Huyết áp tăng vọt, người đàn ông Hà Nội đi khám, phát hiện bị suy thận: Hối hận vì không sớm làm điều này

Ngọc Minh,
Chia sẻ

Tình cờ đo huyết áp và thấy chỉ số tăng cao, anh N.V.T ở Hà Nội đã đi khám. Tuy nhiên, anh không ngờ bản thân lại bị suy thận mạn ở độ tuổi 32.

Nội dung chính:

- Cẩn trọng với tình trạng tăng huyết áp ở người trẻ.

- Tăng huyết áp ở người trẻ có liên quan tới một số bệnh lý như: suy thận, u thận.

- Cách đo huyết áp đúng.

Cẩn trọng với tình trạng tăng huyết áp ở người trẻ

Anh N.V.T (32 tuổi, Hà Nội) cho biết bản thân có sức khỏe tốt, vẫn đi làm bình thường. Tuy nhiên, trong một lần tình cờ đo huyết áp, anh phát hiện chỉ số huyết áp của mình tăng cao bất thường nên anh T đã đi khám để tìm nguyên nhân.

Kết quả kiểm tra phát hiện anh T bị suy thận mạn độ II. Suy thận chính là nguyên nhân khiến huyết áp của anh T tăng cao.

Anh T đã rất hối hận vì không đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Sự chủ quan đã khiến thận của anh bị suy giảm chức năng lúc nào không hay. Anh T được bác sĩ tư vấn điều chỉnh thói quen ăn uống để bảo tồn chức năng thận, tránh bệnh tiến triển và phải lọc máu chu kỳ.

Huyết áp tăng vọt, người đàn ông Hà Nội đi khám, phát hiện bị suy thận: Hối hận vì không sớm làm điều này - Ảnh 2.

Bệnh thận mạn ảnh hưởng tới huyết áp. (Ảnh minh họa)

ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam cho biết trường hợp như của bệnh nhân T không phải là hiếm gặp. Trong quá trình công tác, bác sĩ đã từng gặp nhiều trường hợp bệnh nhân dưới 40 tuổi nhưng đã bị tăng huyết áp, khi thăm khám mới phát hiện ra nguyên nhân là do suy thận.

Theo bác sĩ, trường hợp tăng huyết áp vô căn ở người trẻ là rất hiếm. Tăng huyết áp ở người trẻ thường có liên quan tới một số bệnh lý như: suy thận, u thận, cường giáp ở phụ nữ.

Bác sĩ Mạnh cũng đã gặp một trường hợp là đồng nghiệp công tác cùng đơn vị, một ngày tình cờ đo huyết áp lại phát hiện huyết áp tăng cao 170mmHg. Sau đó, người đồng nghiệp đã đi khám và phát hiện mắc u tuyến thượng thận. Sau khi vị đồng nghiệp đó phẫu thuật loại bỏ u tuyến thượng thận thì huyết áp đã trở về bình thường.

Bác sĩ cho biết thận không chỉ có vai trò lọc các chất lỏng trong cơ thể mà nó còn giữ nhiệm vụ cân bằng huyết áp ở mức ổn định. Thận bị tổn thương sẽ kéo theo sự suy giảm các chức năng thận, trong đó có khả năng điều hòa huyết áp, khiến chỉ số huyết áp tăng cao. Điều này có thể gây ra các hệ lụy sức khỏe khác cho người bệnh, chẳng hạn như đau tim hoặc đột quỵ.

"Nếu tình trạng tăng huyết áp ở người trẻ là do vấn đề bệnh lý thì khi bệnh nhân điều trị dứt điểm bệnh, chỉ số huyết áp sẽ ổn định trở lại", bác sĩ Mạnh nói.

Mức độ nguy hiểm của tăng huyết áp

Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của động mạch.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu và Hội Tim mạch Việt Nam, tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥90 mmHg.

Theo bác sĩ Mạnh, tăng huyết áp ở người trẻ có thể khiến xơ vữa động mạch hình thành sớm và tiến triển thành các bệnh lý gây ảnh hưởng tới hệ tim mạch và não bộ. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời tình trạng tăng huyết áp ở người trẻ sẽ góp phần ngăn ngừa biến chứng và hạn chế yếu tố nguy cơ bệnh lý tim mạch, não bộ.

Cách đo huyết áp đúng

Bác sĩ Mạnh cũng cho biết thêm việc theo dõi huyết áp là rất quan trọng. Trong đó, mọi người cần phải thực hiện đo huyết áp đúng cách. Khi đo huyết áp cần phải lưu ý những vấn đề sau:

- Nên đo huyết áp vào buổi sáng, lưu ý không uống cà phê, rượu bia, hút thuốc lá trước khi đo huyết áp.

- Người đo huyếp áp cần phải nghỉ ngơi 15-30 phút, đo ở tư thế nằm, ngồi ngả người hoặc tựa thoải mái, tay để ngang trước ngực.

- Nên đo tối thiểu 2 lần, mỗi lần cách nhau 5 phút và đo cả 2 tay (tức tổng cộng 4 lần).

- Nếu phát hiện chỉ số huyết áp tăng cao, người bệnh cần nghỉ ngơi 30 phút rồi tiến hành đo lại.

Chia sẻ