Kẹo dứa hỗ trợ giảm béo được quảng cáo "mỗi ngày 1 viên, một tháng giảm 10 ký": Bảng thành phần trên bao bì có thể giúp giảm cân nhanh trong thời gian ngắn?

TH,
Chia sẻ

Ngoài những thành phần nguyên liệu bao gồm ca cao, khổ qua, chè vằng, lá sen..., loại kẹo hỗ trợ giảm béo này còn có những phụ liệu đi kèm như cacao đen nguyên chất, avicel, amidon, Talc...

Kỳ 1: Kẹo dứa giảm cân thần kỳ gây sốt MXH "mỗi ngày một viên, một tháng giảm 10 ký": Chất lượng sản phẩm có đúng như tung hô?

Kỳ 2: Kẹo dứa hỗ trợ giảm béo được quảng cáo "mỗi ngày 1 viên, một tháng giảm 10 ký": Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm chỉ ra điểm bất thường

Theo như phản ánh từ kỳ trước "Kẹo dứa giảm cân thần kỳ gây sốt MXH "mỗi ngày một viên, một tháng giảm 10 ký": Chất lượng sản phẩm có đúng như tung hô?", trên các trang bán hàng, MXH bán kẹo dứa quảng cáo rằng để làm ra một viên kẹo dứa, nhà sản xuất phải sử dụng một quả dứa tươi được cô đặc lại, tức là "một quả dứa = một viên kẹo".

Tuy nhiên, thực tế, trên bao bì sản phẩm thì thành phần trong kẹo bao gồm các thành phần khác nhau và chỉ có chiết xuất quả dứa với hàm lượng nhất định chứ không phải một quả dứa tươi thiên nhiên như người mua tưởng tượng. 

Các thành phần nguyên liệu được ghi trên bao bì gồm có ca cao, khổ qua, chè vằng, lá sen, sâm đất và chiết xuất quả dứa. Ngoài ra còn có những phụ liệu đi kèm như cacao đen nguyên chất, avicel, amidon, Talc, Polyvinyl Pyrrolidone 30, hương liệu chocolate tổng hợp vừa đủ 1 viên.

Kẹo dứa hỗ trợ giảm béo gây sốt trên Tiktok: Bảng thành phần nguyên liệu trên bao bì có thể giúp giảm cân nhanh trong thời gian ngắn? - Ảnh 1.

Đọc thành phần nguyên liệu

Lương y Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho biết, dứa, lá sen, chè vằng, sâm đất, khổ qua đều là những loại thực phẩm đồng thời là thuốc chữa bệnh trong Đông y. "Riêng về công dụng giảm béo, đúng là những vị này đều có thể hỗ trợ phần nào bên cạnh chế độ ăn uống lành mạnh, kết hợp tập thể dục điều độ. Nhưng không có chuyện chỉ dùng những thành phần này là có thể giảm béo nhanh chóng. Chưa kể, lạm dụng dùng quá nhiều có thể gây đau đầu, buồn nôn, ức chế thần kinh…", lương y Bùi Hồng Minh khẳng định.

HLV Lê Quang Đức (Đức thể hình, được cấp chứng chỉ NASM, làm việc tại Hà Nội) cho biết, dựa trên bao bì sản phẩm và đối chiếu nghiên cứu có thể thấy:

HLV Lê Quang Đức đọc thành phần nguyên liệu của kẹo dứa hỗ trợ giảm béo.

1. Chiết xuất quả dứa: 300mg

Một nghiên cứu trên động vật được công bố vào tháng 4/2018 trên Tạp chí Khoa học Thực phẩm và Công nghệ Sinh học phát hiện, nước ép dứa có thể làm giảm sự hình thành chất béo và gia tăng sự phân hủy chất béo. Tuy nhiên cần có nhiều nghiên cứu hơn ở người để xác nhận kết quả đó.

2. Chiết xuất lá sen: 220mg

Chiết xuất lá sen được biết đến với tác dụng tăng cường chuyển hóa lipid, ngăn chặn quá trình tích tụ lipid và điều trị chứng rối loạn lipid máu. Một nghiên cứu vào năm 2010 về chiết xuất lá sen và L-carnitine cho thấy, việc điều trị đơn lẻ dung dịch chiết xuất lá sen đã điều chỉnh độ phân giải lipid và làm giảm sự hình thành mỡ. Ngoài ra, L-carnitine làm tăng quá trình oxy hóa beta trong các tế bào mỡ chính của con người. Điều quan trọng là phương pháp điều trị kết hợp chiết xuất lá sen và L-carnitine làm giảm đáng kể sự tích tụ chất béo trung tính so với việc sử dụng những nguồn chất béo đơn lẻ tự nhiên này.

Một nghiên cứu vào năm 2015 ở chuột mắc chứng rối loạn lipid máu cho thấy, chiết xuất cồn của lá sen có thể có khả năng điều trị rối loạn lipid máu nhưng không đủ mạnh để giảm nồng độ cholesterol hoặc chất béo trung tính xuống mức mục tiêu.

Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy chiết xuất nước lá sen làm giảm đáng kể khối lượng mỡ nội tạng và cải thiện tình trạng kháng insulin ở người béo phì do chế độ ăn nhiều chất béo gây ra.

Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy, việc bổ sung chiết xuất cồn lá sen trong chế độ ăn uống tác động tích cực đến hàm lượng lipid huyết thanh, ức chế quá trình hình thành axit béo, tăng cường quá trình dị hóa và xuất khẩu lipid.

Kẹo dứa hỗ trợ giảm béo gây sốt trên Tiktok: Bảng thành phần nguyên liệu trên bao bì có thể giúp giảm cân nhanh trong thời gian ngắn? - Ảnh 3.

Chiết xuất lá sen được biết đến với tác dụng tăng cường chuyển hóa lipid , ngăn chặn quá trình tích tụ lipid và điều trị chứng rối loạn lipid máu.

3. Chiết xuất khổ qua: 50mg

Một bài đánh giá vào năm 2015 cho thấy, việc bổ sung mướp đắng có vai trò rất tốt để điều trị bệnh béo phì và các chứng bệnh liên quan trong hội chứng chuyển hóa.

4. Chiết xuất sâm đất: 50mg

Trong một nghiên cứu vào năm 2015 được công bố trên Tạp chí Dược phẩm Thế giới cho thấy, chiết xuất từ cây sâm đất có thể chống béo phì.

Như vậy, các chiết xuất trong kẹo dứa hỗ trợ giảm béo được niêm yết trên bao bì sản phẩm có thể hỗ trợ bạn trong quá trình giảm cân giảm mỡ. "Tuy nhiên, hàm lượng khá thấp, do đó có tác dụng không đáng kể", HLV Lê Quang Đức đánh giá.

Vị huấn luyện viên đặc biệt lưu ý 2 vấn đề: "Một là, đây là những thành phần được niêm yết ở ngoài bao bì sản phẩm. Hai là, những thành phần được niêm yết trên bao bì sản phẩm chỉ có tác dụng hỗ trợ bạn trong quá trình phân giải lipid khi thực hiện calorie deficit chứ không có chuyện chỉ cần ăn 7 viên kẹo dứa hỗ trợ giảm béo là giảm ngay 2kg như quảng cáo. Nếu các bạn vẫn ăn calo in > calo out thì dù có sử dụng các loại chiết xuất có trong loại kẹo dứa này ở hàm lượng cao đi nữa thì vẫn tăng cân bình thường".

Kẹo dứa hỗ trợ giảm béo gây sốt trên Tiktok: Bảng thành phần nguyên liệu trên bao bì có thể giúp giảm cân nhanh trong thời gian ngắn? - Ảnh 4.

Chiết xuất sâm đất: 50mg có trong kẹo dứa hỗ trợ giảm béo.

Đọc thành phần phụ liệu

Thành phần phụ liệu được in trên bao bì của kẹo dứa hỗ trợ giảm béo được PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN) phân tích như sau:

1. Cacao đen nguyên chất

Đây là thành phần được nhận định có khả năng hỗ trợ giảm cân, đốt cháy chất béo rất tốt. Cũng có nhiều nghiên cứu nói về cacao đen nguyên chất giúp giảm cân. Tuy nhiên, chuyên gia nhận định chỉ là những nghiên cứu nhỏ lẻ, mang tính kinh nghiệm cá nhân nhiều hơn.

2. Avicel

PGS.TS Trần Hồng Côn nhận định, đây là một chất dạng bột, cho vào sản phẩm nhằm tăng hàm lượng chất xơ. Với bất cứ loại thực phẩm nào có bổ sung Avicel đều nhằm tăng cường chất xơ cho cơ thể chứ cũng không gây hại gì cho sức khỏe.

3. Amidon

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, Amidon là một hợp chất được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. "Tuy nhiên không thấy dùng hợp chất Amidon trong thực phẩm nên khó xác định được vai trò của nó khi xuất hiện trong loại kẹo này", chuyên gia nhận định.

Kẹo dứa hỗ trợ giảm béo gây sốt trên Tiktok: Bảng thành phần nguyên liệu trên bao bì có thể giúp giảm cân nhanh trong thời gian ngắn? - Ảnh 5.

Không thấy dùng hợp chất Amidon trong thực phẩm nên khó xác định được vai trò của nó khi xuất hiện trong loại kẹo này.

4. Talc

Đây là một chất độn trơ rất tốt được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó được dùng nhiều trong tạo ra những viên thuốc. Tuy nhiên, nó không hề gây tác động lên chất lượng thuốc cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

5. Polyvinyl Pyrrolidone 30

Đây là chất hữu cơ được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, được sử dụng nhiều nhất trong sơn, thuốc đánh răng. Đây là một loại chất để làm khít, làm dính những thành phần lại với nhau. Chất này được FDA, Liên minh châu Âu khuyến cáo dùng trong phụ gia thực phẩm, sử dụng trong công nghệ làm bia rượu…

Một nghiên cứu trên chuột cho thấy, sử dụng với hàm lượng cao dẫn đến hiện tượng yếu cơ, phù nề, kích thích dị ứng, làm nổi mẩn ngứa trên người.

