Khi trách phạt mà trẻ có hai kiểu phản ứng này cha mẹ nên dừng lại ngay tức khắc, nếu không hậu quả sẽ rất nghiêm trọng
Dù giận đến mấy, cha mẹ cũng cần học cách kiềm chế trong hai tình huống sau đây.
Nhiều trẻ em vì sao lớn lên thiếu sự tự chủ, thiếu chính kiến nhút nhát, tự ti mặc cảm? Một trong những nguyên nhân chính xuất phát từ sự áp đặt, cấm đoán và bạo hành khi còn nhỏ. Thường xuyên bị đánh, mắng chửi, bị so sánh với người khác, sao có thể lớn lên khỏe mạnh, lạc quan và tự tin?
Là cha mẹ, chúng ta biết rằng đôi khi thật khó để kiềm chế trước một hành động, lời nói, thái độ của trẻ. Tuy nhiên, dù giận đến mấy, khi trách phạt con, nếu trẻ có hai phản ứng này cha mẹ nên dừng lại ngay tức khắc nếu không hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
1. Con cái công khai chống đối
Khi cha mẹ đang dạy dỗ con nhưng đứa trẻ "câng" mặt lên thách thức hoặc phản ứng lại gay gắt, đây là lúc các bậc phụ huynh càng phải kìm nén sự tức giận của mình ngay lập tức. Nếu cố gắng "thắng" con cho bằng được, cha mẹ có thể khiến con nghe lời ngay lúc đó nhưng hậu quả thì kéo dài mãi đến sau này.
Khi trẻ phản kháng chứng tỏ trong lòng con có những uất ức, "không phục" khi bị phạt. Nếu chỉ ỷ mạnh hiếp yếu, dùng bạo lực thay lời nói, trẻ sẽ càng nổi loạn và khó dạy bảo.
2. Con cái không phản kháng mà để cha mẹ đánh, mắng
Nếu cha mẹ đang dạy con mà lúc này con đứng đó mặc cho cha mẹ đánh mắng, không khóc lóc, ồn ào, không có phản ứng gì, lúc này cha mẹ phải dừng lại.
Vì khi này trẻ sẽ rơi vào tình trạng chối bỏ bản thân, trẻ sẽ nghĩ rằng đó là lỗi của mình nên bị đánh như vậy là đúng. Trong tương lai, chúng sẽ không còn tự tin và cảm thấy rằng tất cả những gì chúng làm luôn là sai lầm.
Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ nên ứng phó như thế nào?
1. Cha mẹ nên kiềm chế tính nóng nảy
Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy khó kiềm chế cảm xúc khi giáo dục con cái, chỉ cần nói vài lời không nghe lời là nổi cơn thịnh nộ, mắng mỏ, đánh đập con cái. Nếu gặp đứa trẻ có cá tính mạnh sẽ tìm mọi cách chống đối cha mẹ, gây ảnh hưởng đến thể chất tinh thần của trẻ cũng như mối quan hệ gia đình. Vì vậy, khi giáo dục con cái, cha mẹ phải kiềm chế tính nóng nảy, trước tiên phải bình tĩnh nhận định và cùng con giải quyết vấn đề.
Chúng ta nhất định phải nhớ rằng đừng bao giờ để một cuộc cãi vã kết thúc với sự tức giận và phẫn nộ.
2. Cha mẹ và con cái phải học cách giao tiếp
Khi đứa trẻ phạm một sai lầm, chúng có thể biết sai nhưng không biết làm thế nào để giải quyết. Điều mà các nhà tư vấn tâm lý khuyên cha mẹ là hãy tìm cách trấn an con cái để chúng bình tĩnh.
Ngay tại thời điểm đó, cha mẹ phải bỏ cái tôi và nghĩ rằng cha mẹ luôn luôn đúng để tập trung lắng nghe con và trao đổi với con các vấn đề khiến chúng cảm thấy không thoải mái. Con sẽ bình tĩnh khi chúng nhận thấy bạn đang cố gắng hiểu lý do khiến chúng buồn hoặc nổi giận. Lúc này, phụ huynh có thể nói rằng: "Cha mẹ hiểu cảm giác của con mà, sẽ ổn thôi". Việc này cho thấy bạn đang đồng cảm và hiểu cảm xúc của con.
Hãy tắt ti vi và mặt đối mặt để cho chúng thấy, mình đang thực sự nghiêm túc, ngoại trừ những lúc chơi đùa vui vẻ. Ngoài ra, việc giao tiếp bằng ánh mắt với con trong suốt cuộc trò chuyện và không cắt ngang lời nói với trẻ cũng là cần thiết để chúng bày tỏ cảm xúc một cách thoải mái và chân thật.