Cô gái người Việt tiết lộ văn hóa làm việc của công ty tài phiệt tại Hàn Quốc
Các Chaebol vừa là sự khao khát, cũng vừa là nỗi sợ của những người đi làm ở Hàn Quốc.
"Chaebol" là một từ tiếng Hàn, dùng để chỉ tài phiệt, những tập đoàn gia đình khổng lồ, ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội, chính trị của xứ kim chi. Ngoài 5 chaebol nổi tiếng nhất là Samsung, Hyundai, SK, LG, Lotte, còn có những công ty tài phiệt với quy mô chẳng hề kém cạnh và đây cũng chính là mục tiêu hướng tới của các sinh viên, người đi làm ở Hàn Quốc.
Đã nhắc tới Chaebol, hình dung chung của nhiều người là đều có môi trường làm việc khắc nghiệt nên nhân viên lúc nào cũng mang đầy áp lực từ công ty đến khi về nhà. Điều này không chỉ thấy qua những câu chuyện thực tế được người trẻ xứ Hàn chia sẻ trên các mạng xã hội mà còn mang lên tận phim ảnh. Không ít nhân vật nữ đã phải trầy trật, dùng mọi mánh khóe để trở thành con dâu nhà tài phiệt, chỉ mong có một vị trí nhất định trong công ty. Hay dù có năng lực cao đến đâu cũng phải tăng ca xuyên ngày đêm để hoàn thành khối công việc khổng lồ, có được hợp đồng.
Nhưng có phải công ty tài phiệt nào cũng tuân thủ văn hóa làm việc như vậy?
Cách tuyển dụng của công ty tài phiệt đứng đầu trong ngành mỹ phẩm Hàn
Ngân Hà - một du học sinh người Việt vừa trúng tuyển vào kỳ thực tập ở AmorePacific.
Đây là một tập đoàn tài phiệt có lịch sử hoạt động từ năm 1932, chính thức thành lập từ năm 1945. Từ những chai mỹ phẩm đầu tiên, AmorePacific đã phát triển và vươn lên đứng đầu trong ngành làm đẹp của Hàn Quốc. AmorePacific sở hữu 84 brands với những thương hiệu nổi tiếng, thông dụng như Hera, Laneige, Innisfree, Sulwhasoo, Espoir, Etude House...
Trong nhiều năm hoạt động, AmorePacific rất hạn chế tuyển nhân viên mới, đặc biệt là người nước ngoài, bởi các nhân sự đều giữ công việc ổn định, nhiều người đã gắn bó từ 10 - 15 năm.
Về kinh nghiệm, vị trí càng cao càng đòi hỏi nhiều, một số vị trí cần tới 5-10 năm kinh nghiệm. Còn thực tập sinh ưu tiên kinh nghiệm 2-3 năm. "Trong ngành mỹ phẩm ở Hàn, không cần làm đúng chuyên ngành học nhưng rất coi trọng kinh nghiệm làm việc, đặc biệt là ở mảng Marketing. Người ta cũng không hỏi mình về chứng chỉ ngoại ngữ, bởi hồ sơ và phỏng vấn đều dùng tiếng Hàn", Hà rút ra sau khoảng thời gian làm quen với công việc trong ngành làm đẹp.
"May mắn cho mình kỳ tuyển thực tập sinh lần này của AmorePacific lại đúng vào đợt Hàn Quốc mở rộng luật. Từ 03/7/2023, các du học sinh và sinh viên, được phép ứng tuyển vào các tập đoàn lớn, với công việc chuyên sâu hơn". Khi nộp hồ sơ ứng tuyển vào AmorePacific, nữ sinh Việt cũng xác định rằng cô sẽ phải cạnh tranh với nhiều ứng viên người Hàn Quốc có năng lực và hồ sơ vượt trội.
Tuyển dụng thực tập sinh bao gồm 2 vòng: vòng hồ sơ và vòng phỏng vấn.
Vòng hồ sơ, ứng viên sẽ phải chuẩn bị 2 thứ là giới thiệu bản thân và Portfolio. Tuy nhiên, theo Ngân Hà, hoàn toàn không có mẫu bắt buộc cho ứng viên.
