Khi gen Y "đụng nhau" chốn công sở với gen Z: “Không phủ nhận ưu điểm nhưng TÀI đi kèm cũng không ít TẬT”?

Thu Phương,
Chia sẻ

Lực lượng lao động gần đây có sự tham gia đông đảo của thế hệ gen Z và gen Y. Sự khác biệt về tuổi tác kinh nghiệm, kỹ năng, hiểu biết làm cho nhà tuyển dụng đau đầu mấy phen.

Dạo gần đây người ta hay nhắc đến chuyện đi làm của gen Z và văn hóa đi làm của thế hệ này trong môi trường công sở. Gen Z gồm những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012. Những lứa đầu tiên thuộc thế hệ này hiện đang bắt đầu làm việc trong môi trường công sở. Sự chênh lệch khác biệt về tuổi tác, kinh nghiệm, hiểu biết đã tạo nên sự khác nhau về cách làm việc của thế hệ Y và thế hệ Z.

SỰ KHÁC BIỆT CỦA THẾ HỆ GEN Y VÀ GEN Z TRONG MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC HIỆN NAY

Khi gen Y "đụng nhau" chốn công sở với gen Z: Không phủ nhận ưu điểm nhưng TÀI đi kèm cũng không ít TẬT - Ảnh 1.

Khảo sát bởi TRG International review và chỉ mang tính chất tham khảo.

Mỗi thế hệ đều có những trải nghiệm rất khác nhau, từ đó hình thành nên những đặc trưng riêng của họ. Vì thế, con đường sự nghiệp, nguyện vọng cũng như thái độ làm việc của họ rất khác nhau giữa các thế hệ, ngay cả với thế hệ trước đó.

Dưới đây là những ý kiến của gen Y khi đi làm cùng gen Z.

MỘT THẾ HỆ NĂNG ĐỘNG, CÁ TÍNH VÀ CÓ SỨC BẬT, CÓ GEN Z THÌ KHÔNG KHÍ LUÔN VUI HƠN...? 

Với ưu điểm có sức trẻ, thế hệ gen Z gây ấn tượng hoàn toàn với các thế hệ đi trước khi hầu như 99% mọi người đều cho rằng thế hệ này quy tụ những bạn trẻ năng động, cá tính và có sức bật. Dù trong môi trường làm việc nào, họ đều mang đến sự trẻ trung, ngọn lửa nhiệt huyết.

Chị Hương (Công ty IT - Hà Nội) cho biết: "Mình thì khá là ngưỡng mộ thế hệ gen Z, các bạn khá thông minh, năng động, chủ động và xông xáo. Đặc biệt, về mặt ý tưởng các bạn bão não rất nhanh và không ngại thể hiện bản thân mình, làm việc với gen Z thực sự không sợ bí."

Do lợi thế sinh ra trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc, tiếp xúc với công nghệ 4.0, điện thoại thông minh, mạng xã hội bùng nổ... từ khi còn rất nhỏ đã tạo ra một gen Z có khả năng sử dụng công nghệ, nắm bắt xu hướng nhanh. "Đi làm cùng gen Z cảm giác không hề bị lạc hậu, chỉ cần thấy các bạn hay nói cái gì là biết ngay trên MXH đang nổi cái đó. Các bạn gen Z thực sự đem lại sự tươi mới trẻ trung, ngồi trò chuyện với các bạn thấy mình cũng được trẻ hẳn ra. Đi làm mà vắng các bạn này mấy bữa là thấy thiếu thiếu, công ty trầm hẳn", chị Hương chia sẻ. 

"Mình thích tính cách xông pha của gen Z, mình nhớ có hôm có việc gấp giao task cho bạn ý vào lúc tối muộn, bạn vẫn chấp nhận làm và vượt cả sự kì vọng của bản thân mình. Sự sáng tạo của gen Z thực sự khiến người ta phải ngưỡng mộ", chị Lương cho biết. 

LẮM TÀI NHƯNG CŨNG NHIỀU TẬT?

Ưu điểm thì kể ra được đó nhưng gen Z có yếu điểm không? Thì tất nhiên là "có". Tuy nhiên, không cứ là Gen Z mà bất kỳ thế hệ nào ở giai đoạn trưởng thành cũng đều có những trở ngại riêng. 

"Thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc theo cảm xúc"

Khi gen Y "đụng nhau" chốn công sở với gen Z: Không phủ nhận ưu điểm nhiều TÀI nhưng đi kèm cũng không ít TẬT - Ảnh 3.

Gần đây, có một vài anh chị thuộc gen Y có than, lắc đầu ngao ngán và không hiểu sao thế hệ gen Z bây giờ lại khó hiểu đến thế. Chị T.T (TP.HCM) kể: "Khi làm việc với các bạn gen Z, không phủ nhận ưu điểm và các góc nhìn sáng tạo của các bạn nhưng không hiểu sao đôi khi khá khó chịu, thậm chí là có chút mệt mõi khi tinh thần trách nhiệm các bạn còn khá kém, làm việc thiên về cảm xúc:

- Ủa em? Em bắt tay vào làm chưa?

- Ủa em? Sao làm xong em ko báo chị 1 tiếng

- Ủa em? Sao em không làm cũng ko nói gì vậy?

Không hiểu sao luôn, chị làm việc với mấy bạn Gen Z bị cái tính y chang là tĩnh lặng. Làm hay không làm cũng ko nói, làm xong rồi hay chưa xong cũng ko nói. Mặc định kiểu chị tự đi mà hỏi, tự đi mà check”. 

