3 câu nói ngớ ngẩn chỉ phụ nữ có lòng tự trọng thấp mới hay nói, đặc biệt là câu số 2
Phụ nữ bản lĩnh, tự tin và có lòng tự trọng sẽ không thường xuyên thốt ra 3 câu này.
Muốn biết một người phụ nữ có bản lĩnh, có tự tin hay không, đôi khi, đừng nhìn vào trang phục, mái tóc hay lớp trang điểm,... Bởi đây đều là những thứ có thể "làm đẹp" được mà chẳng cần tốn nhiều thời gian, tâm sức rèn luyện.
Còn bản lĩnh và sự tự tin thì khác. Dù bạn có đắp lên người toàn đồ hiệu, trang sức đắt tiền mà sâu trong thâm tâm, bạn không cảm thấy mình đẹp, mình có giá trị, bạn vẫn sẽ là một người phụ nữ chưa có khí chất.
Tâm lý học cho rằng thói quen giao tiếp tiết lộ rất nhiều điều về thế giới nội tâm của một người, phụ nữ cũng không phải ngoại lệ. Và dưới đây là 3 câu cửa miệng, thường được thốt ra bởi những người phụ nữ thiếu tự tin trong tình yêu và cuộc sống.
1. "Do mình quá xấu xí"
Ngoại hình chưa bao giờ là yếu tố then chốt tạo ra sự thành công của bất cứ ai, dù là đàn ông hay phụ nữ. Đây là sự thật mà phần lớn chúng ta đều đã biết, nhưng dường như những người phụ nữ thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh lại luôn vin vào chuyện ngoại hình để "hợp lý hóa" sự kém may mắn của mình trong cả tình yêu lẫn cuộc sống.
Thấy một chiếc váy đẹp nhưng không thể mặc vừa, kiểu phụ nữ này ngay lập tức khẳng định "do mình quá béo" thay vì nghĩ tới việc thử một chiếc tương tự với size lớn hơn.
Thấy đồng nghiệp được tuyên dương hoặc thăng tiến, kiểu phụ nữ này cũng tự nhủ trong lòng "do người ta có ngoại hình nổi bật hơn mình, nên...".
Thấy người thầm thương trộm nhớ bên cạnh một người khác, kiểu phụ nữ này mặc nhiên cho rằng lý do duy nhất khiến mình thất tình là chẳng xinh đẹp, quyến rũ bằng người ta.
Nói chung, thay vì tìm cách cải thiện ngoại hình và nhìn nhận vấn đề một cách tích cực rằng đôi khi chỉ là hai người không hợp nhau hoặc do bản thân chưa nỗ lực đủ nhiều, kiểu phụ nữ có lòng tự trọng thấp, thiếu sự tự tin luôn tin rằng ngoại hình của mình là yếu tố duy nhất khiến họ gặp chuyện buồn.
2. "Anh có còn yêu em nhiều không?"
Trong tình yêu, bị phản bội là nỗi lo, nỗi ám ảnh của không ít phụ nữ. Tuy nhiên, không phải ai cũng vì lo sợ mà hỏi đối phương rằng "Anh có còn yêu em nhiều không?" với tần suất đều đặn như cơm bữa.
Nếu họa hoằn lắm, bạn mới hỏi chồng hoặc bạn trai câu hỏi này thì không sao. Nhưng nếu cứ cách ngày, hoặc thậm chí hàng ngày, câu hỏi này lại xuất hiện trong đoạn chat hoặc cuộc hội thoại của 2 người, đây là một tín hiệu không tốt đến từ phía bạn.
Dường như bạn đã tuyệt vọng hoặc bế tắc trong việc tìm ra những dấu hiệu mặn nồng mà đối phương dành cho mình, nên mới phải thường xuyên thốt ra câu hỏi vô nghĩa phía trên. Tại sao đó lại là một câu hỏi vô nghĩa ư? Vì ngay cả khi chẳng còn yêu bạn đi chăng nữa, anh ấy vẫn có thể đáp lại câu hỏi của bạn với những lời khẳng định có vẻ tích cực như "Anh yêu em nhiều mà".
Lời nói luôn là thứ có thể "làm giả" một cách vô cùng đơn giản nên thay vì thường xuyên đặt ra những câu hỏi vô nghĩa, hãy học cách quan sát và cảm nhận.
3. "Em xin lỗi, em sai rồi"
Biết nhận lỗi khi làm sai là điều vô cùng đáng hoan nghênh. Nhưng luôn nhận lỗi sai về phía mình và luôn xin lỗi trong mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp lại là câu chuyện khác. Là con người, ai cũng sẽ có lúc mắc lỗi nhưng hiếm có ai đụng đâu hỏng đấy, làm chuyện gì cũng sai tanh bành.
Việc luôn nhận cái sai về phần mình, dù trong chuyện tình cảm hay chuyện công việc, chỉ chứng minh một sự thật rằng chỉ số tự tin của bạn là 1 số 0 tròn trĩnh. Bạn không biết đấu tranh cho quyền lợi, cũng không dám lên tiếng để bảo vệ quan điểm của mình. Hệ quả, bạn luôn là người "ở kèo dưới", luôn cảm thấy bản thân bị đối xử bất công, bị chèn ép và chẳng thể thoát ra được.
Trước khi thốt ra hai tiếng "xin lỗi", hãy thử tự ngẫm nghĩ xem liệu mình có thật sự sai, hay vấn đề chỉ là quan điểm của bạn và đối phương/những người liên quan chưa tìm được điểm chung. Dần dần, thói quen suy nghĩ này sẽ giúp bạn dùng từ "xin lỗi" một cách bớt phung phí hơn.