Học cách người mẹ 76 tuổi giữ tiền tiết kiệm để không làm con cái bất an, xích mích
Nghe bác Vương chia sẻ về cách giữ tiền tiết kiệm ở tuổi xế chiều, ai cũng phải thốt lên "thật quá thông minh".
Bác Vương năm nay đã 76 tuổi, có một người con trai và một con gái. Cả hai đều đã lập gia đình và hiện tại đang sống rất tốt.
Thời còn trẻ, bác Vương làm nghề giáo viên và là một người mẹ, người vợ hết lòng chăm sóc, vun vén cho gia đình. Cả đời bác đã sống rất giản dị. Chính bởi lẽ đó mà hiện tại, bác Vương có một khoản tiền kha khá, đủ để lo cho bản thân lúc già yếu mà vẫn còn dư, để dành cho con cháu.
Hai người con của bác Vương đã đề bạt rằng bác có thể giao khoản tiền tiết kiệm đó cho họ, họ sẽ cất giữ và giúp bác chi trả khi cấp bách. Bác Vương nghe xong lời đề nghị của 2 người con đã suy nghĩ rất nhiều. Bác lo lắng sau khi giao số tiền đó cho các con, chúng có thể dùng làm việc riêng, làm sao bác kiểm soát nổi; hoặc tệ hơn, 2 người con của bác sẽ xảy ra tranh chấp tài chính.
Bác Vương đã suy nghĩ rất nhiều về cách sử dụng, phân chia số tiền tiết kiệm này của mình. Sau khoảng 2 tháng tâm sự với hội đồng niên cùng những kiến thức tự góp nhặt, tìm hiểu, bác Vương đã quyết định làm 3 việc dưới đây với khoản tiền của mình thay vì đưa hết cho 2 người con.
1. Tiền tiết kiệm có kỳ hạn
Bác Vương đã gửi phần lớn số tiền tiết kiệm của mình (500.000 NDT) vào tài khoản cố định ở ngân hàng. Cách làm này vừa an toàn, vừa giúp khoản tiền của bác sinh lời vì lãi suất gửi tiết kiệm khá cao.
Con cái không thể tự ý "động" vào khoản tiền này của bác nếu bác chưa đồng ý. Trong trường hợp bác có không may qua đời đi nữa, 2 người con cũng không thể làm gì số tiền này nếu như không có sự xác nhận, đồng ý của người công chứng.
2. Mua các sản phẩm tài chính có rủi ro thấp
Để thu được lợi nhuận cao hơn, bác Vương đã mua các sản phẩm tài chính có rủi ro thấp với 100.000 NDT còn lại của mình, chủ yếu là bảo hiểm nhân thọ cho 4 người cháu của bác. Hầu hết các sản phẩm này đều có đặc điểm bảo toàn vốn, rủi ro thấp và lợi nhuận ổn định.
Tuy lợi nhuận không cao nhưng lại an toàn và đáng tin cậy. Bằng cách này, tài sản của bác Vương có thể tăng giá trị và đồng thời bảo vệ được lợi ích cho các cháu của bác.
3. Lập di chúc
Để tránh những tranh chấp về thừa kế tài sản sau này, bác Vương quyết định lập di chúc khi còn sống. Trong di chúc, bác có ghi rõ tỷ lệ và điều kiện để con được thừa kế tài sản mà bác đã để lại.
Bằng cách này, bác Vương không chỉ yên tâm rằng mọi mong muốn của mình đều được thực hiện mà giảm thiểu rủi ro 2 người con của bác xảy ra những tranh chấp, bất đồng không đáng có.
Thông qua ba phương pháp trên, bác Vương đã giải quyết thành công vấn đề làm thế nào để giữ tiền tiết kiệm của mình một cách hiệu quả, để con cái cảm thấy yên tâm và không xích mích. Bác Vương cũng đã thông báo cho 2 người con 3 kế hoạch giữ tiền này của mình, cả hai người con đều hiểu biết và ủng hộ bác. Họ tin rằng phương pháp này không chỉ đảm bảo an toàn cho tài sản của mẹ mà còn duy trì sự hòa thuận trong gia đình.