điều quan trọng mà các cặp đôi, cặp vợ chồng cần hiểu để biến những cuộc tranh luận, cãi vã thành đòn bẩy hạnh phúc.
1. Tranh luận hay cãi vã không có nghĩa là 2 người đang chiến đấu với nhau
"Đừng cãi vã hay đưa bất cứ vấn đề nào vào cuộc trò chuyện nếu bạn đang giữ trong lòng ham muốn chứng minh bản thân mình đúng, đối phương sai. Đó là những cuộc cãi vã, tranh luận vì cái tôi cá nhân chứ không phải vì muốn thúc đẩy mối quan hệ tới một trạng thái gắn kết sâu sắc hơn" - Stephanie Sarkis khẳng định.
Theo quan điểm của Stephanie Sarkis, việc hai cá thể hoàn toàn khác biệt chung sống chắc chắn không thể tránh khỏi những bất đồng. Có 2 nhóm người thường cãi vã khi xuất hiện bất đồng: Một nhóm luôn muốn chứng minh bản thân không sai - đồng nghĩa với việc đối phương sai hoàn toàn, một nhóm muốn dung hòa bất đồng thay vì rạch ròi chuyện đúng sai.
Và nhóm thứ 2 mới là những cặp đôi, cặp vợ chồng có mối quan hệ bền vững ngay cả khi họ có cãi vã, tranh luận.
2. Vậy phải làm sao để biến những cuộc tranh luận thành đòn bẩy hạnh phúc?
Với câu hỏi này, Stephanie Sarkis chỉ ra 4 gạch đầu dòng ngắn gọn:
- Đợi cho đối phương nói xong, bày tỏ xong suy nghĩ/quan điểm của họ chứ tuyệt đối không nên "nói leo".
- Chỉ tập trung vào câu chuyện đang bàn, tuyệt đối không lôi lại những chuyện cũ ra dù chúng đã được giải quyết xong hay chưa. Hãy nói, hãy tranh luận từng việc một!
- Nếu quá nóng giận và chưa thể lấy lại được bình tĩnh, tốt nhất là mỗi người một phòng cho tới khi nào cảm thấy ngọn lửa tức giận đã tắt, mới bắt đầu cuộc trò chuyện/tranh luận.
- Tuyệt đối không dùng bạo lực, dù là bạo lực thể xác hay tinh thần.
3. Tranh cãi văn minh khiến những cặp vợ chồng đã ly hôn vẫn giữ được mối liên kết lành mạnh
"Ngay cả khi ly hôn - kết cục không ai mong muốn, những cặp vợ chồng có thói quen tranh cãi văn minh vẫn giữ được mối liên kết lành mạnh để cùng chia sẻ trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng những người con chung của họ. Đây là điều không dễ gì thực hiện, có không ít cặp vợ chồng đã nói xấu nhau trước mặt các con sau khi ly hôn, thậm chí, là trên cả mạng xã hội.
Điều này không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống cá nhân của họ, mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý của những đứa trẻ vốn chẳng có tội tình gì" - Stephanie Sarkis khẳng định.