Kem Tràng Tiền thật - giả: Không biết đâu mà lần

Xì Trùm,
Chia sẻ

Khi truy cập vào địa chỉ trên vỏ một cây kem Tràng Tiền nhái, người mua giật mình vì đó là website của công ty chuyên cung cấp... sắt thép xây dựng.

Sản xuất kem ở… công ty thép!?

Kem Tràng Tiền là thương hiệu đã có từ lâu đời ở Hà Nội. Ra đời vào năm 1958 và từ đó đến nay kem Tràng Tiền đã trở thành một phần trong văn hóa ẩm thực của đất Hà Thành. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường kem Tràng Tiền đang bị làm nhái một cách trắng trợn khiến người tiêu dùng như lâm vào “mê hồn trận” mà không biết đâu là thật, đâu là giả.

Khắp địa bàn Hà Nội, từ các cửa hàng kinh doanh lớn nhỏ, siêu thị cho đến cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ bình dân đâu đâu cũng thấy treo biển bán kem Tràng Tiền. Trong khi đó, theo bà Nguyễn Hồng Mai - phụ trách truyền thông đơn vị quản lý nhãn hàng "Kem Tràng Tiền" cho hay: "Hiện tại, hệ thống phân phối công ty cổ phần Kem Tràng Tiền có 11 cửa hàng do công ty mở, và hơn 200 đại lý tại Hà Nội. Các đại lý này đều có Giấy chứng nhận đại lý, có biển hiệu có logo của công ty, và có ký Giấy cam kết chỉ bán sản phẩm kem chính hãng của công ty, không bán bất kỳ kem có chữ Tràng Tiền nào khác".


35 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm là cơ sở sản xuất kem Tràng Tiền duy nhất ở Hà Nội hiện nay

Theo thông tin được biết đến thời điểm này, ở Hà Nội mới chỉ có duy nhất một cơ sở sản xuất kem Tràng Tiền là 35 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Song trên thực tế, không chỉ ở khu vực Hà Nội mà ngay cả các tỉnh thành lân cận cũng có nhiều công ty "đụng hàng" thương hiệu kem Tràng Tiền như Công ty CP Kem Tràng Tiền 35, Công ty CP dịch vụ thương mại tổng hợp Tràng Tiền… Từ bao bì, nhãn mác cho đến cả tên gọi “Kem Tràng Tiền” đều được Công ty CP Kem 35 Tràng Tiền “bắt chước” giống hệt. Thậm chí, không ít người mua còn nhầm tưởng “Kem Tràng Tiền 35” là một “nhánh” của Kem Tràng Tiền chính gốc. Vì đều là Công ty CP Kem Tràng Tiền và trên vỏ bao bì sản phẩm còn ghi rõ “Kem Tràng Tiền 35” là cơ sở bán kem Tràng Tiền (35 Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chính hãng có tiếng ở Hà Nội từ mấy chục năm nay.



Hai sản phẩm nhái thương hiệu Kem Tràng Tiền

Giữa một rừng kem đều được gắn mác kem Tràng Tiền, người tiêu dùng phần lớn còn khá mù mờ, phân vân không biết đâu thật đâu giả. Kem Tràng Tiền rởm len lỏi, đột nhập vào mỗi ngóc ngách lớn nhỏ trên khắp địa bàn Hà Nội. Đa phần những hãng kem này đều nhái rập khuôn không khác gì kem thật. Ngay tại một con ngõ trên đường Cầu Giấy dài chưa đầy 500m đã có tới 4 cửa hàng treo biển bán kem Tràng Tiền. Tuy nhiên, mỗi hàng lại bán một loại Tràng Tiền khác nhau và mức giá cũng khá chênh lệch. Lẽ nào Công ty CP Kem Tràng Tiền đã kịp thời tung ra từng ấy sản phẩm trên thị trường cùng một lúc?

