Bà mẹ quay clip ngồi vò liên tục 1 TỜ GIẤY TRẮNG, ai cũng tưởng "có vấn đề", nghe câu chốt mới VỠ ÒA: Dạy con thế này quá hay rồi!
Không ai biết tại sao bà mẹ này cứ ngồi vò nát tờ giấy, cho tới khi nghe thông điệp sau cùng.
Bắt nạt học đường là một vấn đề không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Chính vì thế, nó luôn là nỗi lo lắng thường trực của các cha mẹ có con đang trong độ tuổi đi học.
Khái niệm bắt nạt không chỉ đơn thuần là đánh đập, gây tổn thương về mặt thể chất. Những lời nói, chế giễu cũng có thể để lại vết sẹo lớn trong lòng, và rất khó để phục hồi. Tiếc thay, vết thương ấy là vô hình, rất khó để nắm bắt. Nạn nhân có thể bị chấn động tâm lý, thậm chí hình thành rối loạn lo âu hoặc trầm cảm. Một số trường hợp dẫn đến tự sát.
Một bà mẹ mới đây đã dạy con về bắt nạt nhận về gần 400 ngàn lượt xem. Trong video, cô dùng một tờ giấy trắng, và yêu cầu con nói "những điều tồi tệ" với tờ giấy đó. Trong khi đứa trẻ nói những lời tiêu cực như "Gia đình không yêu bạn"; "Bạn quá béo"; "Bạn quá xấu xí"... thì bà mẹ lại vò một góc của tờ giấy cho đến khi nó nhăn nhúm lại hết cỡ.
Sau đó, bà mẹ yêu cầu con nói xin lỗi với tờ giấy và bắt đầu kéo phẳng nó ra như lúc đầu. "Tờ giấy có phẳng lại được không?", cô hỏi. Khi con trả lời rằng không thể, cô kết thúc bài học nhỏ bằng cách đưa ra thông điệp sâu sắc: "Đó là lý do tại sao chúng ta không nên bắt nạt người khác".
Bà mẹ dạy con về bắt nạt.
Có một nỗi đau mà hậu quả và mức độ tổn thương có thể còn lớn hơn nỗi đau đòn roi. Đó là lời nói tiêu cực mỗi ngày chúng ta đặt vào người khác. Lời nói ra như nước đổ đi, không sao hốt lại cho đầy. Dù có xin lỗi thì mọi chuyện cũng không quay về như cũ nữa. Vì vậy, hãy tránh những lời tiêu cực.
Video chỉ vỏn vẹn 30 giây của bà mẹ này nhận về hàng trăm bình luận khen ngợi. Thay vì dạy con bằng lý thuyết suông, phương pháp sáng tạo của bà mẹ khiến con dễ tiếp thu mà không quá sáo rỗng, giáo điều.
Con bắt nạt bạn, phải làm sao?
Bố mẹ có thể bắt đầu bằng việc giải thích cho con bắt nạt là gì, những việc con làm vì sao được coi là hành vi bắt nạt người khác. Bố mẹ hãy cho trẻ cơ hội nói ra lý do tại sao làm như vậy, tránh đổ lỗi.
Sau đó, bạn hãy giúp con hiểu hành vi đó ảnh hưởng đến người khác như thế nào và đặt trường hợp có người làm lại việc đó với con và gia đình, con có cảm giác ra sao. Bắt nạt là hành vi sai trái và phải chấm dứt ngay, đây là điều quan trọng nhất bạn cần nhấn mạnh cho con hiểu.
Trong nhiều trường hợp, vì trẻ bị bắt nạt nên hình thành tâm lý muốn bắt nạt người khác để giải tỏa và cảm thấy an toàn. Việc trẻ thường xuyên xem các video, câu chuyện trên mạng khuyến khích bắt nạt và học theo cũng là một trong những lý do phổ biến khác. Phụ huynh cần giám sát chặt chẽ hơn việc sử dụng điện thoại di động, Internet và xem tivi của con, tránh việc con xem những chương trình độc hại.
Luôn là hình mẫu cho con. Cần cho trẻ thấy bạn luôn đối xử với người khác bằng sự tôn trọng và có tấm lòng nhân ái. Dành thời gian cho con đi chơi, tham gia các hoạt động mang tính cộng đồng hoặc cho con học thêm một môn nghệ thuật thay vì bỏ mặc trẻ xem video trên mạng một mình.