Phần giới thiệu bản thân, sẽ có 4-5 câu hỏi, mỗi câu hỏi yêu cầu ứng viên phải trả lời với độ dài khoảng 2300 - 2500 chữ. Trong đó có câu hỏi ý hiểu về slogan của tập đoàn, lý do lựa chọn công việc và cảm thấy mình có điểm mạnh gì phù hợp với vị trí này, một sản phẩm mà bạn đang quan tâm thời gian gần đây. Giống như làm các bài thi tự luận, nhưng phía công ty không chấm điểm dựa trên câu trả lời của bạn có đúng không mà sẽ đánh giá quan điểm của bạn có hay, có ấn tượng, có màu sắc cá nhân và tầm nhìn của bạn đến đâu.
"Để làm sao ý tưởng không bị trùng, không bị đại trà so với các ứng viên khác, mọi người nên tìm hiểu trên Youtube của những nhân viên làm trong tập đoàn, bộ phận tuyển dụng hay người làm trong ngành mỹ phẩm. Họ sẽ có những lời khuyên, giúp bạn có thêm lựa chọn để sắp xếp câu từ, ý tưởng. Nên tìm hiểu kỹ về tập đoàn, đồng thời dành ít nhất 1 tuần, hoặc 1 tháng để nghĩ về ý tưởng trước khi bắt tay vào viết hồ sơ và phục vụ cho phần phỏng vấn."
Phần Portfolio, đề bài Ngân Hà nhận được là hãy thiết kế một link, hình ảnh, mà nhà tuyển dụng có thể truy cập vào bất cứ lúc nào để xem các kinh nghiệm làm việc của ứng viên. Cô nàng chọn thiết kế một website. Nên chọn phong cách đơn giản, trình bày rõ ràng, ngắn gọn nhất có thể. Nên thể hiện cụ thể về việc mình đã đảm nhận vai trò gì, đạt được những gì từ những công việc, hoạt động đó.
Vòng phỏng vấn, sẽ hỏi nhiều thí sinh cùng 1 lúc, thời gian diễn ra trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Hai trong số 3 người hỏi phỏng vấn Ngân Hà là chuyên viên tuyển dụng và giám đốc của Innisfree. Và các câu hỏi là ngẫu nhiên.
"Khi phỏng vấn, mình cứ nghĩ sẽ bị hỏi nhiều về kinh nghiệm làm việc nhưng lại bất ngờ khi nhận được câu hỏi liên quan đến cá nhân nhiều hơn. Mình ghi là có kinh nghiệm làm công việc này, công ty sẽ hỏi, khi làm công việc đó mình đã thành công hay gặp khó khăn, thất bại gì chứ không có đòi mình phải miêu tả về điều đó. Những câu hỏi chi tiết nhỏ nhỏ, mình khó có thể đoán trước được, trong số 5 câu mình đã chuẩn bị thì chỉ vào 1 câu. Nhưng nếu đã thực sự làm công việc đó rồi thì ứng viên sẽ hiểu và diễn tả chân thực, chứ bịa ra chắc chắn không thể nào trả lời được."
Đến khi vào làm rồi, Hà mới nghe anh chị nhân viên trong công ty nói rằng, với các tập đoàn lớn, khi cho nhân viên vào đến vòng phỏng vấn thì hầu như họ đã xác định người đó đã đậu và có khả năng làm việc rồi. "Việc phỏng vấn chỉ là để xem tính cách của người đó ra sao, có phù hợp với tập đoàn hay không. Khi đã vào rồi mình cảm thấy tính cách của người trong tập đoàn khá giống nhau, nên làm việc rất thuận lợi và vui vẻ" - Hà nói thêm.