Nhiều người không khỏi thắc mắc, cùng ghi là kem Tràng Tiền song giá cả lại nhập nhằng đến mức khó hiểu. Tại một cửa hàng tạp hóa trên địa bàn Cầu Giấy, khi được hỏi mua kem Tràng Tiền, người bán đưa ngay một cây kem đậu xanh có bao bì đựng bên ngoài khác với loại hộp kem Tràng Tiền thông thường với giá 4 nghìn 5 trăm đồng. Trên bao bì ghi rõ: Kem 1A Tràng Tiền của Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp Tràng Tiền có địa chỉ đặt tại 192 Quốc Bảo, Thanh Trì, Hà Nội. Văn phòng giao dịch được ghi trên than vỏ là 1A Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trên que kem còn ghi rõ địa chỉ website là trangtien.com.vn. Nhưng khi truy cập vào địa chỉ website trên, thì đó lại là trang web của công ty Cổ phần Tràng Tiền có trụ sở tại Đà Nẵng. Đây là công ty hoạt động trên lĩnh vực chuyên cung cấp vật tư xây dựng cho các công trình. Và nếu như người mua có thắc mắc về nguồn gốc, xuất xứ thì chỉ nhận được câu trả lời nước đôi: “Kem nào mà chẳng giống kem nào, chất lượng cũng không thua kém. Chung quy lại đều có chữ Tràng Tiền nên hãng nào mà chả được”. (!?)

Nhập nhằng giá cả giữa kem chính hãng và kem khác loại nhưng cùng tên

Gíá niêm yết của kem Tràng Tiền chính hãng hiện nay được bán trên thị trường dao động từ 6-8 nghìn đồng. Song, chỉ cách đó chưa đầy 200m, ngay cả một cửa hàng cũng trên phố Tràng Tiền có treo biển bán kem Tràng Tiền nhưng với mức giá thấp hơn. Tại các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ như thế này, người mua có thể mua được với mức giá rẻ hơn 20% - 40%. Ít phút trước đó, chúng tôi phải bỏ ra 7 nghìn 500 đồng để mua một cây kem đậu xanh thì ở đây một chiếc kem cùng loại được bán với giá 6 nghìn đồng. Thậm chí chỉ cách đó chưa đầy 200m, ở một đại lý trong ngõ có treo biển bán kem Tràng Tiền với mức giá 5 nghìn đồng cho một cây kem đậu xanh. Có lẽ nào, các cửa hàng con này lại chịu chấp nhận “phần lợi nhuận” ít hơn so với công ty mẹ?!

Đâu đâu cũng thấy treo biển bán Kem Tràng Tiền

Đa phần, người tiêu dùng từ trước tới nay ít thắc mắc về xuất xứ cũng như xem thông tin ghi trên hộp kem. Chỉ đến khi thông tin ăn kem Tràng Tiền dính ruồi được đăng tải rộng rãi trên báo chí thì người tiêu dùng mới tá hỏa. Thực chất, thì đó là sản phẩm của công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền 35. Từ đó khách hàng bắt đầu cẩn thận hơn trong việc chú ý tới nguồn gốc của sản phẩm. Chị H.Hạnh (Đống Đa – Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, mình cũng không quan tâm lắm, thấy ở đâu treo biển bán thì ghé vào mua. Mình cũng ít khi để ý tới nơi sản xuất hay các thông số được ghi trên bao bì. Ăn kem giả mà ngon chẳng khác gì kem thật. Từ bây giờ mình sẽ lưu ý hơn để mua kem Tràng Tiền “xịn” đảm bảo chất lượng. ”

Để an tâm, nhiều người đã tìm đến mua trực tiếp tại địa chỉ 35 Tràng Tiền. Song, không phải ai cũng có điều kiện để đến tận nơi mua. Như gia đình chị Phương (Thanh Nhàn), chị nói cả nhà đều thích ăn kem Tràng Tiền, nhất là hai cậu con trai nhưng vì nhà xa, chỉ một tuần mới lên phố và tiện thì qua Tràng Tiền ăn kem 1 lần thôi. Vì thế, họ vẫn phải sử dụng thông qua con đường trung gian là các đại lý, cửa hàng, tạp hóa. Đó là lý do để những loại kem Tràng Tiền "khác" này vẫn ngang nhiên tồn tại và ngày càng “lấn chiếm” Kem Tràng Tiền chính hãng.  

Chia sẻ