Khám phá hiện tượng bí ẩn: Cảm thấy điện thoại rung mà không có ai gọi
Bạn có bao giờ thắc mắc về hiện tượng gây nên sự hụt hẫng không hề nhẹ này không?
Hẳn là bạn đã từng một hai lần trải qua hiện tượng thấy điện thoại trong túi quần rung lên nhưng khi kiểm tra thì lại không hề có tin nhắn hay cuộc gọi nào. Mỗi lần như vậy, bạn có thể cảm thấy thất vọng và xấu hổ một chút vì biết rằng não mình vừa tưởng tượng ra một điều không hề có thật. Hiện tượng này được gây ra do thủ phạm có tên là “Hội chứng tưởng tượng rung điện thoại” (Phantom Vibration Syndrome - PVS).
Cứ rút điện thoại ra kiểm tra thì lại chẳng có tin nhắn hay cuộc gọi nào!
Thực tế là “Hội chứng rung tưởng tượng” đã xuất hiện được khá lâu và có rất nhiều người được chẩn đoán là mắc hội chứng này. Nhà tâm lý học David Laramie đến từ Mỹ là người sáng tạo ra thuật ngữ “chứng lo lắng điện thoại rung” (ringxiety) trong luận văn của mình vào năm 2007 về hành vi và cách sử dụng điện thoại di động.
Thật ra, thuật ngữ gốc của từ này là “hội chứng tưởng tượng máy nhắn tin rung” đã xuất hiện từ năm 1996 trong loạt mẩu truyện hoạt hình Dilbert trên báo chí Mỹ. Kể từ đó, nó đã được nghiên cứu trên nhiều đối tượng với đủ độ tuổi, ngành nghề và văn hóa khác nhau.
Một nghiên cứu vào năm 2012 trên 290 sinh viên Ấn Độ chỉ ra rằng 89% trong số họ đã từng trải qua hiện tượng này, trung bình khoảng 1 lần 2 tuần. Nạn nhân của nó cũng không chỉ có các thanh niên nghiện điện thoại. Một nghiên cứu khác dành cho các nhân viên bệnh viện mà thường xuyên sử dụng máy nhắn tin và điện thoại tại cơ quan cũng khám phá ra rằng 68% trong số 176 người tham gia cũng nói rằng họ cũng từng cảm thấy ảo giác kì quái này.
Việc nghiện điện thoại liệu có thể là nguyên nhân dẫn đến hội chứng này?
Bên cạnh cảm giác rung tưởng tượng, nghiên cứu vào năm 2007 của Laramie trên 320 người lớn cũng tìm thấy bằng chứng cho ảo giác về âm thanh nữa. Hai phần 3 số người tham gia nghĩ rằng họ thậm chí còn nghe thấy tiếng điện thoại rung lên nữa.
Nhưng tại sao người ta lại có thể mắc hội chứng này thì vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Trong nghiên cứu vào năm 2010 ở trên, các nhà nghiên cứu đến từ Massachusetts của Mỹ đặt giả thuyết rằng những tín hiệu giả hiệu này “có thể là kết quả của việc xử lí sai các tín hiệu cảm giác của vỏ não”.
Họ giải thích rằng để đối phó với lượng thông tin quá tải từ các cơ quan cảm giác, não bộ đã “sàng lọc” dựa vào thông tin mà nó muốn nhận được. Đây là quá trình mà được gọi là “sự tìm kiếm được định hướng theo giả thuyết”. Đối với chứng rung tưởng tượng, vì não bộ đang mong đợi một cuộc gọi, nên nó diễn giải sai các thông tin cảm giác theo đúng những gì nó muốn. Những thông tin thực tế được hiểu sai có thể là sự co cơ, quần áo cọ vào người, hoặc các kích thích tri giác khác.
Một giả thuyết cho rằng khi mong muốn việc gì đó xảy ra, não bộ sẽ đánh lừa chúng ta và gây ra ảo giác.
Gần đây, một nghiên cứu về điện thoại của trường Đại học Michigan đã chỉ ra rằng “ringxiety” (tạm dịch: chứng lo lắng điện thoại rung) có mối liên hệ với sự bất an. Nghiên cứu phát hiện ra những người hay lo lắng trong tình cảm (do cảm thấy bất an trong mối quan hệ) thì thường dễ mắc chứng ảo giác điện thoại rung. Điều này xem chừng có lý: Nếu bạn cảm thấy lo lắng về mối quan hệ yêu đương của mình, bạn sẽ cảm thấy ám ảnh rằng liệu người yêu có đang nhắn tin cho mình không. Trông chờ một tin nhắn hay cuộc gọi, hoặc lo nghĩ rằng có điều gì đó mình phải được biết, có lẽ đã gây ra tình trạng ảo giác rung này.
Rất nhiều người là nạn nhân của hội chứng PVS.
(Nguồn: Mentalfloss)