Đi làm không deadline, không team building, được làm nails trong giờ hành chính
Vì trước đó đã làm những công việc liên quan đến ngành làm đẹp nên Ngân Hà đã tìm hiểu và cảm thấy rất thích môi trường làm việc ở AmorePacific: "AmorePacific là một tập đoàn hoạt động lâu đời nhưng cách hoạt động lại rất trẻ trung. Công ty làm về mỹ phẩm nhưng không chỉ thiên về mảng bán hàng mà chú trọng vào giá trị mang lại cho người dùng. Công ty thường xuyên mở trải nghiệm, kết hợp với influencer AI, tiệm bánh nổi tiếng để đưa sản phẩm đến gần hơn với những sở thích của genZ."
Phòng Global Marketing mà Hà thực tập sẽ chia rõ các nhóm, phụ trách thị trường châu Âu, châu Á, châu Mỹ... Riêng nhóm thị trường Đông Nam Á của cô bao gồm 40 thành viên. Các đồng nghiệp hầu hết là những người đã làm việc lâu năm, sinh năm 7x, 8x. Tuy nhiên, cô không cảm thấy có sự khác biệt về suy nghĩ hay quan điểm giữa các thế hệ.
"Mình làm việc ở trụ sở chính, sẽ là những công việc lập kế hoạch Marketing mang tính dài hạn, chiến lược, phục vụ cho năm sau, năm sau nữa. Cho nên, công việc là dạng bao quát. Mình sẽ không cần đặt ra hôm nay nhất định phải làm cái gì. Công ty cũng không quan tâm bạn đang ở đâu trong giờ hành chính. Mình cứ làm sao thì làm, hôm nay mình làm nhiều rồi thì ngày mai mình đến công ty thư thả hơn."
Mỗi ngày, theo quy định sẽ làm 8 tiếng, từ 9h sáng và kết thúc lúc 18h chiều. Nhưng nhân viên có thể linh hoạt, tùy vào sở thích và lịch làm việc cá nhân. "Trước ngày đi làm, nếu muốn dậy trễ thì mình đặt trên app sẵn. Ví dụ 10h - 11h thì thời gian tan làm sẽ đẩy sang muộn hơn hoặc bù vào những ngày sau. Khi mình vào sảnh hay vào nhà ăn, hệ thống sẽ biết và báo là mình còn thiếu, đã sử dụng bao nhiêu thời gian rảnh, bao nhiêu giờ làm cần bù."
Nhân viên có thể đi làm nails trong giờ hành chính và hoạt động của phòng nails cũng chỉ theo giờ hành chính đã quy định, nghỉ trưa.
Ngoài ra, công ty này có website riêng, như một mạng xã hội, hằng ngày sẽ tổ chức những mini game, tương tác, quay số trúng thưởng cho nhân viên tại đó. Phần thưởng có thể là mỹ phẩm của tập đoàn. Hay những đợt họp lớn của tập đoàn thì sẽ có game phát quà giá trị cao như đồng hồ Apple, Samsung.
Điều cô cảm thấy thoải mái hơn cả là công ty không hề có team building mà vào các kỳ nghỉ lễ, nghỉ phép, nhân viên được tùy ý sử dụng thời gian cá nhân.
Sự "tự do" về thời gian không phải luôn màu hồng - không có kết quả tốt thì chấm dứt hợp đồng
Nghe kể thì hẳn nhiều người thấy rằng, nhân viên ở một tập đoàn tài phiệt mà "đi làm như đi chơi" hay như trong cách nghĩ của một số người về sự tự do giờ giấc trong môi trường làm việc mang "màu hồng" đến đầy kỳ vọng. Trái lại, càng tự do thì bản thân nhân viên phải "đánh đổi" bởi những áp lực khác trước những đợt đánh giá nhân viên của công ty.
Dù Ngân Hà mới chỉ ở vị trí thực tập sinh nhưng các công việc mà cô thực hiện đều như của một nhân viên chính thức. "Công việc của mình thực chất không đơn giản mà rất là khó. Để lập được kế hoạch thì cả team phải đi khảo sát bằng nhiều hình thức, thu thập dữ liệu, tổng hợp dữ liệu và làm bảng kế hoạch. Quan trọng hơn là phải làm sao trong buổi thuyết trình phải thuyết phục được lãnh đạo đồng ý với ý tưởng của mình, như vậy kế hoạch mới được duyệt".
