Kết cục đau thương của vị phi tần dám chống lại Từ Hi Thái Hậu - "mẹ chồng" tàn nhẫn nhất trong lịch sử Trung Quốc
Từ Hi Thái Hậu là một trong những người phụ nữ tàn nhẫn và nắm quyền lực cao nhất của đế quốc Trung Hoa trong một thời gian dài. Trân Phi có lẽ là phi tần duy nhất dám chống lại bà nhưng lại nhận kết cục quá thảm thương.
Một trong những vị phi tần có tư tưởng phóng khoáng nhất lịch sử Trung Quốc
Trân Phi xuất thân từ gia tộc Tha Tháp Lạp Thị, một dòng họ không mấy hiển hách nếu không muốn nói là tương đối thấp kém thời nhà Thanh.
Là con của vợ lẽ, từ nhỏ đã sinh sống ở Quảng Châu – nơi có người nước ngoài xuất hiện nên bà được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Chính vì vậy mà Trân Phi có tư tưởng rất phóng khoáng, tính cách hoạt bát lanh lợi, luôn tò mò và hứng thú tìm hiểu những điều mới lạ của phương Tây.
Bà còn có sở thích chụp ảnh và giả trai, đây quả là một trong những vị phi tần thú vị nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Trở thành sủng phi của vua nhờ sự thông minh và tính cách đặc biệt
Vào năm Quang Tự thứ 14 (1888), sau khi trải qua 4 lần tuyển tú, Trân Phi chính thức được nạp vào cung làm phi tần của Hoàng đế Quang Tự.
Bởi Trân tần có dung mạo diễm lệ, lại am hiểu văn hóa phương Tây, thời ấy vua Quang Tự luôn muốn học hỏi để cải cách đất nước, phá bỏ những luật lệ cũ kỹ của triều đại phong kiến nên bà được nhà vua sủng ái và yêu thương hết mực.
Trong cung, vua Quang Tự là người nổi tiếng với tính khí nóng nảy, thất thường và thường xuyên đập phá đồ đạc khi phê duyệt tấu chương. Người hầu và thái giám đều không dám lại gần thư phòng, thậm chí nơi đây còn bị coi là cấm địa của phi tần, duy chỉ có nàng Trân Phi là không sợ tính vua và chẳng bao giờ bị ông mắng mỏ. Thậm chí ông còn thường xuyên cho gọi Trân Phi để cùng mình bàn bạc chuyện triều chính, mỗi lần như vậy bà thường cải trang bằng cách mặc đồ hàng ngày của vua hoặc đồ của thái giám. Điều ấy chứng tỏ Trân tần không những được Hoàng đế cưng chiều mà còn được ông vô cùng nể trọng, đánh giá cao.
Bị giáng vị vì trái ý "mẹ chồng"
Vốn ban đầu, Từ Hi rất yêu mến Trân tần bởi bà thấy được ở Trân tần hình ảnh của chính mình thời trẻ, một người phụ nữ thông minh lanh lợi, nhạy bén lại thấu tình đạt lý.
Tuy nhiên càng ngày Trân tần càng đắc sủng, đồng nghĩa với việc cháu gái của Từ Hi Thái hậu là Hiếu Định Cảnh Hoàng hậu bị vua ghẻ lạnh, hắt hủi. Hoàng hậu thường xuyên nói xấu Trân Phi với Thái hậu, khiến bà sinh lòng căm ghét Trân Phi.
Hơn nữa, Từ Hi luôn can ngăn vua Quang Tự học theo các nước phương Tây, bà luôn muốn giữ nguyên một đất nước Trung Quốc thời phong kiến lạc hậu, ấy vậy Trân Phi lại theo hội Duy Tân mà chống lại bằng cách hàng ngày đều tỉ tê khuyên nhủ Hoàng thượng cải cách theo nền văn hóa phương Tây hiện đại, nên càng bị Thái hậu thù ghét hơn.
Vào năm Quang Tự thứ 20 (1894), nhân dịp đại thọ Từ khánh 60 tuổi của Từ Hi Thái hậu, vua Quang Tự quyết định phong Trân tần lên làm Phi. Tuy nhiên, lễ sắc phong chưa kịp diễn ra thì Trân Phi bị Thái hậu giáng xuống làm Quý nhân vị tội nhiều lần khất thỉnh, can thiệp triều chính, có thói xa hoa.
Bị Từ Hi Thái hậu ra tay sát hại dã man
Sau khi bị giáng vị, Từ Hi cho người lột quần áo Trân Phi ra đánh đòn, vua Quang Tự xót thương quỳ gối xin tha cho nhưng không thành, Trân phi sau đó bị đày vào lãnh cung.
6 năm sau, khi liên minh 8 nước tấn công vào Bắc Kinh, Từ Hi và mọi người vội vàng tháo chạy, trong lúc loạn lạc, bà vẫn không quên rắp tâm hãm hại Trân Phi. Giữa lúc đó, bà sai thái giám Thôi Ngọc Quý ra tay làm việc này.
Ông ta đến nơi ở của Trân Phi và lôi bà đến một cái giếng. Mặc cho bà tha thiết cầu xin được gặp Thái hậu, Ngọc Quý thẳng tay đạp Trân Phi xuống giếng, hắn còn nhẫn tâm ném vài khối đá to xuống để lấp xác.
Để che giấu miệng lưỡi thiên hạ, Từ Hi Thái hậu quyết định truy phong Trân Phi lên làm Trân Quý phi. Một năm kể từ khi Trân Phi mất, bà mới cho người nhà của vị phi tần này khai quật giếng để an táng. Bất bình thay, di hài Trân Phi không những không được xây lăng mộ mà chỉ được chôn qua loa ở khu mộ dành cho cung nữ phía ngoài Tử Cấm Thành.
Tiếc thay cho phận đời hồng nhan bạc phận đã ra đi một cách đầy đau đớn và tủi nhục, cái chết ấy chính là một bằng chứng thể hiện sắc nét hơn sự tàn nhẫn của Từ Hi Thái hậu.
Hoàng thượng cắn dứt lương tâm và tiếc thương người vợ hiền đoản mệnh của mình, ông không chỉ mất đi một thê thiếp mà còn như mất đi một tri kỉ thấu hiểu tâm tư và nỗi lòng của ông trong công cuộc cải cách đất nước. Giếng Trân Phi sau đó đã trở thành một địa điểm gây ám ảnh nhất Tử Cấm Thành, tương truyền rằng đêm đêm nơi đó vẫn có tiếng khóc than vọng ra từ giếng, lời than chất chứa sự oan ức, sự đau khổ, sự thù hận đến thương tâm của Trân Quý phi.