Khi bình tâm và nhìn những bức ảnh chồng để lại, tôi đã khóc vì ân hận
Lần đầu tôi thấy chồng rơi nước mắt, anh ném 1 xấp ảnh của những trẻ em khuyết tật và nói với tôi: "Đây, em nhìn đi...".
Tôi chưa bao giờ cảm thấy tự hào khi một người phụ nữ lại làm chủ gia đình cả. Chồng tôi anh ấy chỉ là một giáo viên dạy trẻ khuyết tật, còn tôi là giám đốc của một công ty thời trang. Tôi không kỳ thị nghề nghiệp của anh ấy nhưng tôi cảm thấy mệt mỏi với sự cống hiến cho cộng đồng của anh.
Tuần trước chúng tôi lại cãi nhau. Tất cả chỉ vì anh không chịu thay đổi. Anh luôn nói đó là sự đam mê của anh và anh không thể từ bỏ nó trong khi với mối quan hệ rộng rãi của tôi thì việc xin cho anh một chân vào trường công lập là khá dễ. Hàng ngày anh đến trường làm đủ thứ việc, khi thì làm thầy dạy toán, có khi lại kiêm cả dạy hát nữa. Tôi không phải người kiên trì, có lần đến thăm anh nhìn thấy anh dạy trẻ em thiểu năng học khiến tôi chán ngán. Anh ra trường với tấm bằng giỏi, tương lai rộng mở tại sao cứ phải chôn chân trong cái nơi không có một chút tương lai thế này?
Chúng tôi luôn bất đồng vì điều đó, anh buồn vì tôi không thông cảm cho anh còn tôi thì thấy anh có cái nhìn thật thiển cận. Hàng ngày tôi tiếp xúc với rất nhiều người đàn ông thành đạt, họ khiến tôi so sánh với chồng mỗi lúc về nhà. Tôi không muốn mỗi lần về nhà lại thấy anh đang mang tạp dề nấu ăn. Tôi muốn anh ra ngoài kia và kiếm tiền. Tôi muốn anh khiến tôi ngẩng cao đầu trước bạn bè hay đối tác.
Hàng ngày anh đến trường làm đủ thứ việc, khi thì làm thầy dạy toán, có khi lại kiêm cả dạy hát nữa. (Ảnh minh họa)
Lương anh đã chẳng có, tiền hỗ trợ từ các tổ chức từ thiện thì thiếu. Vậy nên hàng tháng anh còn đem cả tiền nhà đi để trang trải cho học sinh. Tôi là một người vợ, một người mẹ và đang phải là trụ cột cho gia đình mình đã đủ khổ lắm rồi. Vậy mà tôi lại phải gánh thêm tiền trợ cấp cho học sinh của anh khiến tôi mệt mỏi và bực dọc vô cùng.
Cho đến hôm qua, tôi đã hẹn một người bạn có thể xin cho anh một chức vụ ở trường học của họ. Tôi có nhắn tin cho anh địa điểm và thời gian nhưng không nói lý do đến. Khi anh đến nơi, tôi thấy sự bất ngờ ở anh. Có lẽ anh nghĩ chỉ 2 vợ chồng thôi. Một lúc sau chúng tôi bàn công việc và lúc đó anh mới biết là tôi gọi anh đến để xin việc cho anh. Vậy nhưng anh đứng lên thẳng thừng từ chối trước mặt tôi và người kia khiến tôi muối mặt với đối tác.
Khi về đến nhà, tôi điên cuồng đập đồ đạc. Tôi nói với anh rằng tôi xấu hổ khi anh không kiếm ra được nhiều tiền, tôi thấy xấu hổ khi ai đó hỏi anh làm gì. Tôi đã thực sự phát điên vì anh khiến tôi cảm thấy mất mặt trước người khác như thế. Và lần đầu anh to tiếng với tôi, anh nói tôi không tôn trọng anh, anh nói tôi rằng tôi chưa bao giờ hiểu được anh đã làm những gì.
Tôi đã quá ích kỷ rồi, nhưng bây giờ tôi biết làm sao để anh quay về đây? (Ảnh minh họa)
Lần đầu tôi thấy anh rơi nước mắt, anh ném 1 xấp ảnh của những trẻ em khuyết tật và nói với tôi: "Đây, em nhìn đi. Chúng không có một cơ thể và trí tuệ hoàn hảo như em, chúng khiến em khó chịu khi em ở gần. Thế nhưng trên đời này nếu ai cũng giống em thì những đứa trẻ ấy đi về đâu, cuộc đời em may mắn không có nghĩa là em khinh những người không may mắn". Và anh xách vali đi mặc cho tôi van xin anh đừng bỏ đi.
Khi đã bình tâm và nhìn những bức ảnh anh để lại, tôi đã mất cả đêm để xem hết những bức ảnh đó. Tôi đã khóc khi nhìn thấy những nụ cười vô tư ấy, tôi đã khóc khi nghĩ đến việc mình vừa khiến một người chồng tốt như vậy không thể chịu được mình mà bỏ đi. Là tôi sai, nhưng giờ đây tôi không biết làm gì cả.
Tôi đã quá ích kỷ rồi, nhưng bây giờ tôi biết làm sao để anh quay về đây? Hôm nay trời mưa to, mọi ngày khi trời mưa anh lại đang đội mưa đứng đón tôi dưới đường. Như phản xạ tôi xuống đường nhưng chẳng có ai cả. Có phải tôi sẽ mất anh mãi mãi không? Tôi phải làm gì để anh quay về đây?