Khi chồng là... "dân chơi" hàng hiệu
Nhìn tủ quần áo, giày dép và những phụ kiện đi kèm của anh Hùng, người ta phải choáng vì cứ ngỡ lạc vào một cửa hàng thời trang…
Thói quen mua sắm vốn dĩ được coi là một trong những “đặc trưng”, “phong cách” của chị em phụ nữ. Tuy nhiên, không chỉ chị em mới có thói quen này đâu nhé, có rất nhiều mày râu cũng có sở thích này. Thậm chí sở thích đó còn nặng tới mức thành nghiện.
Chồng sành điệu về thời trang
Lấy nhau gần hai năm, cho tới giờ mỗi lần ai đó khen chồng đẹp trai, phong độ lại kiếm được nhiều tiền, chị Linh (Cầu Giấy) đều ngán ngẩm dắt họ tới tủ quần áo của anh mà giải thích: “Đấy, ngoài vài đồng tiền lẻ đưa về cho vợ, tiền lương hàng tháng của anh ấy được quy ra số thời trang hàng hiệu này cả đấy. Đầu tư như thế thảo nào mà chả đẹp trai, phong độ như tài tử điện ảnh”.
Nhìn tủ quần áo, giày dép và những phụ kiện đi kèm của anh Hùng – chồng chị Linh, người ta phải choáng vì cứ ngỡ lạc vào một cửa hàng thời trang. Không chỉ vì số lượng nhiều khủng khiếp mà còn bởi thương hiệu của những món đồ đó toàn là hàng hiệu, chỉ nhìn qua người ta cũng biết để sở hữu được nó người ta phải bỏ ra một số tiền không nhỏ. Mỗi lần có ai đó đến chơi, anh Hùng khoe ngay với một niềm tự hào. Còn với chị Linh nó là “cái gai” trong mắt.
Chị Linh buồn rầu tâm sự: “Mình không phải là người ích kỉ, keo kiệt hơn nữa ai mà không muốn cho chồng mình đẹp đẽ, chỉn chu nhưng làm gì cũng có một giới hạn nhất định. Hơn nữa, cuộc sống của hai vợ chồng còn trăm nghìn thứ cần đến tiền, nhất là khi sinh con ra. Mình toàn phải cố gắng, tằn tiện chắt chiu để dành ra được đồng nào hay đồng ấy. Vậy mà anh ấy không có sự tính toán, dành dụm hay tiết kiệm nào. Tiền lương hàng tháng của anh ấy không nhỏ, nhưng số tiền đưa được cho mình chỉ còn đủ lo chi tiêu lặt vặt trong nhà là hết. Còn lại đều quy ra quần áo, giày dép, thắt lưng... Anh ấy là đàn ông, chỉ cần mình ăn mặc lịch sự, phù hợp là được rồi không nhất thiết phải cầu kì, điệu đà đến như vậy”.
Chồng chạy đua đẳng cấp
Cũng có một thói quen nghiện mua sắm như anh Hùng chỉ khác là món đồ mà anh Bách – chồng chị Chi (Hoàn Kiếm) ham thích là những sản phẩm điện tử, công nghệ cao. Tất nhiên, để có được những thứ đó phải tiêu tốn khá nhiều tiền. Nhưng mỗi lần thấy bạn bè, đồng nghiệp trong công ty hớn hở khoe chiếc điện thoại đắt tiền hay chiếc máy tính bảng đời mới nhất mà họ vừa tậu được là y như rằng, không sớm thì muộn anh phải mua cho kì được để không “thua bạn kém bè”.
Chị Chi kể: “Lương hàng tháng mình không kiểm soát gắt gao, anh ấy vẫn đưa về cho vợ, nói chung cũng đủ chi tiêu. Nhưng điện thoại, máy tính mua về không được bao lâu thấy người khác có cái “xịn” hơn là anh ấy lại đổi nhất định không chịu kém cạnh phải thay cho bằng được. Mà mỗi lần như thế tốn bao nhiêu tiền ấy chứ. Hai vợ chồng nào đã phải đại gia đâu mà có thú vui xa xỉ như thế được. Mình mua cái tốt dùng là được rồi, bao giờ hỏng thì thay chứ cứ chạy đua như thế, biết ai hơn được ai, chỉ tốn tiền thôi. Khi có công việc, cần đến một khoản tiền lớn là hai vợ chồng không biết xoay đâu, khổ sở vô cùng”.
Tạm kết
Vậy mới biết, khi những ông chồng có sở thích nghiền mua sắm còn ảnh hưởng tới kinh tế hơn nhiều so với các bà vợ. Có lẽ, trong những trường hợp này, để kiểm soát thói quen có phần phung phí và quá trớn của những ông chồng nên để họ tận mắt chứng kiến những khoản tiền chi tiêu sinh hoạt trong gia đình thông qua những hóa đơn điện, nước… và vô số những khoản tiền khác cần phải chi trả để họ hiểu được rằng thứ gì là cần thiết. Là người vợ, mỗi chị em phụ nữ cũng nên thẳng thắn phân tích cho chồng hiểu cần phải có sự tích lũy phòng khi gia biến. Nếu vẫn chưa có tác dụng, cách tốt nhất là nên nhờ tới sự can thiệp của bố mẹ chồng để điều tiết lại thói quen chi tiêu của chồng.