Tóm lại, thành phần phụ liệu của kẹo dứa hỗ trợ giảm béo cũng có một vài thành phần hỗ trợ giảm cân, có thành phần gây hại sức khỏe nhưng không có hàm lượng cụ thể nên rất khó xác định được tác động đến đâu.

Ngoài ra, lời khuyên đi kèm trên bao bì là: Hạn chế sử dụng các đồ ăn nhiều tinh bột, nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, các đồ uống có ga, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, kết hợp tập thể dục phù hợp, nên uống 2-3 lít nước mỗi ngày. Giới chuyên gia cùng nhận định, những gì ghi trên bao bì của sản phẩm khác xa với lời quảng cáo mà bạn có thể bắt gặp trên Tiktok. Cùng bảng thành phần nguyên liệu, phụ liệu như trên, bạn cần cân nhắc những sản phẩm này khi muốn gắn vào lối sống lành mạnh của mình.

ThS.LS Hoàng Hương Giang (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều thông tin quảng cáo "thổi phồng" về loại thực phẩm chức năng "kẹo giảm cân" thần tốc khiến cho nhiều người dùng tin vào công dụng của loại thức phẩm này. Tuy nhiên, trên thực tế, sự mập mờ về giấy phép cũng như việc kiểm nghiệm chất lượng của sản phẩm này lại khiến nhiều người bất ngờ và lo lắng.

Dưới góc độ pháp lý, theo quy định tại khoản 23 Điều 2 Luật an toàn thực phẩm năm 2010 và được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 43/2014/TT-BYT của Bộ y tế quy định về quản lý thực phẩm chức năng thì thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học và cả thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt dùng cho người ăn kiêng, người già và các đối tượng đặc biệt khác theo quy định.

Về việc đảm bảo an toàn đối với thực phẩm chức năng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 10 và Điều 14 Luật an toàn thực phẩm như sau:

- Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.

- Có thông tin, tài liệu khoa học chứng minh về tác dụng của thành phần tạo nên chức năng đã công bố.

- Thực phẩm chức năng lần đầu tiên đưa ra lưu thông trên thị trường phải có báo cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng của sản phẩm.

- Tùy từng loại thực phẩm, còn phải đáp ứng một hoặc một số quy định như: Quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Quy định về bao gói và ghi nhãn thực phẩm; Quy định về bảo quản thực phẩm

1. Về việc quảng cáo thực phẩm chức năng

Việc quảng cáo thực phẩm chức năng phải tuân thủ các quy định tại Luật quảng cáo năm 2012 và Nghị định 181/2013/NĐ-CP của Chính Phủ về hướng dẫn chi tiết Luật quảng cáo. Cụ thể căn cứ Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định thì việc quảng cáo thực phẩm chức năng phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp và phải bao gồm các nội dung sau:

- Tên thực phẩm chức năng.

- Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

- Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có);

- Khuyến cáo "Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".

- Nghị định này cũng nghiêm cấm việc quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc. Quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung theo quy định trên.

Do đó, đối với các doanh nghiệp, tổ chức quảng cáo không đúng sự thật, không đúng công dụng của thực phẩm chức năng thì đây rõ ràng là hành vi vi phạm quy định của Luật quảng cáo. Đồng thời, hành vi này còn là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 11 Điều 5 Luật an toàn thực phẩm năm 2010, cụ thể nghiêm cấm việc quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng.

Về chế tài xử lý hành vi này thì được quy định tại Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hòa và quảng cáo, cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không ghi đúng quy định dòng chữ và không đọc hoặc đọc không rõ ràng nội dung khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" khi quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính Phủ

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm thiếu một trong các nội dung: tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm, tác dụng chính và phụ đối với thực phẩm chức năng; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính Phủ

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính Phủ. Ngoài hình thức xử phạt trên thì doanh nghiệp, tổ chức vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 03 tháng đến 05 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 20 tháng đến 24 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng theo quy định tại khoản 5 Điều này.

Ngoài ra, doanh nghiệp, tổ chức vi biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này;

2. Về hành vi có dấu hiệu làm giả Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm thì các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng (Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt) phải thực hiện thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm với Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế theo quy định.

"Qua thông tin báo chí phản ánh cho thấy nếu doanh nghiệp có dấu hiệu sửa chữa, giả mạo Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm thì hành vi này có dấu hiệu của tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác là hành vi của người không có chức vụ, quyền hạn cấp các giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó giống như thật bằng những phương pháp, thủ đoạn khác nhau như đúc, khắc, vẽ, tẩy, xóa, sửa chữa… nhằm thực hiện các hành vi trái pháp luật", ThS.LS Hoàng Hương Giang nói.

Đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức thì sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Nếu trong trường hợp thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; hoặc Làm giả từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; hoặc Phạm tội 02 lần trở lên;…. thì có thể bị phạt tù từ 02-05 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 341 Bộ luật hình sự.

Nếu sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; hoặc thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên, hoặc Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;… thì có thể bị phạt tù từ 03 đến 07 năm tù theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Kỳ 4: Cục An Toàn Thực phẩm cảnh báo kẹo dứa hỗ trợ giảm béo V.I.C chứa chất cấm