"Mình từng chứng kiến rất nhiều nhân viên ôm laptop thâu đêm ở quán cà phê để làm hay sửa báo cáo cho đến khi được thông qua mới dám nghỉ ngơi."
Cấp bậc nhân viên càng cao, thời hạn công việc càng dài. Mục tiêu của những lãnh đạo cấp cao sẽ là doanh thu bao nhiêu trong năm nay, cấp nhỏ hơn là trong tháng này, như thực tập sinh thì sẽ là 1 tuần, 2 tuần. Họ sẽ không quản lý chi tiết từng vấn đề mà hoàn toàn nhìn vào kết quả của mỗi người làm để đánh giá. Do đó, khối lượng công việc ra sao, áp lực thế nào, hoàn toàn phụ thuộc vào lựa chọn cũng như khả năng sắp xếp kế hoạch của bản thân.
Ngoài ra, mỗi tuần, nhân viên trong nhóm sẽ có một cuộc gặp gỡ để cập nhật tình hình công việc của tuần qua, tiến độ như thế nào, đã làm đến đâu và cần hỗ trợ gì hay không. Mỗi quý, cấp trên sẽ tổ chức các cuộc họp lớn hơn về tình hình tăng trưởng, cổ phiếu của công ty.
"Hầu hết những người được tuyển vào đây đều là ký hợp đồng từ 1 đến vài năm, rất nhiều người được lên hạng nhân viên chính thức. Do đó, sẽ có các buổi đánh giá từng nhân viên vào thời điểm nhất định. Nếu không đạt hiệu quả công việc thì sẽ ngưng không tái ký hợp đồng mà không có sự châm chước nào", Ngân Hà tiết lộ.
Mỗi ngày như bước vào trung tâm thương mại, công ty có cả bảo tàng
Với quy mô của một tập đoàn tài phiệt, đương nhiên, công ty này cũng khiến người ta choáng ngợp về độ đầu tư cho trụ sở làm việc. Miêu tả về nơi làm việc của mình, Ngân Hà nói: "Mình cảm giác mỗi ngày đi làm như là đi dạo trong một trung tâm thương mại hay tòa chung cư cao cấp vậy. Tòa nhà của mình có hình lập phương với 21 tầng, đầy đủ các phòng chức năng, quán cafe, bảo tàng, thư viện, shop mỹ phẩm, nhà trẻ, tiệm nails..."
Tòa nhà cao cấp của công ty.
Giờ nghỉ trưa của nhân viên công ty kéo dài 1 tiếng rưỡi, từ 11h30 đến 13h00. Trong thời gian này, thường thì nhân viên sẽ rủ nhau đi cafe ở các tiệm trong tòa nhà. Còn nếu ai không đi, sẽ sử dụng các phòng chức năng được trang bị sẵn như phòng tập gym & pilates, yoga, phòng tắm, thay đồ hoặc ở phỏng ngủ có ghế massage…
Tất cả những hoạt động này đều có thể đặt chỗ thông qua app của công ty.
"Công ty phục vụ nhân viên 3 bữa/ngày. Mỗi ngày sẽ có 6-7 món, mọi người muốn ăn gì thì lấy cái đó. Nhiều hôm dù ít việc nhưng mình vẫn đi làm và ăn đủ ba bữa ở công ty, về nhà không phải nấu nướng thêm", Ngân Hà nói.
Mỗi brand có một khu vực nhà ăn, pha cafe và nghỉ ngơi riêng cho nhân viên.
Một điểm khác biệt của nơi làm việc này so với nhiều tập đoàn khác là ngay trong công ty có một khu vực bảo tàng nghệ thuật và một thư viện. Đây cũng chính là nơi Ngân Hà và các đồng nghiệp cùng nhau thư giãn hoặc trao đổi kinh nghiệm, vừa thưởng lãm vừa trò chuyện. Theo tiết lộ của Hà thì bảo tàng cũng bán vé và cho người bên ngoài vào tham quan.
Vì là bảo tàng có bán vé nên có nhiều góc bị hạn chế chụp và chia sẻ hình ảnh.