Kết quả xét nghiệm chính thức vụ nước có mùi khét ở Hà Nội: Chất Styren từ dầu thải gây ra có thể gây ung thư
Chiều 15/10 UBND TP Hà Nội đã có thông báo chính thức về kết quả xét nghiệm mẫu nước lấy từ các hộ dân phản ánh về nguồn nước sinh hoạt có mùi khét, hôi, khó chịu đang gây xôn xao trong thời gian vừa qua.
Theo đó, các cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Sở Y tế Thành phố đã lấy nhiều mẫu nước tại nhiều vị trí khác nhau để xét nghiệm. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật của Thành phố theo QCVN 01:2009/BYT xác định:
Các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần (tại các vòi hộ gia đình, hàm lượng Styren thấp hơn tại nhà máy và các điểm chứa trung gian).
Các chỉ tiêu giám sát nước độ A: 8/8 mẫu nước đạt quy chuẩn đối với 14/15 chỉ tiêu giám sát. Chỉ tiêu mùi vị là không đạt.
Từ kết quả xác minh, kết quả giám định xác định mùi “khét” có tại trong nguồn nước tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy tại các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất Styren có từ dầu thải gây ra.
Về vấn đề trên, sáng nay tại buổi tiếp xúc cử chi, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: "Có thể nói, nguồn ô nhiễm này do ở trên đầu nguồn nước có một số người dân đã đổ dầu phế thải vào đầu con suối, sau đó chảy ra hồ và nhà máy không kiểm soát tốt dẫn đến chảy vào hệ thống lọc nước của nhà máy".
Từ hệ thống lọc nước này đã chảy vào hệ thống nước ăn của người dân. Đây chính là nguyên nhân tạo ra mùi bất thường. Mùi này qua kết quả xét nghiệm xác định, đó là liên quan đến chất Styren và có tỷ lệ từ 1,3 - 3,6 lần cao hơn so với mức bình thường.
Tho các chuyên gia y tế, Styren là hóa chất dùng trong công nghiệp hay dùng để chế tạo sơn, nhựa có thể gây hại tới sức khỏe con người. Tiếp xúc lâu dài có thể gây ung thư.
Styrene là một hợp chất hữu cơ có công thức hóa học C6H5CH=CH2, thường được sử dụng trong sản xuất hộp xốp đựng đồ ăn. Styrene đã được chứng minh có khả năng gây tổn hại đến ADN.
Vì thế, bạn hãy chuyển sang đựng đồ ăn bằng hộp inox hoặc nhôm… Nếu nhất thiết phải sử dụng hộp xốp, cốc xốp… thì chú ý không được đựng đồ nóng trong đó, đặc biệt là thức ăn nhiều dầu mỡ vì có thể giải phóng styrene.