Khi gen Y "đụng nhau" chốn công sở với gen Z: Không phủ nhận ưu điểm nhiều TÀI nhưng đi kèm cũng không ít TẬT - Ảnh 4.

Cùng với đó, gen Z là thế hệ sống cực thiên về cảm xúc. Chính vì được sống trong xã hội mà ý kiến cá nhân ngày càng được xem trọng và họ đang dần thoải mái bày tỏ cảm xúc cá nhân lên mạng xã hội nên những người này rất nhạy cảm, thậm chí dễ tổn thương. Chị T.T tâm sự: "Có lần chị bực quá mắng mới gọi vào góp ý thế là hôm sau bạn ấy nộp đơn xin nghỉ việc luôn. Nếu là thế hệ trước họ cũng sẽ không cư xử theo cảm xúc như vậy. Chuyện góp ý giữa cấp trên và cấp dưới là hoàn toàn bình thường."

Lan, một đại diện gen Z (sinh năm 1998) chia sẻ: "Mình cũng công nhận thế hệ bọn mình làm việc theo cảm xúc thật. Nếu tìm được cảm hứng mình có thể ngồi tập trung hoàn thành tất tần tật các task được giao. Nhưng khi không có mood làm việc thì có bắt ép thế nào mình cũng không làm được, có làm thì cũng chỉ là đối phó. Nếu nhận góp ý 1, 2 lần thì không sao nhưng nhiều mình sẽ thấy "không phù hợp" và nghĩ đến chuyện nhảy việc".

Anh Khánh cũng than thở vì gen Z thích thì nghỉ, không có kỷ luật, thiếu nghiêm túc: "Một năm cho phép nghỉ 12 ngày mà mới 6 tháng đầu năm bạn đã xin nghỉ hết cả phép rồi nhưng tiếp tục tháng sau định xin nghỉ 3 ngày để đi du lịch. Chưa kể đi trễ thì nhiều vô kể. Cuối cùng anh phải cho bạn ấy nghỉ việc".

Gen Z hơi "ảo tưởng", đòi hỏi khá cao khi đi làm?

Thời gian gần đây, chắc chắn không ít lần bạn thấy những bài post trong hội nhóm tuyển dụng rằng "Nhiều bạn trẻ gen Z mới ra trường từ chối mức lương 10 triệu/tháng". Có thể thấy, đặc điểm chung của thế hệ gen Z hiện nay họ đặt ra tiêu chuẩn cao về môi trường làm việc khi họ có tư duy “sống cho bản thân”.

Theo khảo sát Thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn với sinh viên Việt Nam 2022 của Anphabe, với khoảng 13.700 sinh viên từ 120 trường đại học trên toàn quốc tham gia, dự báo tới năm 2025, trung bình cứ 4 người đi làm sẽ có một đại diện Gen Z.

Thế hệ này được nhận diện có nhiều kỳ vọng khi đi làm. Mức lương trung bình mà họ mong muốn cho công việc chính thức đầu tiên sau khi ra trường là 8,4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, 88% sinh viên khá giỏi đặt mục tiêu trở thành quản lý trong vòng 2 năm.

Khi gen Y "đụng nhau" chốn công sở với gen Z: Không phủ nhận ưu điểm nhiều TÀI nhưng đi kèm cũng không ít TẬT - Ảnh 5.

Chị Dung (TP.HCM) cho biết: "Mấy bữa tuyển dụng, phỏng vấn mấy bạn gen Z thì gặp đúng tình trạng như vậy, deal lương rất cao. Nếu có năng lực giỏi giang thì đòi hỏi cao mấy mình cũng sẽ đáp ứng nhưng năng lực lại còn hạn chế, chưa kể các bạn hầu như không muốn làm lính mà làm leader".

TUY NHIÊN, CÓ MỘT THỨ KHÔNG THỂ THAY ĐỔI ĐÓ CHÍNH LÀ "GIAI ĐOẠN CHUYỂN ĐỔI VÀ THẾ HỆ KẾ THỪA"

Nếu tính ra ở thời điểm hiện tại, thế hệ gen Z đã bắt đầu đạt đến độ tuổi 25, đây là lúc các bạn đã hoàn tất việc học, thậm chí có người còn đi làm và tạo dựng được không ít thành công, chỗ đứng của mình trong nghề. Từ đó có thể thấy, gen Z đã và đang là một thế hệ kế thừa trẻ và sẽ dần trở thành thế hệ chủ lực trong thị trường lao động vào vài năm tiếp theo. Thì thay vào đó, với gen Y, đây giai đoạn của sự chuyển đổi, nhất là với các doanh nghiệp hoặc môi trường làm việc yêu cầu tính sáng tạo, hiểu về xu thế hoặc phục vụ cho đối tượng khách hàng trẻ thì gen Z vừa là khách hàng, vừa là người đồng hành thường xuyên trong môi trường làm việc. 

"Nên thay vì có sự bất hòa, chỉ tập trung vào các nhược điểm của nhau thì chúng ta cũng nên có những góc nhìn rộng hơn để tạo sự gắn kết, thậm chí chính những ưu - khuyết của nhau sẽ là sự bù trừ giúp công việc trở nên tốt và thuận lợi hơn. Hiện tại, với những người làm công việc hành chính nhân sự như chúng tôi cũng đã bắt đầu tìm ra giải pháp giúp các đơn vị tuyển dụng hiểu hơn thế hệ gen Z không chỉ để vượt qua các cú sốc lúc phỏng vấn, mà nó còn là cả một hành trình dài phía sau khi bắt đầu với công việc" - chị Minh Thư, HR của công ty về agency tại TP.HCM cho biết.

Chia sẻ