Học sinh tiểu học làm bài văn "Tả bạn Minh Hằng", chỉ vỏn vẹn 6 dòng mà GÂY SỐT trên mọi mặt trận: Bạn đọc được chắc 3 ngày chưa hết khoái chí
Chưa nói đến bài văn thì chữ viết quá đẹp, nhìn như chữ in của cậu bé cũng khiến nhiều người trầm trồ.
Kể sao cho hết những tác phẩm tấu hài của lũ trẻ khi được giao nhiệm vụ làm văn tả người này người kia hay kể một câu chuyện nhỏ. Chắc hẳn bạn đã từng cười ngất lên ngất xuống khi đọc những dòng tả người thân như thế này: "Bố em có dáng người thấp đậm, với cái bụng to khác bố người ta bụng thon 6 múi", hay "Mẹ không xinh lắm nhưng bác bán thịt lợn đầu ngõ vẫn phải ngước nhìn". Những thước văn "chân thực" đến phũ phàng quả thực khiến các "nạn nhân" cạn lời.
Nhưng nhân vật "may mắn" sau đây lại được bạn học ưu ái miêu tả với những dòng chữ lung linh như bước ra từ truyện... cổ tích. Cụ thể, khi được yêu cầu: "Em hãy tả một người bạn mà em yêu quý", cậu học sinh tiểu học đã nhanh trí giải quyết được bài văn bằng cách vận dụng các chi tiết trong truyện cổ tích.
Bạn Minh Hằng mà đọc được bài văn này chắc sẽ khoái chí vì mình được bạn tả giống như nàng công chúa xinh đẹp tuyệt trần. Ngoài nội dung thì chữ viết quá đẹp, nhìn như chữ in của cậu bé cũng khiến nhiều người trầm trồ.
Nội dung bài văn: "Em có một người bạn rất thân tên là Minh Hằng. Mắt bạn đen như hai hột nhãn. Da bạn trắng như tuyết. Tóc bạn đen như gỗ mun. Môi bạn đỏ như son. Hàng ngày, em với bạn Hằng thường rủ nhau đi học. Em rất yêu quý bạn Minh Hằng".
Bài văn thú vị của em học sinh nhận được một số bình luận khen ngợi vì thông minh, nhanh trí: "Bé này thông minh ghê. Lấy luôn hình mẫu Bạch Tuyết để tả bạn mình. Nhanh, gọn, lẹ mà lại còn hay nữa. Rất đáng khen"; "Bài văn này đáng yêu quá. Buồn cười cái đoạn tả bạn như tả Bạch Tuyết ấy. Chắc bạn ý cũng phải xinh xắn y như Bạch Tuyết vì trẻ con thấy gì tả vậy, ngây ngô lắm"...
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, giáo viên và phụ huynh nên khuyến khích học sinh tả thực, không theo khuôn mẫu, bởi trên thực tế không phải người thân hay bạn bè nào cũng xinh đẹp, dịu dàng như trong... cổ tích:
- Vậy cứ ghi: Bạn em như Bạch Tuyết, cô có thể google Bạch Tuyết chứ tả làm gì.
- Đây là hậu quả của việc ép các cháu nó làm văn theo mẫu, chứ không để tụi nhỏ làm theo tư duy riêng. Tui năm nay 38 tuổi rồi, mà nhìn bài văn y chang như cách tui làm cách đây 25 năm.
- Giỏi lắm, con đã bứt phá khỏi sự rập khuôn của những bài văn mẫu, con chỉ copy một đoạn trong truyện Bạch Tuyết thôi"...
Quả thật, với trẻ lớp 2, lớp 3 vẫn đang trong giai đoạn tập làm văn, vốn từ của các bé chưa phong phú, nhận thức về cuộc sống chưa nhiều... nên lời lẽ còn rất ngô nghê. Cha mẹ không nên sốt ruột khi thấy con viết văn chưa hay, chưa tốt. Thay vì thế, phụ huynh có thể đưa ra những gợi ý theo phương pháp sơ đồ tư duy để con viết văn tốt hơn.
Sơ đồ tư duy không phải phương pháp xa lạ và đã được nhiều giáo viên, phụ huynh áp dụng. Bằng cách này, trẻ em được tập khả năng phân tích, tổng hợp và giúp ghi nhớ dễ dàng hơn. Ví dụ đối với bài văn tả người thân, cô giáo sẽ hướng dẫn học sinh lập sơ đồ tư duy gồm những thông tin rất cơ bản: Họ tên, tuổi, nghề, sở thích, thói quen, tình cảm của học sinh với người thân.
Dựa vào sơ đồ tư duy, các bé sẽ được viết 1 đoạn văn ngắn khoảng 5 - 7 câu, mỗi câu là 1 nhánh của sơ đồ. Ở các bước này, giáo viên và phụ huynh chỉ hướng dẫn, gợi ý còn lại để cho bé tự tư duy và tự viết. Sau khi học sinh đã quen dần, giáo viên, phụ huynh có thể nâng dần yêu cầu lập sơ đồ và viết văn. Bố mẹ có thể đọc lại từng câu với con, gợi ý con cách đổi vị trí các từ, hay cách diễn đạt khác để nghe trau chuốt hơn.