Khổ vì sếp "cuồng" công việc
Sếp của Mai cái gì cũng tốt, chỉ phải cái quá cuồng công việc. Suy cho cùng, sếp yêu nghề cũng chẳng có gì là sai, nhưng cái sự “yêu nghề” của sếp lại làm cho nhân viên quèn như Mai sống dở chết dở.
Nhớ lại những ngày mới tới công ty, Mai vẫn còn cảm thấy choáng váng. Ngày đầu tiên đi làm, cô cố tình đến sớm nửa tiếng so với quy định. Ấy thế mà vừa vào phòng, Mai đã thấy mọi chỗ ngồi gần như chật kín. Một chị rỉ tai Mai bảo “Sếp Phương tới sớm lắm em ạ. Ngày nào cũng đến từ 7 rưỡi sắp xếp giấy tờ, tài liệu. Ở đây, chẳng ai dám đến muộn hơn sếp. Ngày mai em chú ý tới sớm nhé.”
Làm việc được vài ngày, Mai mới thấu hiểu độ cuồng công việc của sếp. Châm ngôn của sếp là “Việc hôm nay không để đến ngày mai”. Công việc hôm nào sếp cố gắng dứt điểm hôm ấy. Nhân viên có than mệt thì sếp bảo “Đằng nào mà chẳng phải làm. Không làm hôm nay thì mai cũng phải làm. Mai lại có thêm việc mới, hoãn lại thì việc càng ứ đọng thêm.”
Tính sếp lại cẩn thận, tỉ mỉ, cầu toàn nên yêu cầu nhân viên phải thực hiện nhiệm vụ được giao ở mức hoàn hảo. Chỉ cần một lỗi sai li ti, sếp sẽ bắt phải làm lại tất cả. Thế nên, hầu như chẳng ai xong được công việc khi đến giờ tan sở. Tất cả đều phải ở lại thêm, ít thì 30 phút, nhiều thì cả tiếng đồng hồ để làm cho xong việc sếp giao.
Đặc biệt là nhân viên mới vào như Mai, chưa quen với công việc nên mắc lỗi suốt, phải làm đi làm lại. Hầu như ngày nào cô cũng đánh vật với công việc tới tận 7 giờ tối mới được về. Sếp cũng rất kiên nhẫn hướng dẫn, chờ Mai làm xong để giải quyết nốt những khâu cuối.
Thời gian đó, ngày nào về tới nhà Mai cũng bơ phờ. Áp lực công việc, rồi lại thêm cảm giác áy náy vì mình chậm trễ làm ảnh hưởng tới mọi người làm cô thấy nặng nề, mệt mỏi.
Sếp thường xuyên ở lại làm việc tới khuya làm cho nhân viên như Mai cũng ngại về trước - (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, khi đã quen với công việc, Mai cũng vẫn đều đều ở lại công ty đến 7 giờ tối mới tính đến chuyện ra về. Lý do là bởi sếp luôn ở lại đến giờ đó để hoàn thành công việc. Bàn làm việc của Mai ngay cạnh sếp, chẳng lẽ sếp vẫn ngồi làm mà Mai lại xách túi về trước. Hơn nữa, các chị cùng phòng có bầu, có con nhỏ thì còn có cớ để đi về. Mai chưa chồng chưa con, chẳng lấy được cớ gì để đi về sớm trong khi việc chưa xong.
Có lúc đến cả ngày nghỉ sếp cũng chẳng tha cho Mai. Thứ 7, chủ nhật, thậm chí là ngày quốc lễ như 30-4, 2-9, điện thoại Mai cũng réo í éo cuộc gọi từ sếp “Em à, có bận gì không, đến công ty làm nốt việc nhé. Chị cũng đang ở văn phòng…”.
Khổ, Mai thì có việc gì được cơ chứ. Ngày nghỉ thì chỉ có nghỉ ngơi, chơi bời, hưởng thụ. Chẳng lẽ lại bảo sếp là “Em bận đi chơi với bạn, không đến làm cho chị được đâu”. Mà sếp đang cắm mặt làm ở văn phòng, nhân viên lại đi chơi thì cũng vô duyên. Thế là cô lại phải lò dò vác mặt tới làm việc.
Những lúc mệt Mai cũng chẳng dám than vãn. Bởi sếp thường xuyên tâm sự: “Chị thấy việc của mình nhàn chán, chẳng có gì là mệt mỏi. Cả ngày ngồi phòng điều hòa mát rượi, sạch sẽ, không phải mài mặt ra đường. Công việc cũng đơn giản, chỉ ngồi đối chiếu mấy hồ sơ sổ sách. Thỉnh thoảng lắm mới có việc phải động não, tốn tí nơ-ron thần kinh cho trí óc đỡ trì độn”. Sếp đã bảo vậy, Mai than mệt thì chẳng khác nào đang tự nhận mình lười biếng, lười suy nghĩ, trí óc trì độn.
Mai mệt mỏi vô cùng vì cái sự "yêu nghề" của sếp - (Ảnh minh họa).
Mai còn thường xuyên bị rơi vào những tình huống nhạy cảm do sự cuồng công việc của sếp.
Bận cắm đầu vào công việc cả ngày, sếp chẳng có thời gian dành cho gia đình. Thay vào đó, sếp thường xuyên nhờ Mai. Nào là nhờ đón con, trông con; nhờ chạy ra chợ mua đồ ăn mang đến tận nhà cho sếp. Thậm chí mẹ chồng sếp từ quê lên, sếp cũng sai Mai đi đón. Thứ 7, chủ nhật, sếp sai Mai dẫn cụ đi mua mấy thứ đồ lặt vặt. Còn sếp thì đến cơ quan ôm lấy mớ sổ sách yêu thích.
Dần dà, Mai thân với gia đình sếp còn hơn cả sếp. Con gái lớn của sếp có kỳ kinh nguyệt đầu tiên gọi cho Mai để tâm sự, hỏi han. Mai cũng là người hướng dẫn và đi mua “đồ phụ nữ” cho bé. Con trai sếp bị ngã ở trường mầm non, người đầu tiên cô giáo gọi điện thông báo là Mai chứ chẳng phải mẹ nó. Chồng sếp thỉnh thoảng không biết đồ đạc trong nhà sắp xếp ở đâu cũng gọi cho Mai để hỏi…
Hết việc công ty, sếp còn nhờ Mai lo cả việc nhà thay sếp - (Ảnh minh họa).
Vì cái tính ngại ngùng, nhát gan, sợ cấp trên, lần nào sếp nhờ Mai cũng làm. Cô dần trở thành bảo mẫu cho cả nhà sếp. Mai cứ tặc lưỡi: “Thôi kệ, dù sao cũng không bận việc gì, giúp sếp một tý chẳng chết ai.”
Cho đến một ngày, chồng sếp nhắn tin, thỏ thẻ tâm sự: “Dạo này bọn trẻ quý em lắm, nhắc đến em luôn miệng. Anh cảm thấy em cứ như là mẹ của các con anh. Em là người phụ nữ mà anh mơ ước, rất đảm đang, chu đáo.”
Lúc đó, Mai mới tá hỏa thôi giúp những công việc không tên cho sếp “cuồng công việc” dù khả năng lớn sẽ làm mếch lòng sếp. Thà thế còn hơn Mai bị mang tiếng là kẻ phá hoại gia đình người khác!