Khó giám sát bữa ăn bán trú
Khó kiểm soát an toàn thực phẩm tuyệt đối trong các bữa ăn bán trú, dù nhà trường sử dụng bếp ăn tại chỗ hay suất ăn công nghiệp.
Vụ việc hơn 600 học sinh (HS) bị ngộ độc thực phẩm tại Trường iSchool Nha Trang, một lần nữa khiến phụ huynh không khỏi lo lắng khi phần lớn HS hiện nay ăn bán trú tại trường.
Không dám khẳng định an toàn tuyệt đối
Ông Trương Quốc Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí (quận 1, TP HCM), cho biết do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, trường đặt suất ăn công nghiệp bên ngoài để phục vụ bán trú cho HS. Tuy nhiên, theo ông Hưng, khi lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn, đơn vị cung cấp phải bảo đảm các yêu cầu theo quy định thì nhà trường mới đặt. "Cụ thể là phải chứng minh nguồn nguyên liệu nấu ăn, đến việc chế biến cũng như các điều kiện bảo đảm an toàn vận chuyển…" - ông Hưng nói.
Hiệu trưởng một trường tiểu học cho rằng mức tiền ăn trong thỏa thuận với phụ huynh nhưng phí phục vụ bán trú chỉ được thu trong khung theo quy định. Tiền ăn cao quá thì phụ huynh phản ứng, thấp thì rất khó tổ chức. Chính vì thế, có trường không mặn mà tổ chức tự nấu mà "nhàn" nhất là mua suất ăn bên ngoài. Nói thẳng ra nếu mua bên ngoài thì có lời, nhà trường cũng nhàn nhã.
Học sinh tại một trường tiểu học ở quận 1, TP HCM nhận suất ăn bán trú Ảnh: TẤN THẠNH
Dù áp dụng đầy đủ các quy định và triển khai nhiều biện pháp để kiểm soát an toàn bữa ăn cho HS nhưng theo lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục, không ai dám khẳng định 100% an toàn tuyệt đối trong tất cả các bữa ăn.
Phó hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất một trường THCS tại quận 10 cho biết nếu trường nào có điều kiện tự tổ chức bếp ăn tập thể ngay trong nhà trường là lý tưởng nhất, nhưng công việc lại cực, đa số các trường đều phải đặt suất ăn công nghiệp bên ngoài. Đơn vị cung cấp thì tất nhiên họ trình đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu, chứng minh điều kiện nấu ăn, vận chuyển vệ sinh, an toàn, bảo đảm dinh dưỡng… nhưng không thể mỗi ngày đều đến tận bếp của họ để kiểm tra, cũng không phải là chuyên gia để biết được mỗi ngày lượng thức ăn như vậy đã hợp lý, đủ dinh dưỡng chưa. "Hơn nữa, để xác nhận thực phẩm có an toàn tuyệt đối thì không thể dùng bằng mắt để đánh giá được" - vị này cho biết.
Kiểm tra, giám sát không phân biệt trường công, tư
Dù ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) TP HCM hướng dẫn các trường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức giám sát các bữa ăn của HS nhưng không phải trường học nào cũng sẵn lòng để phụ huynh được chứng kiến bữa ăn của con. Chị Kim Anh, một phụ huynh tại quận 1, TP HCM, bày tỏ một số trường tiểu học tại quận 1 tổ chức để phụ huynh đăng ký vào ăn trưa cùng với con mình, cách làm này rất hay nhưng không biết khi nào mới tới trường con mình. "Một mô hình hay, được phụ huynh ủng hộ thì tôi mong muốn cần được xây dựng thành quy định chung để phụ huynh được tham gia thường xuyên vào việc giám sát bữa ăn của con" - phụ huynh này cho biết.
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết hằng năm, Sở GD-ĐT đều có hướng dẫn, chỉ đạo liên quan đến công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, ngoài ra còn phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP HCM tổ chức tập huấn công tác bảo đảm ATTP cho trường học trên địa bàn TP.
Theo ông Trọng, trong các hướng dẫn, chỉ đạo của Sở GD-ĐT, công tác bảo đảm an toàn bữa ăn cho HS được đặc biệt chú trọng, trong đó thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm kiểm soát thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn vào cơ sở cung cấp thức ăn cho HS. Căng tin trong trường học phải bảo đảm an toàn theo quy định, khuyến khích sử dụng nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn, kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm sử dụng tại các bếp ăn. Nguồn thực phẩm được chế biến trong trường học phải đạt một trong các chuẩn VietGAP, chuỗi thực phẩm an toàn, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc các chứng nhận quốc tế khác về ATTP… Các trường cũng phải có giải pháp tự kiểm tra về ATTP bếp ăn căng tin trong trường học.
