Học sinh tiểu học được dạy viết văn theo sơ đồ tư duy, phụ huynh hào hứng khoe thành quả "không phải dạng vừa đâu"
Viết văn theo sơ đồ tư duy mới mẻ nhưng mang lại hiệu quả thật sự với các em học sinh tiểu học.
Sơ đồ tư duy không phải phương pháp xa lạ và đã được nhiều giáo viên, phụ huynh áp dụng. Bằng cách này, trẻ em được tập khả năng phân tích, tổng hợp và giúp ghi nhớ dễ dàng hơn.
Thời gian gần đây, nhiều bậc phụ huynh chia sẻ con em mình đã và đang áp dụng phương pháp viết văn bằng sơ đồ tư duy và đạt hiệu quả tích cực.
Chị P.N.B có con gái đang học lớp 2 ở 1 trường tiểu học tại Hà Nội. Ở trường của con gái chị B, giáo viên đã sử dụng phương pháp sơ đồ tư duy trong giảng dạy. Ban đầu, các bé làm quen với việc viết sơ đồ từ chính các bài học tiếng Việt hàng ngày, sau chuyển sang các bộ môn khác và đến khi bắt đầu học tập làm văn thì các con đã rất thành thạo việc lập sơ đồ tư duy.
Ví dụ đối với bài văn tả người thân, cô giáo sẽ hướng dẫn học sinh lập sơ đồ tư duy gồm những thông tin rất cơ bản: Họ tên, tuổi, nghề, sở thích, thói quen, tình cảm của học sinh với người thân.
Dựa vào sơ đồ tư duy, các bé sẽ được viết 1 đoạn văn ngắn khoảng 5 - 7 câu, mỗi câu là 1 nhánh của sơ đồ. Ở các bước này, giáo viên và phụ huynh chỉ hướng dẫn, gợi ý còn lại để cho bé tự tư duy và tự viết.
Tuy nhiên, chị P.N.B nâng dần yêu cầu lập sơ đồ và viết văn với con gái. Bởi chị thấy sơ đồ của con còn đơn giản, đoạn văn vẫn lủng củng và lặp từ, lặp cấu trúc câu. "Mình cùng con đọc lại cả bài, mình nhận xét: Bài con viết rất đúng, cách dùng câu, từ, dấu câu không sai, tuy nhiên câu chưa thật sự hay nên mẹ sẽ giúp con sửa lại cho hay hơn.
Mình đọc lại từng câu với con, gợi ý con cách đổi vị trí các từ, hay cách diễn đạt khác để nghe trau chuốt hơn. Sau khi 2 mẹ con cùng nhau làm lại từng câu, con mình sẽ hoàn thiện lại bài viết. Và bởi đã được dùng sơ đồ + tự viết + cùng mẹ sửa từng câu rất kỹ nên con rất nhớ đoạn văn vừa viết" - chị P.N.B chia sẻ về cách mình giúp con viết văn dựa trên nền tảng sơ đồ tư duy đã được học ở lớp.
Trên nền đoạn văn đã viết hôm trước, các bé sẽ tự viết lại một đoạn văn khoảng 10 câu. Sau cùng, phụ huynh sẽ gợi ý cho con cách dùng từ, cách đổi chỗ các từ trong câu sao cho mượt mà, hay hơn.
"Mình thấy với phương pháp này con mình nhớ bài rất nhanh. Ngày hôm sau cô yêu cầu viết đoạn văn khoảng 7 câu về người thân, trên cơ sở 2 đoạn văn đã viết hôm trước, con rất nhanh chóng nhớ lại và "nhặt" các câu từ hai đoạn đó và viết lại đoạn văn mới đúng yêu cầu, mẹ không phải chỉnh sửa tí nào" - Chị P.N.B hào hứng chia sẻ về thành quả học văn của con gái sau khi được cô giáo và mẹ hướng dẫn theo phương pháp sơ đồ tư duy.
Trước đó, trên MXH cũng xuất hiện bài văn của cậu bé Ong lớp 3 mắc hội chứng tự kỷ thu hút sự chú ý của đông đảo phụ huynh. Bài văn trông khá bình thường nhưng chị Nguyệt Ca - mẹ cậu bé đã tiết lộ dùng phương pháp sơ đồ tư duy khiến con viết văn nhẹ nhàng hơn.
Cụ thể trong trường hợp này, chị Nguyệt Ca - mẹ của bé Ong đã chia sẻ chi tiết về "công thức viết văn" kỳ công cho vip (V.I.P là từ các cha mẹ có con tự kỷ thường dùng để gọi những bạn nhỏ mắc hội chứng tự kỷ, với thông điệp rằng mỗi một đứa trẻ tự kỷ đều là một con người rất đặc biệt, rất quan trọng).
Để có một bài văn ngắn gọn, đủ ý, câu cú đúng ngữ pháp, chị Nguyệt Ca, cô giáo và bé Ong đã trải qua các bước như sau:
Bước 1: Lập dàn ý
Vì tính cách của vip là kém ngôn ngữ và rất cứng nhắc, nên việc lập dàn ý như ảnh 1 với ghi chú về số câu, sẽ giúp vip bớt căng thẳng nếu viết không đủ 5-7 câu như cô giáo yêu cầu. Quá ít hay quá nhiều cũng sẽ khiến vip khó chịu.
Dàn ý phân rõ "mở đoạn" - "thân đoạn" - kết đoạn", với mỗi phần giúp vip xác định thông tin cần viết một cách ngắn gọn. Người giúp vip lập dàn ý cần có kỹ năng đặt câu hỏi đơn giản và trình bày thông tin mạch lạc.
Bước 2: Giúp vip chuẩn bị câu đơn bằng cách đặt câu hỏi ngắn
Mẹ/ cô đặt giấy/ vở/ ipad có dàn ý trước mặt để vip nhìn vào và cảm thấy việc viết xong 1 câu là khoảng cách tới đích không còn xa nữa, có thêm động lực viết.
Ở từng mục, giúp vip viết câu đơn trước bằng cách đặt câu hỏi và giúp vip trả lời bằng một câu đơn.
Bước 3: Giúp vip mở rộng câu đơn thành câu đơn dài, câu phức, câu ghép nhờ 2 cách
(a) mở rộng câu đơn dài bằng cách đặt các câu hỏi Wh (Who, what, where, when, why, how)
(b) mở rộng câu ghép, câu phức bằng các liên từ đơn giản: chủ + vị và chủ + vị; nhưng; bởi vì; hoặc...