Học người Quảng Nam cách làm chén nước mắm chấm thanh ngọt mà không cần dùng đường
Nước mắm là món quốc hồn quốc túy xứ Việt nên miền nào cũng có chén nước mắm đặc trưng của mình, và người Quảng Nam cũng vậy.
Ẩm thực miền Trung đặc trưng bởi tính mặn, cay và vị ngọt thanh chủ yếu đến từ rau củ, thịt cá và không lạm dụng đường. Cho nên chén nước mắm miệt ngoài đó phải thiệt cay nồng vì vậy họ giã rất nhiều tỏi, ớt và dằn trên cối chừng một ít đường. Không thêm nước lọc hay vắt chanh vào như chén nước mắm miền Tây.
Chén nước mắm đặc sệt bởi tỏi và ớt.
Vì chỉ dằn ít đường nên chén nước mắm đậm vị mặn lắm, người Quảng Nam thường chan vào đó nước luộc thịt để làm thanh lại vị mặn và thêm vị ngọt. Không cầu kì mà chén nước mắm ngon lạ kì. Màu nâu cánh gián của nước mắm ngon cộng thêm vị cay nồng của tỏi ớt và chút ngọt thanh của nước luộc thịt vừa no thỏa thị giác vừa bùng cháy vị giác. Bất chợt ta hiểu ra rằng vì sao người Việt lại mê nước mắm và gia vị đến vậy!
Người miền Trung ưa ăn nước mắm tỏi ớt kiểu vầy, họ có thể ăn thay cơm ngày 3 bữa. Cuốn bánh tráng lề (loại bánh tráng nướng dày nên phải nhúng ướt) cuốn chung với rau sống, thịt luộc rồi chấm ngập vào chén nước mắm.
Bạn có thể thử bắt chước làm chén nước mắm tỏi ớt và ăn theo kiểu này cho những ngày mưa hoặc những ngày quá bận và không muốn nấu nướng nhiều món nhé!