Đối với hoạt động kiểm tra, giám sát, theo ông Trọng, sở tổ chức kiểm tra, giám sát việc bảo đảm ATTP trong các trường học trên địa bàn TP với nhiều hình thức, như tự kiểm tra, thành lập các đoàn kiểm tra quận, huyện tăng cường kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất do sở thực hiện. Sở cũng phối hợp với Ban Quản lý ATTP kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất tại các đơn vị trường học có bếp ăn, suất ăn công nghiệp, căng tin trường học khi có phản ánh từ báo chí, phụ huynh HS.
Theo ông Trịnh Duy Trọng, nhà trường cũng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh giám sát quá trình chế biến, tiếp phẩm cũng như giá thành của từng bữa ăn của HS. "Việc kiểm tra, giám sát không phân biệt các trường công lập hay tư thục, quốc tế… mà trên nguyên tắc vì sự an toàn của HS" - ông Trọng nói.
Bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho học sinh
Nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người học khi tổ chức bữa ăn học đường, Bộ GD-ĐT vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các Sở GD-ĐT, Sở Y tế…, các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường biện pháp bảo đảm vệ sinh, ATTP.
Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi. Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không bảo đảm đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành Giáo dục - Y tế, huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, ATTP, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục; phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm về ATTP, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh.
Yến Anh
Thực phẩm trước cổng trường khó kiểm soát
Ban Quản lý ATTP TP HCM cho biết công tác bảo đảm ATTP đối với bếp ăn tập thể, căng tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn TP luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đơn vị triển khai thực hiện.
Cụ thể, đơn vị đã thực hiện kiểm tra đợt 1 (năm học 2021-2022) tổng số cơ sở thanh, kiểm tra là 1.708 cơ sở, trong đó có 1.121 bếp ăn tập thể tự tổ chức, 110 bếp ăn tập thể hợp đồng, 2 căng tin tự tổ chức, 281 căng tin hợp đồng, 194 đơn vị cung cấp suất ăn sẵn.
Đợt 2 (năm học 2022-2023) tổng số cơ sở thanh, kiểm tra là 2.231 cơ sở, trong đó có 1.363 bếp ăn tập thể tự tổ chức, 122 bếp ăn tập thể hợp đồng, 2 căng tin tự tổ chức, 474 căng tin hợp đồng, 270 đơn vị cung cấp suất ăn sẵn. Qua các đợt kiểm tra, phát hiện 2 cơ sở vi phạm.
Ban Quản lý ATTP đánh giá về mặt thủ tục, giấy tờ pháp lý, đa số các bếp ăn tập thể, căng tin, dịch vụ ăn uống trong trường học chấp hành khá nghiêm túc quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Hồ sơ pháp lý ở các trường đầy đủ, sắp xếp ngăn nắp, dễ truy tìm. Nguồn nguyên liệu, thực phẩm đầu vào đều nguồn gốc rõ ràng, chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ thông qua hợp đồng, hóa đơn và năng lực của nhà cung cấp.
Về mặt kiểm tra thực tế, nguồn nguyên liệu thực phẩm tại các trường đa số được lấy tại những đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện; người quản lý và người tham gia chế biến có nhận thức tốt về nguyên tắc bảo đảm ATTP trong quá trình chế biến. Ngoài ra, các trường có bố trí cán bộ y tế phụ trách công tác ATTP, thực hiện lưu giữ hồ sơ pháp lý, thường xuyên kiểm tra an toàn bếp ăn cho trường.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn tồn tại: Một số đơn vị cung cấp suất ăn cho các trường có nơi chế biến đặt ở tỉnh lân cận, ngoài phạm vi quản lý của TP nên việc kiểm tra, giám sát gặp nhiều khó khăn; chưa thực hiện đầy đủ, đúng quy định về kiểm thực 3 bước theo Quyết định 1246. Ngoài ra, một số trường không tổ chức căng tin do quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập dẫn đến tình trạng học sinh sử dụng thực phẩm trước cổng trường nên khó kiểm soát về ATTP,...
Kết thúc 2 đợt kiểm tra, Ban Quản lý ATTP đề nghị các đơn vị trường học tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tập huấn việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, quản lý, người chế biến tại các cơ sở dịch vụ ăn uống trong trường học; thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tại các bếp ăn tập thể, căng tin, dịch vụ ăn uống trong trường học và các cơ sở cung cấp suất ăn cho trường học nhằm ngăn ngừa ngộ độc tập thể, sự cố về ATTP; trao đổi thông tin, kiến nghị các địa phương lân cận kiểm tra, giám sát các cơ sở cung cấp suất ăn có nơi chế biến tại địa phương khác cung cấp cho trường học ở TP HCM. Đồng thời, khuyến khích các trường học, đơn vị cung cấp suất ăn cho trường học sử dụng nguyên liệu thực phẩm được cung cấp bởi những đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, hoặc các đơn vị có giấy chứng nhận ISO, HACCP.
Hải Yến