Họp lớp sau 20 năm, tôi nhận ra chân lý: Điểm xuất phát của con cái, chính là cha mẹ
Sau buổi họp lớp, tôi chợt nhận ra khoảng cách giàu nghèo của một người đôi khi lại bắt nguồn từ chính cha mẹ của họ.
*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Tuyết Giai, được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc). Bài viết được phân tích theo cái nhìn của cá nhân tác giả, chỉ mang tính chất tham khảo.
Tháng trước, tôi tham dự cuộc họp lớp đông đủ nhất sau 10 năm kể từ khi tốt nghiệp. Thời gian trôi qua, khoảng cách cả về tình cảm hay địa vị của mọi người ngày càng rõ ràng. Nhìn bạn bè từng rất thân thiết nay lại có đôi phần xa lạ trước mặt khiến tôi khá thích thú. Tôi luôn quan sát xem những người bạn năm xưa của mình bây giờ ra sao, đã thay đổi như thế nào. Động lực nào khiến họ trở nên ưu tú đến như vậy, cũng như điều gì khiến những ngôi sao từng tỏa sáng năm xưa giờ lại dậm chân tại chỗ, bị kìm hãm đến đáng thương.
Sau buổi họp lớp hôm đó, tôi nhận ra 4 sự thật “thô nhưng thật” trong cuộc sống này:
Cuộc sống không chỉ có duy nhất một hướng đi
Vừa mới tốt nghiệp cấp 3, tất cả chúng tôi đều chăm chăm lựa chọn 2 con đường mà ai cũng cho là đúng đắn: thi đại học hoặc là tới các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu để tìm việc làm thuê, gây dựng sự nghiệp.
Lớp trưởng Lý Lệ đã đến Bắc Kinh làm nhân viên bán hàng tại một shop chuyên về các sản phẩm chăm sóc da. Lựa chọn của cô bạn giỏi nhất lớp năm xưa khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng và khó hiểu. Thế mà từ một nhân viên bình thường, sau vài năm nỗ lực, Lý Lệ đã góp nhặt kinh nghiệm rồi nghỉ việc và tự mở cơ sở kinh doanh riêng tại khu trung tâm thương mại sang trọng bậc nhất Bắc Kinh.
Còn Ngô Vy - hoa khôi của trường năm xưa, dưới sự sắp xếp của mẹ đã vào làm tại một doanh nghiệp nhà nước, sống cuộc sống ổn định suốt 9 năm. Đến năm thứ 10, cô bạn này nghỉ việc mà không nói với gia đình, tự đến Thượng Hải học về thiết kế thời trang. Từ đó, cô không còn ngồi nhàn hạ trong văn phòng nữa mà thường xuyên ôm laptop đi đây đi đó, trở thành một NKT năng động, nhiệt huyết, sống đúng đam mê của mình.
Bạn thấy đấy, có rất nhiều hướng đi trong cuộc sống. Dù cùng chung lớp nhưng mỗi người có một con đường riêng và thành công riêng. Không có gì là tuyệt đối trên đời, nhưng nếu biết lắng nghe bản thân, biết mình muốn gì thì có rất nhiều cách để đạt được hạnh phúc - kể cả trong công việc.
Con đường càng dễ đi lại càng nguy hiểm
Nhà văn người Áo Stefan Zweig có một câu nói nổi tiếng: "Tất cả những món quà của số phận đều được định giá một cách bí mật".
Gia Nghi từng là nữ sinh được ngưỡng mộ nhất trong lớp tôi. Sau khi tốt nghiệp, cô bạn này đi làm tại một công ty người quen và nhanh chóng lọt vào mắt xanh của con trai sếp tổng, thuận lợi trở thành nàng dâu nhà hào môn. Thế là trong khi chúng tôi chạy đôn chạy đáo tìm việc hoặc miệt mài mưu sinh, Gia Nghi ngồi trong văn phòng thưởng trà, lướt web, hưởng thụ cuộc sống. Tuy nhiên, khi bố mẹ chồng về hưu, cô bạn này bị sa thải do khả năng làm việc yếu kém. Giữa lúc nước sôi lửa bỏng, cô lại phát hiện chồng mình có nhân tình.
Việc làm dâu nhà hào môn như một món quà trời ban cho Gia Nghi, tưởng là miếng bánh ngon nhưng sau cùng lại trở thành một gánh nặng. Tất cả những may mắn trong cuộc sống đến với ta đều có giá của nó, và chúng như một khoản tín dụng, nếu không có khả năng chi trả thì đừng rút tiền. Phần thưởng đáng giá thực sự chỉ xuất hiện khi ta cố gắng và là người tạo ra nó.
Bước từng bước một, phía trước luôn là ánh sáng
Tại buổi họp lớp ngày hôm đó, bạn học Tiểu Cố đã xúc động nói: "Tất cả chúng ta đều là những con người bình thường nên sẽ có lúc lo sợ rằng mình không đủ tốt, không thể cáng đáng được cuộc sống. Thế nhưng, chỉ cần bước từng bước một, chậm rãi mà chắc chắn, thì phía trước sẽ luôn là ánh sáng”.
