Khó như quản... thịt lợn

Theo VEF,
Chia sẻ

Gần đây trên thị trường liên tiếp xuất hiện những tin rùng rợn về thịt lợn nào là thịt lợn siêu nạc nhiễm độc do người nuôi sử dụng chất cấm thuộc nhóm Beta Agonists - loại làm giảm mỡ, tăng nạc.

Đây là chất có thể khiến cho người sử dụng phải im đập nhanh, run cơ, đau đầu, buồn nôn... Rồi khi người tiêu dùng chưa hết "tim đập, chân run" thì lại xuất hiện thông tin gớm ghiếc khác: 1g thịt lợn sống có chứa gần 900 ấu trùng giun xoắn khi cơ quan thú y xét nghiệm  một ổ dịch ở Yên Bái.

Câu chuyện về thịt lợn nhiễm độc đã nghiêm trọng đến mức ngay cả vị bộ trưởng ngành nông nghiệp đã nhấn mạnh đây là tội ác chứ không chỉ đơn thuần là hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế theo ông, cần xử lý vấn đề này kiên quyết như công an truy quét ma túy.

Ở đây tạm chưa bàn tới nỗi hãi hùng như thế nào của người tiêu dùng, chỉ đi vào khía cạnh vậy chuyện "quản chất lượng thịt lợn" của chúng ta thế nào để đến cơ sự như vậy. Không phải là người ta không biết qui trình khắc phục tình trạng này. Ví như ngoài việc kiểm soát lò mổ thì phải có truy xuất về chuồng nuôi, xử lý người sản xuất, chế biến tìm ra người buôn bán, đồng thời kiểm soát thức ăn chăn nuôi.

Và thật đáng mừng là hành lang pháp lý để hỗ trợ cho vấn đề này khá ổn. Chúng ta đã có Nghị định 08 của Chính phủ quy định, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm chứa chất cấm nguy hiểm sẽ bị xử phạt, thông báo trên báo đài, rút giấy phép kinh doanh 6 tháng, thu hồi và tiêu hủy chất cấm và vật nuôi tang vật. Cơ sở giết mổ phải chịu trách nhiệm chi trả các chi phí này. Và theo bộ luật Hình sự, các đối tượng mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị xử tù từ 3 - 5 năm. Người sử dụng chất cấm còn bị xử lý hành chính theo mức từ 10 - 40 triệu đồng tùy từng mức độ nghiêm trọng của hành vi.


Công cụ thì đã đủ, vấn đề là thực thi. Trên thực tế, dẫu các phương tiện truyền thông cứ đăng liên tiếp phát hiện vụ thịt nhiệm độc này, bắt giữ vụ hóa chất cấm kia. Nhưng nhìn chung cũng chỉ là phần ngọn của vấn đề. Qui trình xử lý tận gốc chuyện thịt nhiễm độc tố thì còn phải chờ, tốc độ xử lý các sai phạm của cơ quan chức năng thì hình như chậm hơn so với tốc độ vi phạm, nên thị trường thịt lợn hình như vẫn vậy...

Không quản được chất lượng thịt lợn trên thị trường nội, hậu quả không chỉ đến với người tiêu dùng, nội trợ tội nghiệp mà còn dẫn tới những hậu quả khá tai hại trên "phương diện quốc gia".

Minh chứng rõ nhất là từ đầu tháng 3/2012 phía Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu thịt từ Việt Nam. Mặc dù sau đó, đã có những tuyên bố trấn an kiểu việc nước bạn tạm dừng nhập trong thời điểm có dịch bệnh là bình thường, theo thông lệ quốc tế và không đáng lo ngại. Và quyết định này của Trung Quốc không ảnh hưởng quá lớn đến sức tiêu thụ sản phẩm thịt gia súc của Việt Nam...Trước đây, Malaysia từng tạm dừng nhập khẩu thịt lợn sữa của Việt Nam trong hơn một năm vì dịch bệnh...Tuy nhiên, nói gì thì nói đó cũng là một tín hiệu không tốt lành gì!

Đến đây, người ta mới chợt nhớ ra vấn đề điều hành xuất nhập khẩu thịt lợn ở tầm "vĩ mô" cũng lắm chuyện và rối rắm. Còn nhớ hồi tháng 5/2011, hai bộ Công thương và Bộ NN &PTNT đã từng cãi nhau về chuyện nhập. Số là trước việc giá thịt tăng quá sức chịu đựng của người tiêu dùng, Bộ Công Thương đang đề xuất phải nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn. Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại khẩn thiết kiến nghị không nhập khẩu thịt lợn vì cho rằng cung đã đủ cầu và lo rằng người tiêu dùng sẽ lại tẩy chay thịt lợn vì dịch tai xanh đã bùng phát trở lại.

Theo Bộ Công Thương, cần phải nhập khẩu thịt lợn, vì giá thịt đã liên tục tăng và đứng ở mức cao quá sức chịu đựng của người tiêu dùng. Giá thực phẩm cao do chi phí đầu vào tăng, cộng với những đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu, lương cơ bản tăng. Theo ước tính, tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước năm 2011 đối với các loại thịt khoảng 2,9 triệu tấn, tăng 6,5-7% so với năm trước. Bởi vậy, Bộ Công Thương đề xuất cần phải nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn trong năm 2011.

Tuy nhiên, theo "ông nông nghiệp" vẫn khẳng định, nguồn cung thịt lợn có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước nên Bộ này đã kiến nghị không nên nhập khẩu thêm thịt lợn. Bởi lượng cung thịt lợn thiếu hụt là có thật song chưa đáng lo ngại.

Theo định hướng phát triển đến năm 2020, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu đàn heo đạt 34,8 triệu con và cao hơn là có heo thừa để xuất khẩu. Để minh chứng điều này là khả thi vị này cũng đưa ra những con số "biết nói": nào Việt Nam đứng thứ 4 trong số các nước có đầu lợn lớn nhất thế giới. Rồi trong quá khứ, Việt Nam từng xuất khẩu thịt heo đi các nước Đông Âu. Chưa hết, người Việt Nam lại có tập quán chuyên canh '3 L": "lúa - lang - lợn", nên có đủ khả năng phát triển đàn lợn cho thị trường trong nước và có dư để xuất khẩu.

Tuy nhiên, khi quay về với cái gốc thực chất của vấn đề: "chất lượng thịt". Cứ như tình trạng sử dụng chất cấm, thuốc tăng trọng bừa bãi hiện tại thì "thịt ta" còn bị cả ông láng  giềng tương đối dễ tính vốn nhập tiểu ngạch rất nhiều cấm cửa chứ nói gì đến chuyện  làm sao sang được "trời Tây", tức các quốc gia có những tiêu chuẩn khắt khe cho thịt nhập khẩu?
Chia sẻ