Kẹo hồ lô - loại kẹo ngọt ngào gắn liền với phim kiếm hiệp
Trong những bộ phim kiếm hiệp của Trung Hoa, không ít đứa trẻ đã bị thu hút bởi những xiên kẹo hồ lô màu đỏ vô cùng hấp dẫn.
Kẹo hồ lô là món ăn truyền thống, gắn liền với tuổi thơ của người dân Trung Quốc nói chung và người dân Bắc Kinh nói riêng. Những viên kẹo hồ lô cũng phổ biến ở các thành phố phía Bắc và Đông Bắc Trung Quốc. Nhưng trong tâm trí người dân Trung Quốc thì kẹo hồ lô không ở đâu có thể sánh được với thủ đô Bắc Kinh. Những người bán rong mang trên mình những cây cột bằng rơm có cắm rất nhiều xiên hồ lô, rong ruổi trên những chiếc xe đạp, những chiếc xe bốn bánh, mang những sắc màu sặc sỡ đi khắp nơi trong thành phố. Tiếng rao chính là thứ âm thanh tạo ra sự khác biệt lớn nhất giữa những người bán rong kẹo hồ lô này với những người bán rong khác.
Chuyện kể rằng vào thời nhà Tống (960 – 1279), một trong những phi tần được sủng ái của hoàng đế Tống Quang Tông (1147 – 1200) mắc phải căn bệnh trầm trọng. Trong khi các thái y trong hoàng cung đều phải bó tay thì một thần y trong dân gian diện kiến xin nhà vua cho phép mình chữa trị. Phương thuốc chữa trị ông đưa ra rất đơn giản, ông viết: bọc những quả táo gai trong nước đường đun nóng, ăn từ 5 đến 10 viên trước mỗi bữa ăn và Vương phi sẽ hồi phục sau 2 tuần. Phương thuốc này đã phát huy tác dụng trong sự kinh ngạc của các thái y và các quan trong triều.
Phương thuốc chữa bệnh này nhanh chóng được lan truyền trong dân gian cho toàn bộ dân chúng như một thức ăn tốt cho sức khoẻ. Người ta bắt đầu sử dụng những xiên kẹo dùng thêm nước đường để gia tăng vị ngọt. Những xiên kẹo ban đầu chỉ xiên 2 quả táo gai, một quả nhỏ ở trên và 1 quả to ở dưới. Điều này khiến cho cây kẹo trông giống những quả hồ lô và cái tên kẹo hồ lô cũng bắt nguồn từ đây. Ngày nay, hầu hết những xiên kẹo hồ lô có từ 8 đến 10 viên/xiên, nhưng người dân Trung Quốc vẫn giữ nguyên cái tên kẹo hồ lô truyền thống của mình.
Ngoài những trái táo gai, người ta còn thêm vào những thành phần khác như quả quất vàng, hạt dẻ nước hay hạt chà là để làm nhân kẹo. Phần vỏ bọc ngoài cũng sử dụng nhiều loại hoa quả như trái kiwi, dâu tây, trái dứa, nho khô và cả socola nữa. Màu sắc đỏ tượng trưng cho sự may mắn và tốt lành vẫn được dùng là gam màu chủ đạo, nhưng xen vào đó là các màu sắc khác của hoa quả khiến cho xiên kẹo trở nên hấp dẫn đặc biệt với cả người lớn và trẻ nhỏ.
Cách làm ra những xiên kẹo hồ lô cũng rất đơn giản. Việc đầu tiên là rửa, tách hạt và xâu những quả táo gai đã tách hạt vào que tre. Sau đó nhúng những que táo gai này vào trong nước đường đun nóng (thắng đường cho đến khi kéo được thành sợi). Công đoạn cuối cùng là để nguội để tạo thành một lớp vỏ cứng và giòn cho những viên kẹo. Một số thành phần khác như khoai lang hay hạt dẻ nước sẽ được hấp trước khi đem làm kẹo hồ lô. Để làm cho những viên kẹo được tròn đẹp, những quả táo gai sẽ được nhồi thêm đậu xanh hoặc những loại nhân khác.
Chất lượng của những viên kẹo hồ lô phụ thuộc vào tay nghề của từng người làm kẹo. Với những người làm kẹo việc điều chỉnh nhiệt độ là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến chất lượng của viên kẹo. Nếu nhiệt độ thắng đường quá thấp, viên kẹo sẽ bị dính. Còn nếu quá cao thì lớp vỏ ngoài của kẹo sẽ trông tối màu và mùi vị cũng giảm hấp dẫn đi phần nào.
Ngày trước, cứ phải chờ đến mùa lạnh người ta mới được thưởng thức những cây kẹo hồ lô tuyệt hảo này. Nhưng giờ đây, bốn mùa trong năm đều có những viên kẹo xinh xắn với đủ sắc màu đỏ, xanh, xen vào đó là các màu như cam, tím, xanh da trời….
Kẹo hồ lô cũng xuất hiện nhiều trong nghệ thuật. Người Trung Quốc đã sáng tác bài hát về những viên kẹo ngọt và có hẳn một bộ phim truyền hình dài tập do nữ diễn viên nổi tiếng Từ Cầm Ca Oa đóng vai chính mang tên Kẹo Hồ Lô. Viên kẹo xuất hiện nhiều nhất trong các bộ phim cổ trang càng tăng thêm vị thế đặc biệt của nó trong truyền thống của người Trung Quốc. Thời phim kiếm hiệp được chiếu rộng rãi ở Việt Nam, những xiên kẹo hồ lô đã trở thành niềm ao ước, nỗi mong mỏi của mỗi đứa trẻ, và trở thành hình ảnh gắn liền với tuổi thơ say mê màn ảnh nhỏ.