Trong tâm lý học có một khái niệm được gọi là "nguyên lý lối đi”, nghĩa là đèn trên các lối đi thường sẽ bị tắt và bạn phải đi đến vị trí đó mới bật lên và soi sáng mọi thứ được. Cuộc sống cũng vậy, thỉnh thoảng xung quanh sẽ toàn bóng tối, hoang mang, ngờ vực khiến bạn sợ hãi. Nhưng đừng lùi bước, vì nếu không tiến tới thì chẳng biết bao giờ “đèn” mới được bật, chẳng thể biết được mình có thể tiến xa đến đâu.
Như cậu chuyện của Gia Nghi, sau khi cuộc sống màu hồng đổ vỡ, cô phải đi rải CV để tìm việc khắp nơi. Cuối cùng được nhận làm nhân viên bán hàng ở một công ty nhỏ. Vì thiếu kinh nghiệm nên thời gian đầu, cô phải nỗ lực trau dồi bản thân, nghiên cứu đủ tài liệu về phạm trù công việc mình làm, tối đến không nghỉ ngơi mà đi làm thêm. Cuối cùng, quả ngọt cũng đến với người biết chăm chỉ nỗ lực. Gia Nghi được thăng chức làm giám sát tài chính cho công ty và được tăng lương. Cuộc sống của cô bạn này cũng tươi sáng hơn trước rất nhiều.
Có thể thấy, cuộc đời là của ta, vậy thì chỉ có thể tự dựa vào mình mà sống. Những tưởng đối thủ để ganh đua là bạn học, là đồng nghiệp nhưng thực ra, người ta cần chiến thắng là chính mình. Chẳng ai biết ngày mai ra sao, chỉ biết là dù ở trong tình huống nào cũng phải luôn tỉnh táo để đối phó với mọi chuyện. Thành công không kiêu, thất bại không nản, nắng thì đội mũ, mưa thì che ô, dù chuyện gì xảy ra cũng hãy ngẩng cao đầu mà bước tiếp, đừng nản lòng vì phía trước dù không thấy “đèn” nhưng chắc chắn sẽ có ánh sáng.
Điểm xuất phát của con cái, chính là cha mẹ
Vương Bác đang là hiệu phó của một trường THPT, con trai cậu ấy đang học trường điểm trong thành phố. Cậu bé có thành tích học vô cùng xuất sắc, cũng đang chuẩn bị thi lấy học bổng ra nước ngoài du học. Tôi có hỏi cậu ấy làm sao để dạy con giỏi một cách toàn diện như thế. Cậu ấy thẳng thắn chia sẻ từ nhỏ đã cho con học trường quốc tế, vì thế mà khả năng ngoại ngữ cũng đã rất tốt. Vì có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong ngành giáo dục, Vương Bác am hiểu tâm lý và kèm việc học cho con trai ngay từ những ngày đầu đi học, cũng bởi vậy mà con trai cậu ấy có nền tảng rất tốt.
Bên cạnh đó, Vương Bác cũng tận dụng nhiều mối quan hệ xung quanh để cho con trai được học ở những môi trường tốt nhất, từ đó khả năng của cậu bé cũng được phát huy một cách tốt đa. Ở những môi trường đó, việc tiếp xúc với những người bạn ưu tú cũng khiến con trai cậu ấy học hỏi thêm nhiều điều hay và hoàn thiện bản thân mình hơn. Nghe đến đây tôi chợt nhận ra câu nói cha mẹ chính là vạch đích của con cái quả không sai.
Trẻ em từ các gia đình ưu tú đọc được tiếp thu tinh hoa giáo dục với cha mẹ của chúng từ khi còn nhỏ. Sau khi trưởng thành, chúng đăng ký vào các trường đại học hàng đầu, sau khi tốt nghiệp, chúng vào làm việc ở các vị trí cao. Con cái của những đứa trẻ này sau đó cũng sẽ tiếp tục cuộc sống như vậy và trở thành hình mẫu của những người khác.
Còn con cái của những gia đình ở tầng lớp thấp hơn, họ không có cuộc sống như thế. Đôi khi đến hai chữ "đại học" chúng cũng chưa từng nghe qua. Sau khi trưởng thành, họ dường như tiếp nối cuộc sống của chính cha mẹ mình rồi vòng tuần hoàn này lại tiếp tục với con cái của chúng sau này. Quả thực, nếu chúng ta ví cuộc đời là một đường chạy tiếp sức, vậy thì cha mẹ chính là vạch xuất phát của con cái. Cha mẹ chạy được càng xa, thì con cái càng gần với vạch đích. Lợi thế của những đứa trẻ “có điều kiện” quả thực nhiều hơn rất nhiều so với một chữ “tiền”.
(Theo Toutiao)