Khách Tây gặp sự cố nhớ đời khi nói "Tôi Không Hiểu", nghe giải nghĩa mới thấy Tiếng Việt phức tạp cỡ nào
Sau vụ này, khách Tây lại càng thêm thấm thía, đúng là "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam".
Là một ngôn ngữ ai học cũng than trời vì khó, Tiếng Việt không chỉ giàu nhạc điệu, hình ảnh, ngữ nghĩa mà nếu muốn dùng đúng thì phải hợp hoàn cảnh và lối sống. Rất nhiều người nước ngoài đã học chắc kiến thức Tiếng Việt, tưởng rằng có thể tự tin dùng mọi nơi nhưng vẫn có những hiểu lầm ngớ người. Bên cạnh đó còn tạo ra những tình huống dở khóc dở cười.
Trong một lần chia sẻ trên YouTube về những nhầm lẫn hài hước khi sử dụng Tiếng Việt, một vị khách người Thuỵ Sỹ đã thừa nhận rằng mình đã dùng sai từ "TÔI KHÔNG HIỂU". Cụ thể, vị khách nữ đã học chắc chắn rằng, khi mình không hiểu thì sẽ nói với đối phương "Ơ...ơ mình không hiểu".
Tuy nhiên, cái kết nhận về chỉ là người đó nói to hơn thôi. Còn nếu muốn thể hiện đúng ý không hiểu thì phải dùng một từ khác.
Khách nước ngoài gặp tình huống dở khóc dở cười khi dùng Tiếng Việt.
Người nước ngoài vô cùng bất ngờ khi dù đã bày tỏ rõ ý đồ của mình qua câu nhưng hầu hết người Việt cô gặp chỉ nói to hơn chứ không hề nói chậm lại hay giải thích rõ ràng.
Tuy nhiên, sau nhiều năm quan sát và tìm hiểu thì cô cũng đã hiểu ra nếu muốn nói cho người khác biết rằng mình không hiểu thì phải nói "HẢ?", "CÁI GÌ?". Câu nói ngắn gọn và tưởng chừng không liên quan này lại chính là cách nhanh nhất để diễn tả suy nghĩ không hiểu của bản thân.
Điều này cũng khiến cho nhiều người Việt phải ngã ngửa vì quá đúng mà trước nay không hề để ý. Tuy vậy, đây chỉ là những câu nói thông dụng hằng ngày dành cho những người bằng hoặc kém tuổi có mối quan hệ thân thiết. Còn đối với những người lớn tuổi hoặc để nói lịch sự, trang nhã thì không nên dùng những từ này.
Khách Tây ngớ người khi nhận ra nếu muốn nói rằng mình không hiểu thì phải dùng "hả?", "cái gì?".
Cũng với những tình huống trớ trêu của người nước ngoài với Tiếng Việt là một anh chàng người Nhật được "mời ăn cơm". Tuy nhiên, anh lại không biết đây chỉ là lời mời xã giao của người Việt, nên đã nhanh nhẹn làm theo. Và khi đó nhận về những ánh mặt ngạc nhiên, tạo nên tình huống ngượng chín mặt.
Vì vậy, để sử dụng tốt Tiếng Việt còn cần sự am hiểu về văn hoá, lối sống, nếu ai còn lơ mơ thì chắc chắn sẽ rơi vào tình huống ngượng ngùng ngay.
Tình huống ngượng chín mặt của chàng trai người Nhật.
Nguồn: Hàng Xóm Tây